Trụ sắt 1.600 năm không gỉ sét ở Ấn Độ
Trải qua 1.600 năm đứng giữa nắng, mưa và ô nhiễm, trụ sắt cao 7,2 m tại New Delhi vẫn nguyên vẹn, phản ánh trình độ luyện kim đáng kinh ngạc của Ấn Độ cổ đại.

Trụ sắt nổi tiếng của New Delhi nằm bên trong quần thể Qutb Minar được UNESCO công nhận. Ảnh: Allen Brown/Alamy.
Tọa lạc tại sân nhà thờ Hồi giáo Quwwat-ul-Islam (New Delhi, Ấn Độ), trụ sắt cổ đại cao 7,2 m, nặng khoảng 6 tấn từ lâu đã thu hút sự chú ý của giới nghiên cứu và du khách.
Có niên đại từ thế kỷ thứ 5, trụ cột này được cho là đã trải qua hơn 1.600 năm tiếp xúc trực tiếp với thời tiết khắc nghiệt và ô nhiễm nhưng vẫn không hề gỉ sét, theo CNN.
Khác với các công trình kim loại hiện đại phải sử dụng nhiều lớp bảo vệ như sơn đặc biệt để chống oxy hóa, trụ sắt 1.600 năm tuổi vẫn giữ được lớp ngoài gần như nguyên vẹn dù không có bất kỳ lớp phủ bảo vệ nào. Sự tồn tại bền bỉ của nó khiến giới khoa học đặt câu hỏi trong suốt nhiều thập kỷ: điều gì đã giúp nó chống lại sự ăn mòn tự nhiên?
Các nghiên cứu bắt đầu từ năm 1912, nhưng phải đến năm 2003, nhóm chuyên gia tại Viện Công nghệ Ấn Độ (IIT) ở Kanpur mới đưa ra lời giải thích cụ thể.
Theo đó, trụ cột được làm từ sắt rèn có hàm lượng phốt pho cao (khoảng 1%), đồng thời gần như không chứa lưu huỳnh và magiê - trái ngược với thành phần của sắt hiện đại. Ngoài ra, kỹ thuật “hàn rèn” được áp dụng, tức nung chảy và đập sắt mà không làm giảm lượng phốt pho, góp phần quan trọng vào độ bền của vật liệu.

Cận cảnh dòng chữ khắc trên Cột Sắt. Ảnh: Stuart Forster/Shutterstock.
Một lớp màng mỏng gọi là "misawite", gồm hợp chất sắt, oxy và hydro, được hình thành trên bề mặt trụ nhờ tác động của phốt pho và điều kiện môi trường. Lớp màng này giúp trụ cột tạo ra cơ chế tự bảo vệ chống oxy hóa, duy trì sự ổn định lâu dài theo thời gian.
Chuyên gia luyện kim R. Balasubramaniam, tác giả nghiên cứu công bố trên tạp chí Current Science, mô tả trụ sắt là một minh chứng sống động cho kỹ nghệ luyện kim của người Ấn Độ cổ.
Một sự kiện được ghi lại từ thế kỷ XVIII cho biết một viên đạn đại bác từng bắn vào trụ mà không gây ra thiệt hại đáng kể, cho thấy độ vững chắc của công trình này.


Nhà thờ Hồi giáo Quwwat-ul-Islam là một phần của quần thể Qutb Minar được UNESCO công nhận. Ảnh: Mohan Nannapaneni, Pramod Tiwari/Pexels.
Kiến trúc sư bảo tồn Pragya Nagar nhận định việc duy trì trụ cột ở vị trí hiện tại là ví dụ điển hình về nỗ lực bảo tồn di sản trong môi trường đô thị thay đổi nhanh chóng. Bà nhấn mạnh rằng, thay vì chỉ ngắm nhìn và lưu giữ, cần xem các di tích như trụ sắt là kho tri thức cổ, từ đó có thể truyền cảm hứng cho những hướng đi bền vững trong khoa học vật liệu và bảo tồn môi trường hiện đại.
Cây trụ sắt 1.600 năm tuổi không chỉ là nhân chứng lịch sử mà còn là lời nhắc nhở về những thành tựu đáng kể của nền văn minh cổ đại, vẫn còn giá trị và gây ấn tượng cho đến tận ngày nay.