Trọng tài và tòa án đã 'gần nhau' hơn
Một quyết định gần đây cho thấy tín hiệu tích cực từ phía tòa án Việt Nam khi xem xét công nhận hay không công nhận phán quyết của trọng tài nước ngoài do có vi phạm tố tụng và trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
Khó khăn trong thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam
Quá trình công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam trải qua hai giai đoạn: đầu tiên, tòa án công nhận và cho thi hành theo điều 424 Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) 2015 dựa trên đơn yêu cầu được nộp trong vòng ba năm từ ngày phán quyết của trọng tài nước ngoài có hiệu lực pháp luật; sau đó, quyết định của tòa án được chuyển cho cơ quan thi hành án để tổ chức thi hành.
Theo cơ sở dữ liệu được công bố bởi Bộ Tư pháp, tính đến nay đã có 82 phán quyết của trọng tài nước ngoài được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam(1). Các tòa án Việt Nam có xu hướng công nhận nhiều phán quyết của trọng tài nước ngoài hơn so với trước năm 2015 (thời điểm BLTTDS 2015 được ban hành).
Trên thực tế, tỷ lệ công nhận vẫn ở mức thấp vì nhiều lý do, trong đó nổi bật là các tòa án thường áp dụng quy định pháp luật nội dung và tố tụng Việt Nam để xem xét, dẫn đến từ chối công nhận phán quyết của trọng tài nước ngoài do vi phạm tố tụng và trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam theo điều 459 BLTTDS 2015. Tuy nhiên, một quyết định gần đây của Tòa án cấp cao tại TPHCM đã mang đến tín hiệu tích cực cho thủ tục này.
Tín hiệu tích cực từ vụ kiện tại trọng tài Singapore được công nhận ở Việt Nam
Ngày 8-9-2017, Công ty S (Nhật Bản) và Công ty R (Việt Nam) ký hợp đồng mua bán cổ phần, dẫn đến tranh chấp được giải quyết bởi Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore (SIAC). Ngày 6-7-2022, SIAC ra phán quyết chấp nhận các yêu cầu của Công ty S (Phán quyết 090).
Sau đó, Công ty S yêu cầu tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành Phán quyết 090 theo BLTTDS và Công ước New York. Ngày 10-1-2023, Tòa án cấp sơ thẩm từ chối công nhận phán quyết này. Tuy nhiên, ở cấp phúc thẩm, Tòa án cấp cao tại TPHCM đã chấp nhận kháng cáo của Công ty S, công nhận và cho thi hành Phán quyết 090 tại Việt Nam (Quyết định 95)(2). Tòa án phúc thẩm cho rằng Tòa án sơ thẩm đã xử lý vụ việc không đúng quy định và thiếu căn cứ, bởi lẽ Hội đồng trọng tài SIAC đã xử lý tranh chấp dựa trên thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, phù hợp với pháp luật Việt Nam, không vi phạm nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, đồng thời việc áp dụng quy định tố tụng theo quy tắc của SIAC là phù hợp và cần được tôn trọng.
Quyết định 95 cho thấy hai dấu hiệu tích cực trong thực tiễn xét đơn yêu cầu công nhận phán quyết của trọng tài nước ngoài:
Thứ nhất, tòa án đã chấp nhận áp dụng quy định tố tụng tại nơi trọng tài xét xử hoặc quy trình tố tụng do các bên lựa chọn để xem xét tính phù hợp của phán quyết của trọng tài nước ngoài, thay vì chỉ khai thác quy định tố tụng của BLTTDS Việt Nam như một số vụ việc trước đây.
Khi giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, đa số hệ thống pháp luật quốc gia và các điều ước quốc tế đều cho phép các bên tự do lựa chọn quy tắc tố tụng. Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam cho thấy, một số thẩm phán lại dựa vào quy định của BLTTDS để xem xét và đánh giá liệu thủ tục tố tụng giải quyết tranh chấp đã đúng hay chưa, thay vì quy tắc của trung tâm trọng tài mà các bên lựa chọn, hoặc các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Điều này dẫn đến việc một số phán quyết của trọng tài nước ngoài không được công nhận và cho thi hành, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên trong tranh chấp.
Giữa BLTTDS và quy tắc tố tụng trọng tài luôn tồn tại một số khác biệt. Chẳng hạn, trong khi BLTTDS có nhiều quy định chặt chẽ về hình thức như yêu cầu các giấy tờ hay tài liệu nước ngoài dùng trong giải quyết tranh chấp (ví dụ như giấy ủy quyền) phải hợp pháp hóa lãnh sự, thì quy tắc tố tụng trọng tài lại không yêu cầu như vậy.
Trong bối cảnh này, Tòa án cấp cao tại TPHCM, thông qua Quyết định 95, đã đưa ra một hướng tiếp cận rõ ràng: khi các bên đã thống nhất lựa chọn Hội đồng trọng tài SIAC để giải quyết tranh chấp, quá trình tố tụng sẽ tuân theo Quy tắc của SIAC thay vì áp dụng các quy định của BLTTDS của Việt Nam.
Quan điểm này cũng được thể hiện trong Dự thảo Án lệ số 15/2024, liên quan đến yêu cầu hủy phán quyết của trọng tài nước ngoài vì hội đồng trọng tài không yêu cầu bên liên quan hợp pháp hóa lãnh sự các giấy tờ, tài liệu lập ở nước ngoài. Theo Dự thảo Án lệ số 15/2024, tòa án khẳng định rằng việc hợp pháp hóa lãnh sự các giấy tờ và tài liệu chỉ là bắt buộc nếu cơ quan tiếp nhận yêu cầu điều này, trừ khi Quy tắc tố tụng trọng tài có quy định khác.
Thứ hai, tòa án Việt Nam dường như thận trọng hơn khi áp dụng nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam và có xu hướng vận dụng Công ước New York.
Điều 459.2(b) BLTTDS 2015 cho phép tòa án từ chối công nhận nếu xét thấy phán quyết của trọng tài nước ngoài trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Vào năm 2014, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao ban hành Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP (Nghị quyết 01/2014) hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Trọng tài thương mại, trong đó giải thích chỉ những quy định thể hiện “các nguyên tắc xử sự cơ bản có hiệu lực bao trùm đối với việc xây dựng và thực hiện pháp luật Việt Nam” mới được xác định là “nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”.
Tuy nhiên, Nghị quyết 01/2014 chỉ hướng dẫn quy định tố tụng cho trọng tài trong nước theo Luật Trọng tài thương mại 2010. Hơn nữa, thực tế cho thấy định nghĩa trong Nghị quyết 01/2024 vẫn tồn tại một số điểm không thực sự rõ ràng. Chẳng hạn, khái niệm “các nguyên tắc xử sự cơ bản có hiệu lực bao trùm đối với việc xây dựng và thực hiện pháp luật Việt Nam” chưa được định nghĩa cụ thể. Điều này có thể dẫn đến sự thiếu nhất quán trong việc áp dụng pháp luật, phụ thuộc nhiều vào cách hiểu riêng của từng thẩm phán.
Trong Quyết định 95, tòa án không chỉ dựa vào pháp luật Việt Nam mà còn áp dụng điều 5 của Công ước New York, quy định rằng việc công nhận và thi hành phán quyết trọng tài có thể bị từ chối nếu cơ quan có thẩm quyền của quốc gia được yêu cầu cho rằng việc công nhận đó sẽ trái với trật tự công cộng của quốc gia mình. Cơ sở cho việc vận dụng Công ước New York là điều 2.3 của BLTTDS 2015, quy định rằng khi có sự khác biệt giữa luật Việt Nam và các quy định quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, tòa án sẽ ưu tiên áp dụng các quy định quốc tế.
Trên thực tế, khái niệm trật tự công cộng thường được tòa án các nước hiểu theo cách rất hẹp(3). Mặc dù cách giải thích có thể khác nhau, từ việc bảo vệ các nguyên tắc xã hội và chính trị cơ bản đến việc duy trì các khái niệm công lý và đạo đức cơ bản nhất, phần lớn các nước đều có một điểm chung, đó là việc từ chối công nhận phán quyết của trọng tài nước ngoài chỉ xảy ra trong những trường hợp rất hiếm hoi để bảo vệ các nguyên tắc pháp lý và đạo đức quan trọng của quốc gia.
Quay lại Quyết định 95, dù Tòa án cấp cao tại TPHCM chưa đưa ra định nghĩa rõ ràng về trật tự công cộng, việc áp dụng quy định của Công ước New York có thể xem là một tín hiệu tích cực, cho thấy xu hướng áp dụng điều ước quốc tế đang ngày càng trở nên phổ biến trong thực tiễn xét xử của tòa án Việt Nam. Trước đây, một số tòa án đã áp dụng Công ước New York để đánh giá quyết định của trọng tài nước ngoài, trong khi một số tòa án khác lại không đề cập đến và chỉ áp dụng pháp luật trong nước.
Gợi mở cho các bên tham gia giải quyết tranh chấp
Quyết định 95 là một tín hiệu tích cực, mở ra nhiều cơ hội thuận lợi cho việc công nhận và thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam. Các bên có phán quyết của trọng tài nước ngoài cần thi hành có thể dựa vào hướng tiếp cận trong Quyết định 95 để áp dụng cho vụ việc của mình:
Thứ nhất, trong thỏa thuận trọng tài, nên xác định rõ quy định tố tụng sẽ được áp dụng để giải quyết tranh chấp, hoặc ghi rõ rằng sẽ sử dụng quy tắc tố tụng của một trung tâm trọng tài cụ thể. Dựa trên thỏa thuận này, các bên có thể đề nghị tòa án xem xét quy định tố tụng đã thỏa thuận khi đối chiếu với quá trình giải quyết tranh chấp và ban hành phán quyết của trọng tài nước ngoài, thay vì áp dụng các quy định tố tụng dân sự của Việt Nam để đánh giá tính hợp lệ của tố tụng trọng tài nước ngoài.
Thứ hai, trước sự khó lường trong quy định và thực tiễn áp dụng nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, các bên có thể khai thác thêm điều 5 của Công ước New York khi trình bày ý kiến tại tòa án. Điều này giúp tăng khả năng bảo vệ phán quyết của trọng tài nước ngoài trước những rủi ro từ việc bị từ chối công nhận.
(1) https://moj.gov.vn/tttp/Pages/dlcn-va-th-tai-Viet-Nam.aspx.(2) Quyết định 95/2023/KDTM-PT ngày 24-8-2023 tại https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta1293610t1cvn/chi-tiet-ban-an.
(3) Tài liệu của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam Thường niên 2015 tại: https://fileportalcms.mpi.gov.vn/TinBai/DinhKem/39741/2015.Bao_cao_thuong_nien_VBF.pdf