Trực Ninh chủ động phòng chống thiên tai
Trực Ninh không phải là huyện ven biển nhưng nằm trên lưu vực của hai con sông lớn là sông Hồng và sông Ninh Cơ, vì vậy trong tình huống xảy ra tổ hợp thiên tai bất lợi mưa to, bão mạnh, lũ lớn, triều cường thì mức độ ảnh hưởng rất lớn... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Trực Ninh không phải là huyện ven biển nhưng nằm trên lưu vực của hai con sông lớn là sông Hồng và sông Ninh Cơ, vì vậy trong tình huống xảy ra tổ hợp thiên tai bất lợi mưa to, bão mạnh, lũ lớn, triều cường thì mức độ ảnh hưởng rất lớn, gây thiệt hại đến công trình thủy lợi, đê điều và tài sản của nhân dân. Để chủ động ứng phó trước mọi tình huống thiên tai xảy ra, huyện Trực Ninh đã chú trọng kiểm tra, rà soát hệ thống đê điều, công trình thủy lợi và xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tổng thể theo hướng chủ động bảo vệ toàn tuyến đê kè, đảm bảo an toàn cho người dân, tài sản.
Qua rà soát toàn huyện có 43,3km đê sông gồm: đê hữu Hồng, đê hữu Ninh Cơ, đê tả Ninh Cơ; các tuyến đê cơ bản đủ cao trình và mặt cắt thiết kế, tuy nhiên một số đoạn tuyến có hiện tượng thẩm lậu, rò rỉ, mạch đùn, mạch sủi. Toàn huyện có 13 kè, tổng chiều dài 11,6km trong đó các đoạn kè đang đã bị sạt lở, có đoạn còn bị sạt lở vào chân đê như: đoạn kè Phượng Tường đê hữu Ninh xã Việt Hùng; đoạn kè Trực Thanh đê hữu Ninh xã Việt Hùng; đoạn kè Đò Mới đê tả Ninh xã Trực Đại. Huyện có 2 bối, gồm: bối hữu Hồng thuộc xã Trực Chính dài 3km có 13 hộ với 50 khẩu đang sinh sống trong vùng bối. Bối hữu Ninh Cơ thuộc xã Phương Định dài 3,2km, có 489 hộ với 1.373 khẩu thường xuyên sinh sống trong vùng bối; mặt đê bối chưa được cứng hóa, rất khó khăn trong công tác kiểm tra an toàn đê điều và phòng, chống khi có thiên tai xảy ra; cao trình chỉ đảm bảo an toàn mực nước lũ lên báo động. Toàn huyện có 33 điếm canh đê; trong đó, một số điếm xây dựng từ lâu, đã bị xuống cấp, hư hỏng, không đảm bảo cho lực lượng tuần tra, canh gác thực hiện nhiệm vụ khi có bão lũ, như: điếm số 1, số 2, số 4, số 6, Văn Lai, Phượng Tường. Trong đó, các trọng điểm PCTT cấp huyện cần lưu ý bảo vệ trong mùa mưa bão gồm: Kè Phượng Tường từ K6+067 đến K6+347 đê hữu Ninh, xã Việt Hùng; đoạn đê Trực Thanh từ K16+650 đến K16+950 đê hữu Ninh, xã Trực Thanh; kè Đò Mới đoạn từ K19+540 đến K20+300 đê tả Ninh, xã Trực Đại. Các vị trí kè, cống, bãi sông xung yếu: Đoạn từ K10+050 đến K10+550 và đoạn từ K10+760 đến K11+050 kè Trực Bình đê hữu Ninh, xã Việt Hùng; cống có khẩu độ lớn gồm Cổ Lễ, Cát Chử, Bà Nữ, Nam Tân, Rõng 1, Rõng 2 và Trực Cường; các cống yếu, đã xây dựng từ lâu gồm Đá, Phú An, Sa Đê, Thốp, Dầm, Sẻ; bối Phương Định; bối Trực Chính; bãi sông hữu Ninh thuộc xã Trực Mỹ, Trực Thuận; bãi sông tả Ninh thuộc xã Trực Hùng. Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ PCTT, huyện yêu cầu các xã, thị trấn chuẩn bị tốt “4 tại chỗ”. Theo đó, hiện nay các xã, thị trấn đều bố trí đồng chí Chủ tịch UBND, Trưởng Ban chỉ huy PCTT và TKCN trực tiếp chỉ huy công tác phòng tránh, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn. Mỗi xã, thị trấn thành lập một đội xung kích PCTT số lượng tối thiểu 70 người sẵn sàng ứng cứu khi cần; đối với các xã, thị trấn có đê còn bố trí thêm lực lượng quản lý đê nhân dân, trưởng điếm và mỗi điếm canh đê 12 người được tập huấn kỹ thuật tuần tra, canh gác và hộ đê giờ đầu. Để đảm bảo “vật tư tại chỗ”, đến nay tại huyện đã chuẩn bị 11 bộ nhà bạt loại 16,5m2, 6 bộ nhà bạt loại 24,75m2, 2 bộ nhà bạt loại 60m2; 220 áo phao, 390 phao tròn, 9 phao bè, 1 máy phát điện. Bên cạnh đó, huyện đã phân về các xã, thị trấn cất giữ: 160 chiếc áo phao, 500 chiếc phao tròn và dự trữ tại các tuyến đê 4.153m3 đá hộc. Mỗi xã, thị trấn còn chủ động chuẩn bị khoảng 2.000 chiếc bao tải, có kế hoạch huy động 500 cây tre (có vị trí và hộ cung ứng cụ thể). Riêng các xã, thị trấn có đê đã dự kiến vị trí thuận lợi, không bị ngập úng để khai thác tối thiểu 1.000m3 đất hộ đê khi cần thiết. Ban chỉ huy PCTT và TKCN các xã, thị trấn xây dựng phương án, ký hợp đồng cụ thể với tổ chức, cá nhân để cung ứng lương thực, nhu yếu phẩm, thuốc chữa bệnh, hóa chất xử lý nước... khi cần huy động.
Đặc biệt, huyện giao Phòng NN và PTNT (cơ quan thường trực của Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện) thực hiện trực ban 24/24 giờ khi có thiên tai xảy ra; theo dõi diễn biến thời tiết, khí tượng, thủy văn, tổng hợp tình hình triển khai công tác PCTT của các ngành, các địa phương; hướng dẫn các xã, thị trấn bố trí cơ cấu giống lúa phù hợp, điều chỉnh lịch gieo, cấy khi cần thiết; phối hợp các xã, thị trấn kêu gọi số tàu thuyền và ngư dân ra khơi khai thác hải sản khi xảy ra mưa bão. Hạt quản lý đê Trực Ninh phân công cán bộ bám sát địa bàn, án phận đê điều được giao; thực hiện chức năng tham mưu và thường trực 24/24 giờ. Công ty TNHH một thành viên KTCTTL Nam Ninh, Hải Hậu lập và triển khai phương án PCTT; phương án phòng, chống úng vụ mùa; chủ trì phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức giải tỏa vi phạm, vật cản đảm bảo kênh mương thông thoáng; kiểm tra kỹ thuật các công trình thủy lợi, vận hành thử các trạm bơm, phát hiện hư hỏng và tiến hành sửa chữa kịp thời, phục vụ tốt cho công tác PCTT; khi mở cống dưới đê thời điểm có lũ phải thông qua UBND huyện. Ban Chỉ huy Quân sự huyện xây dựng phương án cứu hộ, cứu nạn, chỉ huy lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên cứu hộ đê khi có lệnh. Công an huyện đảm bảo giao thông thông suốt cho các lực lượng, phương tiện khi tham gia cứu hộ đê; giữ vững an ninh trật tự vùng bị ảnh hưởng của bão, lũ; phối hợp với UBND các xã, thị trấn, Hạt quản lý đê Trực Ninh thường xuyên kiểm tra, xử lý xe quá tải đi trên đê, tàu thuyền khai thác cát ven sông. Các ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện còn tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, cảnh báo và hướng dẫn các biện pháp, kỹ năng phòng tránh hiệu quả, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản trước các tình huống thiên tai có thể xảy ra trong năm nay nhằm hạn chế thiệt hại./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy