Trù phú vùng quýt Mường Khương

Tôi đi giữa vườn quýt xanh ngắt cùng Bí thư Đảng ủy thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) Phạm Đăng Năm. Ngắm tán cây xòe rộng, nặng trĩu quả, nghe giọng nói chuyện sôi nổi của anh Năm với bà con, tôi cảm nhận rất rõ kỳ vọng lớn của Bí thư Năm và người dân nơi đây về một mùa quýt bội thu.

Các vùng đồi trước đây trồng ngô cho năng suất thấp đã được người dân thị trấn Mường Khương chuyển sang trồng quýt cho giá trị kinh tế cao hơn. Ảnh: Bích Nguyên

Các vùng đồi trước đây trồng ngô cho năng suất thấp đã được người dân thị trấn Mường Khương chuyển sang trồng quýt cho giá trị kinh tế cao hơn. Ảnh: Bích Nguyên

Đã có những thời kỳ, thị trấn Mường Khương gặp khó khăn trong sản xuất nông nghiệp do thiếu nước sản xuất, đồi núi có độ dốc lớn, khí hậu khắc nghiệt, nhiều sương mù, độ ẩm lớn. Thế nhưng, những bất lợi đối với cây ngô, cây lúa lại trở thành điều kiện thuận lợi cho cây quýt phát triển khi được đưa vào vùng đất này. Đặc biệt hơn, do được chăm sóc tốt, quýt Mường Khương có hương vị thơm, ngọt thanh mát, vỏ mỏng, trở thành thương hiệu được nhiều người dân nhiều địa phương trên cả nước ưa dùng.

Chị Lồ Dìn Sủi, 39 tuổi, dân tộc Bố Y, thôn Lao Chải, thị trấn Mường Khương tiếp chuyện tôi ngay giữa vườn quýt phủ xanh cả một quả đồi của gia đình. Thời điểm này, quýt đã đậu quả, to gần bằng nắm tay. Cây nào cây nấy lúc lỉu quả, kéo cành sà xuống thấp, khiến tôi có cảm giác như cành sắp gãy vì sức nặng của quả. Chị Sủi mồ hôi nhễ nhại vừa tỉa cành, vừa bảo rằng đây là giai đoạn cao điểm chăm sóc quýt. Những người trồng quýt như chị ngày nào cũng phải có mặt trên đồi để tỉa cành sâu bệnh, loại bỏ bớt quả nhỏ, quả xấu để cây tập trung dinh dưỡng nuôi những quả đẹp. “Cành nào nhiều quả quá cũng phải tỉa bớt đi, không thể tham mà giữ lại sẽ ảnh hưởng đến chất lượng quả và sản lượng của cả cây. Sản lượng mỗi cây là khác nhau, có những cây nhỏ, mới bói quả chỉ cho 10kg quả hoặc 20kg quả một vụ nhưng cũng có những cây cho đến 50kg quả”” - chị Sủi chia sẻ.

Gia đình chị Sủi từng có thời gian sống trong nghèo khổ, khó khăn bởi chỉ trông chờ vào cây lúa và ngô truyền thống mỗi năm một vụ. Chị kể, trông ngô, lúa một vụ nên năm được mùa thì đủ ăn, còn năm nào ông thời không thuận, xảy ra hạn hán, mưa lũ thì mất ăn. Cuộc sống của gia đình chị bước sang một trang mới khi chị chuyển đổi phần lớn diện tích trồng lúa, ngô sang trồng quýt - loại cây rất phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở đây. Gắn bó với cây quýt từ năm 2009, đến nay, vườn của gia đình chị đã phát triển lên 4.000 cây, trong đó, 3.000 cây đã cho trái.

Chị Lồ Dìn Sủi cho biết, nhờ cây quýt, cuộc sống của gia đình chị khá giả, ấm no hơn. Ảnh: Bích Nguyên

Chị Lồ Dìn Sủi cho biết, nhờ cây quýt, cuộc sống của gia đình chị khá giả, ấm no hơn. Ảnh: Bích Nguyên

Qua mỗi vụ trồng, chị tích lũy thêm được nhiều kinh nghiệm chăm sóc để quyết cho năng suất tốt hơn. Năm nay, mặc dù phải hứng chịu 2 trận mưa đá, nhưng vườn cây vẫn phát triển tốt, sai quả. Chị Sủi cho biết, năm 2023, giá quýt khá tốt, đầu vụ lên tới 40.000 đồng/kg, thời điểm giữa vụ khoảng 25.000 đồng/kg. Vườn quýt mang lại cho chị hơn 200 triệu đồng, sau khi đã trừ chi phí. Chị hy vọng, năm nay, quýt giữ được giá như năm ngoái. Nếu được như vậy thì coi như mùa quýt năm 2024, người trồng quýt Mường Khương thắng lớn bởi vừa được mùa, vừa được giá.

Chị Lù Thị Sủi cũng bỏ ngô trồng quýt như người láng giềng của mình. Trò chuyện với tôi, chị bảo, đó là việc làm đúng đắn nhất, mang lại sự ấm no cho gia đình. Ngôi nhà khang trang, bề thế nằm ngay bên cạnh đường lên cửa khẩu Mường Khương chính là kết quả tốt đẹp của những mùa quýt tươi ngon. Như bao người dân khác ở thôn Lao Chải, gia đình chị Lù Thị Sủi trước đây chỉ trồng lúa, ngô và chăn nuôi lợn. Dù làm lụng suốt ngày mà cuộc sống vẫn mãi nghèo khó. Năm 2005, nhận thấy bà con phía giáp biên trồng quýt thành công, chị Sủi bắt đầu mua cây quýt giống về trồng. Đến nay, diện tích trồng quýt nhà chị đã mở rộng lên tới 5.000 cây.

Chị Sủi chia sẻ: “Chăm sóc quýt vất vả nhất là giai đoạn tỉa cành và công đoạn bón phân thúc cây, thúc quả. Thông thường, mỗi năm phải bón phân 2-3 lần, vào tháng 6 và tháng 7 phải tỉa bớt cành để cây có sức dưỡng quả”. Bù lại sự vất vả, vườn quýt nhà chị Sủi cho năng suất rất tốt, trung bình mỗi cây cho khoảng 30-50kg quả. Đặc biệt, có những cây lớn cho thu hoạch tới 80kg quả. Năm 2023, vườn quýt của gia đình chị Sủi cho thu 14 tấn quả. Tổng kết vụ quýt năm vừa rồi, gia đình chị có thêm 400 triệu đồng. Nhờ cây quýt, gia đình chị Sủi có của ăn, của để. Chị phấn khởi cho hay: “Tích lũy tiền thu nhập từ quýt, tôi làm được ngôi nhà trị giá 800 triệu đồng. Thu nhập ổn định nên tôi có điều kiện cho con học hành đầy đủ, đứa nào cũng có xe đạp điện, xe máy để đi”.

Quýt Mường Khương được giới thiệu tại Hội chợ nông sản Hà Nội. Ảnh: Năm Hòa

Quýt Mường Khương được giới thiệu tại Hội chợ nông sản Hà Nội. Ảnh: Năm Hòa

Những hộ trồng quýt mà tôi đã gặp ở thị trấn Mường Khương rất thức thời. Tận dụng lợi thế của mạng xã hội, họ quảng bá vườn quýt của gia đình trên ứng dụng zalo, facebook, thậm chí livestream khâu thu hoạch ngay tại vườn để giới thiệu thương hiệu quýt Mường Khương vươn xa khắp cả nước. Chị Sủi chia sẻ: “Mạng xã hội đưa thông tin rất nhanh. Chúng tôi chụp ảnh, quay video chăm sóc, thu hái quýt rồi đăng lên mạng để mọi người biết, liên hệ đặt mua. Việc này rất tiện lợi, khách hàng chỉ cần gọi điện, chúng tôi sẽ đóng gói, gửi hàng theo đúng yêu cầu”.

Vào thời điểm quýt chín rộ (khoảng tháng 11-12 hàng năm), vùng trồng quýt Mường Khương luôn nhộn nhịp. Ngoài thương lái, xe tải lớn nhỏ tới nhập hàng, các vườn quýt còn đón người dân trong và ngoài tỉnh Lào Cai tới thăm, chụp ảnh check-in và mua trực tiếp tại vườn. Mỗi du khách đều ra về với những bức ảnh chân thực và những kỷ niệm tốt đẹp về vùng quýt Mường Khương. Điều này giúp cho hình ảnh vườn quýt Mường Khương được quảng bá rộng rãi tới các tầng lớp trong xã hội, thương hiệu quýt Mường Khương nhờ đó được nhiều người biết tới hơn.

Thực tế, hơn 20 năm bén duyên với vùng đất Mường Khương, cây quýt mang lại những quả ngọt, nhưng cũng có những lúc thiên tai, dịch bệnh khiến cho bà con thấp thỏm lo âu vì mất mùa, vì không được giá. Kể chuyện về kỷ niệm với cây quýt, Bí thư Năm chia sẻ, từng đích thân mang quýt đi bán hộ cho người dân tại Thủ đô để giải cứu quýt. Ông Năm kể: “Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá quýt hạ xuống rất thấp chỉ còn 7.000-8.000 đồng/kg. Tôi liên hệ Hội chợ hàng nông sản của hệ thống siêu thị Big C mang 10 tấn quýt xuống Thủ đô giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Tôi phải kêu gọi bà con đồng hương và người thân quen ở Hà Nội mua ủng hộ”.

Dù vậy, đúc rút lại, trải qua nhiều thăng trầm, có lúc rớt giá, lúc mất mùa, nhưng so với các loại cây truyền thống như lúa, ngô, cây quýt đã khẳng định được giá trị kinh tế và “chỗ đứng” của mình. Cây quýt vẫn là cây xóa đói giảm nghèo của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Mường Khương như khẳng định của chính quyền địa phương.

Đến năm 2024, toàn thị trấn Mường Khương có khoảng 260ha quýt trên địa bàn của 10 thôn, với 350 hộ trồng. Tính trung bình, mỗi ha quýt ước tính cho thu nhập khoảng hơn 100 triệu đồng. Có những hộ dân thu nhập 1 năm từ hơn 300 triệu đến gần 1 tỷ đồng. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của thị trấn Mường Khương là 42 triệu đồng/người/năm. Cây quýt đóng góp vai trò quan trọng trong việc giảm tỉ lệ hộ nghèo của thị trấn Mường Khương xuống còn khoảng 6%, hộ cận nghèo còn 12%.

Xuân Hương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tru-phu-vung-quyt-muong-khuong-post480627.html
Zalo