Trực Ninh nâng tầm giá trị sản phẩm OCOP

Thực hiện Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP) không chỉ là tiêu chí bắt buộc trong xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu mà còn là cơ hội để nâng tầm sản phẩm đặc trưng cũng như quảng bá, giới thiệu đặc sắc văn hóa vùng miền. Phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, huyện Trực Ninh khuyến khích, đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ sản xuất trên địa bàn huyện tập trung xây dựng, phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP.

Người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn sản phẩm rau sạch của Công ty Cổ phần Rau quả sạch Ngọc Anh, xã Trực Hùng (Trực Ninh).

Người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn sản phẩm rau sạch của Công ty Cổ phần Rau quả sạch Ngọc Anh, xã Trực Hùng (Trực Ninh).

Đến nay, huyện Trực Ninh đã có 46 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3 sao trở lên. Trong đó có 6 sản phẩm mới được công nhận OCOP 3 sao trong năm 2024: Tinh bột củ sen loại thượng hạng của hộ kinh doanh Vũ Văn Anh và Trà bí đao sấy lạnh Viagri, Rượu nếp cái hoa vàng Viagri của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Viagri đều ở xã Trực Chính; Rượu nho Bằng Khanh của Doanh nghiệp tư nhân rượu Bằng Khanh, xã Trực Hùng; Giò lụa Võ Gấm của hộ kinh doanh Vũ Ngọc Võ, thị trấn Cổ Lễ. Điểm nổi bật đáng ghi nhận trong số các sản phẩm mới được công nhận OCOP năm 2024 là vẫn từ nguồn nguyên liệu tại địa phương nhưng sản phẩm mang tính độc đáo, chất lượng cao; bao bì đẹp, tiện dụng, đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt của Chương trình OCOP và phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Điều này thể hiện rõ ràng sự nỗ lực của các chủ thể OCOP trong việc nâng cao giá trị sản phẩm và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng khắt khe. Trong đó xã Trực Chính có thêm 3 sản phẩm là Tinh bột củ sen loại thượng hạng; Trà bí đao sấy lạnh Viagri và Rượu nếp cái hoa vàng Viagri. Đây là những sản phẩm được chế biến từ nguồn nguyên liệu quen thuộc tại địa phương, kết hợp khéo léo giữa công nghệ và kinh nghiệm dân gian, đạt chất lượng cao. Củ sen vốn là loại rau củ có giá trị dinh dưỡng quý theo kinh nghiệm dân gian, tuy nhiên phương thức truyền thống chủ yếu sử dụng làm thực phẩm trong các bữa ăn. Với phương pháp chế biến mới làm trà, tinh bột... vừa giữ nguyên giá trị dinh dưỡng, lại tiện dụng dễ dàng bỏ túi xách mang theo để thưởng thức như một ly trà nóng hay thành bữa ăn nhẹ cho người già, trẻ nhỏ…

Anh Vũ Văn Anh, chủ cơ sở sản xuất tinh bột củ sen cho biết: “Là kỹ sư nông nghiệp, lập nghiệp tại quê nhà, tôi luôn đau đáu việc nâng tầm nông sản địa phương, tạo nên sản phẩm đặc trưng mang đậm dấu ấn quê hương. Do đó để làm ra sản phẩm thượng hạng này chúng tôi đã trải qua nhiều quy trình thử nghiệm, hoàn thiện mới ra được. Mỗi lần cải tiến là một lần nâng tầm sản phẩm, mang lại tiện ích cho người tiêu dùng. Sản phẩm tinh bột củ sen thượng hạng không chỉ đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm mà còn đạt tiêu chuẩn ISO 22000. Hiện tại tôi đang tiếp tục nghiên cứu kết hợp tinh bột củ sen với các thực phẩm khác; phát triển đa dạng quy cách đóng gói để sản phẩm có thể tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng hơn. Sản phẩm thực sự mở ra hướng phát triển cho người dân khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải thiện thu nhập”. Hay như sản phẩm Trà bí đao sấy lạnh Viagri được sản xuất từ sản phẩm cây vụ đông truyền thống ở địa phương. Với công nghệ sấy lạnh tiên tiến, sản phẩm giữ trọn dưỡng chất, đặc biệt là các loại vitamin tự nhiên trong quả bí đao.

Cũng trong năm 2024, huyện Trực Ninh đã đánh giá công nhận lại tiêu chuẩn OCOP cho 6 sản phẩm đã đạt chuẩn trước đây gồm: Nước mắm cáy Ninh Cường (hộ kinh doanh Trần Văn Phúc, thị trấn Ninh Cường); Gạo sạch Quỳnh Thanh bắc thơm số 7 và Gạo sạch Quỳnh Thanh 999 (Công ty TNHH Thương mại Thanh Đoàn, xã Việt Hùng); Gạo mộc Hương tâm (hộ kinh doanh Nguyễn Văn Toán, thị trấn Ninh Cường); Bộ giỏ đóng hoa quả mây tre đan Việt Tiến (HTX Sản xuất và Kinh doanh dịch vụ Việt Tiến, xã Trực Tuấn); Rượu đòng đòng lúa non (Doanh nghiệp tư nhân rượu Bằng Khanh, xã Trực Hùng). Những sản phẩm này đều được cải tiến đáng kể về mặt chất lượng và mẫu mã sau khi được công nhận lần đầu, đáp ứng tốt các tiêu chuẩn khắt khe của Chương trình OCOP. Điều quan trọng hơn là các sản phẩm đã khẳng định được giá trị thương hiệu trên thị trường và có doanh thu tăng gấp nhiều lần so với trước đây.
Có được kết quả này bên cạnh sự nỗ lực của các chủ thể, huyện Trực Ninh đã xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định rõ nội dung, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để triển khai Chương trình OCOP. Trong đó chú trọng đổi mới hình thức tổ chức sản xuất theo hướng hiện đại để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các HTX, doanh nghiệp, cá nhân tích tụ ruộng đất, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn. Duy trì, phát huy hiệu quả và mở rộng các mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết để nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm, nhất là các sản phẩm đặc trưng của từng địa phương. Ngoài ra, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với Văn phòng Điều phối NTM tỉnh và đơn vị tư vấn Chương trình OCOP của tỉnh tổ chức khảo sát, hướng dẫn, hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chí OCOP trực tiếp tại các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất có sản phẩm đăng ký tham gia chương trình.

Xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP góp phần quan trọng nâng cao thu nhập cho người dân, giúp huyện Trực Ninh đẩy nhanh tốc độ chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Thời gian tới, huyện tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của lãnh đạo cấp xã trong thực hiện Chương trình OCOP. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về Chương trình OCOP. Chú trọng công tác quản lý chất lượng sản phẩm OCOP và đẩy mạnh việc các chủ thể sản phẩm OCOP xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP trên nền tảng thương mại điện tử. Tiếp tục khuyến khích các chủ thể OCOP nghiên cứu và phát triển thêm các sản phẩm từ nguồn nguyên liệu địa phương, vừa gia tăng giá trị kinh tế, vừa bảo tồn bản sắc văn hóa bản địa.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương,

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/kinh-te/202412/truc-ninh-nang-tamgia-tri-san-pham-ocop-8b21af5/
Zalo