Trồng thành công gần 300.000 cây trên 7 khu rừng đầu nguồn
Theo công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam có diện tích rừng tự nhiên 10.129.751ha và rừng trồng 3.797.371ha, tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc 42,02%. Tuy diện tích rừng che phủ tương đương gần một nửa diện tích Việt Nam nhưng chất lượng rừng vẫn cần được nâng cao.
Việt Nam đang quyết liệt trồng rừng để khôi phục sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học và chuẩn bị cho những tiềm năng như về tín chỉ carbon rừng, tín chỉ đa dạng sinh học và khai thác những giá trị khác của rừng ngoài gỗ, nhưng bên cạnh số lượng, chất lượng chương trình trồng rừng luôn cần được quan tâm. Để trồng rừng hiệu quả đòi hỏi kế hoạch trồng, chăm sóc, giám sát và lập báo cáo minh bạch rõ ràng để đảm bảo tỷ lệ sống của khu rừng, đặc biệt trong bối cảnh việc trồng rừng dần trở thành xu hướng và được xã hội hóa mạnh mẽ.
Theo thông tin từ Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia, tổng kết năm 2024, đã trồng được 292.729 cây tại 7 khu rừng đầu nguồn trên cả nước và 6 trường học tại TP Hồ Chí Minh. Bên cạnh hoạt động phục hồi rừng đầu nguồn ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiệt hại thiên tai, vào dịp cuối năm, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia tích cực triển khai nhiều chương trình như Olympia - Hệ thống tra cứu cây xanh công viên TP Hồ Chí Minh và Dọn nhà Góp cây.
Olympia có sự tham gia của gần 200 tình nguyện viên tham gia đo cây, xây dựng hệ thống dữ liệu cây xanh cho khu A, Công viên Gia Định TP Hồ Chí Minh. Chương trình Dọn nhà Góp cây có sự đóng góp của hơn 50 doanh nghiệp và hàng trăm cá nhân tham gia, tổng số đồ góp về hơn 10 tấn chỉ trong 5 ngày…
Bà Huyền Đỗ - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia cho biết: “Gaia rất tập trung vào tính hiệu quả của việc triển khai trồng rừng. Chúng tôi chỉ trồng ở các khu rừng đầu nguồn có giá trị sinh thái lớn và được bảo vệ nghiêm ngặt như các vườn quốc gia và khu bảo tồn. Các chương trình đều được lên kế hoạch tỉ mỉ với sự phối hợp của các ban quản lý vườn quốc gia và khu bảo tồn để xác định khu vực đất cần phục hồi, loài cây và nguồn cây bản địa phù hợp.
Tùy theo khu rừng mà chúng tôi sẽ chăm sóc, giám sát trong 2 - 6 năm. Các báo cáo rừng được công khai trên các nền tảng mạng xã hội với đầy đủ số liệu và hình ảnh. Hơn thế nữa, khi truyền thông chúng tôi luôn tập trung vào sự thật, tránh các hiện tượng tẩy xanh (greenwashing) để đảm bảo cộng đồng và đối tác đều có được thông tin đúng và hữu ích”.
Cũng theo bà Huyền Đỗ, những nỗ lực phục hồi rừng của Việt Nam đã thực sự tạo tác động khi Việt Nam là một trong 10 quốc gia trên thế giới có diện tích rừng tăng cao nhất, có diện tích rừng trồng lớn nhất thế giới, theo Báo cáo Đánh giá tài nguyên rừng toàn cầu của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO).