Trừ điểm giấy phép lái xe: Thêm cơ hội, nâng cao ý thức

Trừ điểm giấy phép lái xe (GPLX) - một trong những nội dung mới được người dân rất quan tâm trong dự án Luật Trật tự, An toàn giao thông (TTATGT) đường bộ vừa được Quốc hội thông qua vào ngày 27/6. Dự án luật gồm 9 chương, 89 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 là cơ sở pháp lý về TTATGT đường bộ, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân...

Tất cả vì sự an toàn của người dân

Phải nói rằng, dự án Luật TTATGT đường bộ là một trong những dự án luật mà các cơ quan chức năng của Bộ Công an thực hiện công phu, tâm huyết nhất. Từ lúc bắt đầu xây dựng dự thảo cho đến khi Quốc hội bấm nút thông qua là một quá trình dài trải qua 2 khóa Quốc hội. Dự án luật được ban hành là sự tâm huyết, trăn trở của lãnh đạo Bộ Công an với mục tiêu đảm bảo an toàn cho người dân mỗi khi ra đường, cải cách hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, đặc biệt là nhấn mạnh sự nghiêm minh nhưng rất nhân văn của Nhà nước ta khi xử lý các vi phạm hành chính trong lĩnh vực TTATGT. Trong đó, quy định về điểm của GPLX (Điều 58) là một trong những quy định rất nhân văn, tạo điều kiện tối đa cho người dân, đặc biệt là những lái xe chuyên nghiệp.

Cơ quan Công an hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục đăng ký xe trên môi trường điện tử.

Cơ quan Công an hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục đăng ký xe trên môi trường điện tử.

Theo báo cáo của Bộ Công an, hiện nay, việc quản lý người lái xe sau khi được sát hạch, cấp GPLX đang bị buông lỏng; cơ quan chức năng chưa có các biện pháp quản lý phù hợp, hữu hiệu, nhất là quản lý việc chấp hành pháp luật về TTATGT của người lái xe. Vì vậy, nhằm quản lý việc chấp hành pháp luật của người điều khiển phương tiện giao thông, cơ quan quản lý đã luật hóa quy định điểm, trừ điểm của GPLX.

Điểm của giấy phép lái xe

Điểm của GPLX được dùng để quản lý việc chấp hành pháp luật về TTATGT đường bộ của người lái xe trên hệ thống Cơ sở dữ liệu về TTATGT đường bộ bao gồm 12 điểm. Số điểm trừ mỗi lần vi phạm tùy tính chất, mức độ của hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT đường bộ. Dữ liệu trừ điểm GPLX của người vi phạm sẽ được cập nhật vào hệ thống dữ liệu ngay khi quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành và thông báo cho người bị trừ điểm GPLX biết. GPLX chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong thời hạn 12 tháng từ ngày bị trừ điểm gần nhất thì được phục hồi đủ 12 điểm. GPLX sau khi đổi, cấp lại, nâng hạng được giữ nguyên số điểm của GPLX trước khi đổi, cấp lại, nâng hạng.

GPLX chưa bị trừ hết điểm, người lái xe tiếp tục được điều khiển phương tiện tham gia giao thông, không ảnh hưởng đến hoạt động tham gia giao thông, hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của nhân dân, qua đó bảo đảm tính nhân văn, nhân đạo của pháp luật Việt Nam; đáp ứng yêu cầu thực tiễn, ứng dụng chuyển đổi số trong công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình hiện nay.

Nói về điều này, Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết, trong Luật Giao thông đường bộ 2008 đang áp dụng hiện nay, có rất nhiều lỗi bị tước GPLX như: lái xe có nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện; chạy quá tốc độ; đi ngược chiều; không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ; dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe, lùi xe, tránh xe, vượt xe, chuyển hướng, chuyển làn đường không đúng quy định gây tai nạn giao thông... Khi bị tước GPLX thì người dân sẽ không được cầm lái trong thời gian bị tước. Điều này, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, sinh hoạt của họ, đặc biệt là đối với các lái xe chuyên nghiệp, vì trong thời gian bị tước GPLX họ không thể hành nghề để kiếm sống.

Bên cạnh đó, trong thời gian bị tước GPLX, nếu giấy phép hết hạn, lái xe cũng không thể đổi GPLX có thời hạn mới; quá hạn, họ sẽ phải thi lại, thậm chí học lại nếu hết thời gian quy định cấp đổi GPLX. “Chính vì vậy, lãnh đạo Bộ Công an đã tính toán rất nhiều, suy nghĩ làm sao để tạo điều kiện nhất cho người dân đi lại, không để họ mất “cần câu cơm” nhưng vẫn đảm bảo răn đe và sự nghiêm minh của pháp luật. Từ đó, Bộ Công an đề xuất trừ điểm GPLX. Theo đó, mỗi lần lái xe vi phạm, sẽ bị trừ số điểm nhất định, khi nào bị trừ hết điểm, lái xe sẽ phải thi lại GPLX” - Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh cho biết.

CSGT kiểm tra giấy tờ của lái xe.

CSGT kiểm tra giấy tờ của lái xe.

Ứng dụng khoa học công nghệ trong trừ điểm giấy phép lái xe

Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết để chuẩn bị cho việc thực hiện quy định này, Bộ Công an đã và đang mưu cho Chính phủ xây dựng nghị định quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Trong đó, có quy định cụ thể hành vi vi phạm hành chính bị trừ điểm GPLX.

Dự kiến, với các hành vi đã bị trừ điểm sẽ không quy định tước GPLX. Bộ Công an cũng song song đang chuẩn bị và sẽ ban hành thông tư quy định cụ thể kiểm tra lại kiến thức pháp luật về TTATGT đường bộ đối với các trường hợp bị trừ hết điểm. "Khi bị trừ hết điểm sẽ có quy định phải học và kiểm tra lại kiến thức pháp luật về TTATGT đường bộ đối với người vi phạm. Khi đủ điều kiện mới cấp lại điểm trong GPLX" - Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nói.

Về ứng dụng khoa học công nghệ trong việc trừ điểm, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho biết, để thuận tiện cho việc trừ điểm, cải cách thủ tục hành chính, tránh gây nhầm lẫn, phiền hà trong việc trừ điểm với người dân vi phạm, Bộ Công an sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu về vi phạm, xử lý vi phạm TTATGT.

"Chúng tôi đang làm dự án cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm TTATGT trên cả nước và cơ sở dữ liệu về xử phạt vi phạm TTATGT thuộc thẩm quyền của Bộ Công an. Hiện có 85% các quyết định xử lý vi phạm hành chính do thẩm quyền của Bộ Công an nên cơ sở dữ liệu sẽ được tích hợp đầy đủ từ trước đến nay, có thể kết nối liên thông, chia sẻ, xác định việc vi phạm của công dân cụ thể vào từng thời điểm và rất dễ dàng trong việc truy xuất, xử phạt tiếp theo. Cơ sở dữ liệu về trừ điểm GPLX cũng nằm trong cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm TTATGT, đảm bảo các bước trừ điểm hoàn toàn tự động" - Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nói thêm.

Từ ngày 1/1/2025, khi luật, nghị định, thông tư có hiệu lực thì việc trừ điểm hoàn toàn tự động và được kết nối với VNeID và Cổng dịch vụ công quốc gia để thông báo cho người được trừ điểm biết các hành vi vi phạm bị trừ bao nhiêu điểm, số điểm còn lại bao nhiêu. “Việc này sẽ rất thuận tiện và việc theo dõi, quản lý trừ điểm sẽ được thực hiện trên cơ sở dữ liệu vi phạm hành chính về TTATGT. Tất cả đều kết nối liên thông, tự động, không có sự can thiệp trái pháp luật của con người" - Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh.

CSGT sử dụng thiết bị kỹ thuật phát hiện, xử lý vi phạm giao thông.

CSGT sử dụng thiết bị kỹ thuật phát hiện, xử lý vi phạm giao thông.

Mong chờ quy định mới có hiệu lực

Là lái xe khách chạy tuyến Hà Nội - Hải Phòng, bị tước GPLX 3 tháng do chạy quá tốc độ, anh Nguyễn Tiến Mạnh ở Hải An, Hải Phòng - một trong những người mong chờ Luật TTATGT có hiệu lực. Anh cho biết: “Từ khi Bộ Công an đưa quy định về trừ điểm GPLX vào Luật TTATGT đường bộ, tôi mong lắm, vì với những lái xe chuyên nghiệp như tôi, GPLX là “cần câu cơm”, là công cụ mưu sinh của cả nhà. Vì vậy, khi bị tước GPLX, tôi đành phải làm phụ xe với mức lương bằng một nửa lương lái chính. Cuộc sống rất khó khăn. Vì thế, tôi mong luật sớm có hiệu lực, để không may lỡ vi phạm, chúng tôi sẽ bị trừ điểm GPLX, vẫn có cơ hội để rút kinh nghiệm”.

Anh Hoàng Văn Hiền, lái xe container gặp nhiều khó khăn hơn vì gia đình anh phải đầu tư một khoản tiền lớn, thời gian gần 2 năm để anh học, thi lấy bằng FC. Anh cho biết: “Thi bằng FC rất khó, phải học từ bằng C, D, E trước, sau đó phải có đủ 3 năm lái xe an toàn thì mới được học và thi bằng FC để lái container. Vì vậy, những người lái được xe container không nhiều nên lương cao hơn các lái xe hạng khác. Gia đình tôi đã đầu tư nhiều tiền, thời gian cho tôi đi học. Do một lần bạn bè rủ đi uống bia, tôi đã đi xe ôm, nhưng sau khi uống, bạn tôi say quá không lái được xe về nên nhờ tôi đưa bạn về. Không ngờ, chỉ một lần vi phạm ấy mà tôi bị tước GPLX 12 tháng. Thế là tôi đành nghỉ ở nhà đợi có GPLX mới đi làm được. Mà GPLX của tôi còn hạn có 6 tháng, đến khi được trả, tôi phải thi lại, vừa tốn tiền, vừa mất thời gian”. Vì vậy, anh Hiền mong luật có hiệu lực để những lỗi “nho nhỏ” chỉ bị trừ điểm để cảnh báo, răn đe lái xe.

Ứng dụng khoa học, công nghệ trong đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.

Ứng dụng khoa học, công nghệ trong đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.

Đồng tình với quy định trên, chị Hoàng Thị Ngân ở Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết, đi trong phố hay mắc các lỗi vi phạm tín hiệu đèn; sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện; dừng đỗ sai quy định... những lỗi này ít khi trực tiếp gây tai nạn giao thông. Vì vậy, việc trừ điểm sẽ đúng với mức độ vi phạm hơn, cũng là cảnh báo để lái xe không tiếp tục vi phạm, người dân được lợi hơn rõ rệt so với quy định tước GPLX. “Bên cạnh đó, việc thi lại GPLX khi bị trừ hết điểm khó khăn hơn so với thi lần đầu sẽ là khiến lái xe sợ, không dám vi phạm” - chị Ngân nêu quan điểm.

Theo quy định của Luật TTATGT đường bộ, khi GPLX bị trừ hết điểm thì người có GPLX không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo GPLX đó. Sau thời hạn ít nhất là 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, người có GPLX được tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về TTATGT đường bộ do lực lượng CSGT tổ chức, có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm.

Thủ tục trừ điểm, phục hồi điểm sẽ bảo đảm đơn giản, hợp lý, tránh phiền hà cho người vi phạm, theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, số hóa hệ thống Cơ sở dữ liệu về sát hạch, cấp GPLX; hệ thống Cơ sở dữ liệu về xử phạt vi phạm hành chính; khi có quyết định xử phạt (đối với hành vi vi phạm có quyết định trừ điểm, người lái xe sẽ nhận được thông báo của cơ quan xử phạt về việc GPLX bị trừ điểm; hệ thống Cơ sở dữ liệu sẽ tự động trừ điểm (không có sự tiếp xúc giữa người có thẩm quyền xử phạt và người vi phạm nên sẽ không phát sinh tiêu cực, không chồng chéo với các hình thức xử phạt vi phạm hành chính hoặc sau 1 năm tính từ lần trừ điểm gần nhất nếu còn điểm hệ thống sẽ tự động phục hồi điểm cho người lái xe.

Phương Thủy

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/tru-diem-giay-phep-lai-xe-them-co-hoi-nang-cao-y-thuc-i739529/
Zalo