Trọng tài thương mại và sự phát triển của nền kinh tế

Trọng tài thương mại không chỉ là một phương thức giải quyết tranh chấp mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam. Sự kết hợp giữa các chuẩn mực quốc tế và sự am hiểu văn hóa và môi trường kinh doanh tại Việt Nam sẽ là chìa khóa để trọng tài thương mại trở thành lựa chọn ưu tiên của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Trọng tài thương mại không chỉ là một phương thức giải quyết tranh chấp, mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam. Ảnh: ipleaders.in

Trọng tài thương mại không chỉ là một phương thức giải quyết tranh chấp, mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam. Ảnh: ipleaders.in

Những cải cách sâu rộng về kinh tế và chính trị đã đưa GDP từ 26,3 tỉ đô la Mỹ năm 1986 lên 430 tỉ đô la năm 2023, với GDP bình quân đầu người đạt 4.300 đô la Mỹ. Thành công này có sự đóng góp to lớn từ khu vực kinh tế tư nhân, hiện chiếm hơn 40% GDP, tạo việc làm cho 85% lực lượng lao động và chiếm hơn 30% tổng vốn đầu tư xã hội.

Những năm qua, Chính phủ đã không ngừng cải cách pháp lý, đơn giản hóa thủ tục hành chính và xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch nhằm hỗ trợ khu vực này phát triển. Trong môi trường kinh tế sôi động đó, việc giải quyết tranh chấp thương mại một cách nhanh chóng và hiệu quả là yếu tố then chốt để giảm thiểu chi phí, thời gian, bảo vệ uy tín và duy trì niềm tin của nhà đầu tư.

Thực tế khi tham gia các dự án hợp tác phát triển nhiều thương hiệu quốc tế như Emart, Mazda, Peugeot, BMW trong vai trò là luật sư tư vấn, tôi thường thấy hầu hết các đối tác nước ngoài này đều đề xuất chọn tổ chức trọng tài của nước họ hoặc các trung tâm trọng tài quốc tế như ICC hay SIAC để giải quyết tranh chấp. Dù tại thời điểm đó, Việt Nam đã có khoảng 20 tổ chức trọng tài nhưng việc các tổ chức này được lựa chọn làm cơ quan giải quyết tranh chấp trong các hợp đồng quốc tế vẫn là một thách thức lớn. Điều này phản ánh sự chênh lệch về sự nhận diện, tiêu chuẩn và năng lực của các trung tâm trọng tài trong nước và kỳ vọng của các đối tác quốc tế.

Thực tiễn đó đòi hỏi Việt Nam cần phát triển các trung tâm trọng tài thương mại không chỉ chú trọng đến các giá trị văn hóa, môi trường kinh doanh và thực tiễn pháp luật Việt Nam mà còn tiếp cận và đáp ứng được các chuẩn mực quốc tế. Những trung tâm như vậy không chỉ mang đến giải pháp giải quyết tranh chấp hiệu quả cho các doanh nghiệp trong nước mà còn góp phần thúc đẩy lòng tin và sự hợp tác quốc tế trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.

Trọng tài, cũng như tòa án, là cơ quan tài phán có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp trong kinh doanh. Tuy nhiên, quyền tài phán của trọng tài xuất phát từ sự đồng thuận và "trao quyền" của các bên tranh chấp. Điều này dựa trên niềm tin vào tính trung lập, đạo đức và chuyên môn cao của các trọng tài viên. Trọng tài thương mại mang đến nhiều ưu điểm vượt trội như quyền tự định đoạt của các bên (Party Autonomy) khi tự do lựa chọn trọng tài viên, quy trình, thời gian và địa điểm giải quyết tranh chấp.

Quy trình trọng tài được thiết kế khoa học, không ngừng được cải tiến và có thể rút gọn theo yêu cầu của các bên. Vụ tranh chấp được giải quyết không công khai, thông tin về các bên và về vụ việc được bảo mật. Phán quyết trọng tài có giá trị chung thẩm, thuận lợi trong việc thi hành bởi cơ quan thi hành án dân sự, được công nhận và thi hành tại hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ là thành viên Công ước New York năm 1958.

Tuy nhiên, trọng tài thương mại tại Việt Nam còn đối mặt với những thách thức. Một trong số đó là sự thiếu nhất quán về cách hiểu và áp dụng "các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam" trong quá trình tòa án xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài. Điều này đôi khi dẫn đến việc tòa án hủy bỏ hoặc không công nhận phán quyết trọng tài.

Theo thống kê từ năm 2012 đến 2019, có đến 36% phán quyết trọng tài bị từ chối công nhận và thi hành tại Việt Nam. Điều này đã ảnh hưởng đáng kể đến lòng tin của nhà đầu tư nước ngoài.

Để khắc phục, Dự thảo Luật Trọng tài Thương mại sửa đổi năm 2023 đã đề xuất nhiều thay đổi quan trọng, bao gồm việc làm rõ căn cứ hủy bỏ phán quyết, mở rộng phạm vi tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài và đảm bảo sự nhất quán trong thực tiễn áp dụng pháp luật.

Một điểm quan trọng mà các doanh nghiệp cần lưu ý là cần chủ động lựa chọn cơ chế giải quyết tranh chấp ngay từ khi thiết lập hợp đồng, thỏa thuận trong kinh doanh. Việc thỏa thuận trước về cơ quan tài phán không chỉ thực hiện quyền tự định đoạt trong kinh doanh mà còn giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư chủ động, sẵn sàng cho phương án giải quyết tranh chấp hiệu quả, giảm thiểu rủi ro pháp lý, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa. Những nguyên tắc như tính độc lập của trọng tài viên, quyền tự do lựa chọn quy tắc tố tụng, và sự minh bạch trong quá trình giải quyết tranh chấp đã và đang tạo nên nền tảng cho sự phát triển bền vững của trọng tài thương mại.

Trọng tài thương mại không chỉ là một phương thức giải quyết tranh chấp mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam. Với sự hiện diện và phát triển của các trung tâm trọng tài trong nước như VIAC hay VTA, trọng tài thương mại sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng lòng tin và nâng cao vị thế của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư quốc tế. Sự kết hợp giữa các chuẩn mực quốc tế và sự am hiểu văn hóa và môi trường kinh doanh tại Việt Nam sẽ là chìa khóa để trọng tài thương mại trở thành lựa chọn ưu tiên của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

(*) Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương nhân Việt Nam (VTA)

LS.Phạm Xuân Sang *

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/trong-tai-thuong-mai-va-su-phat-trien-cua-nen-kinh-te/
Zalo