'Trọng tài chính trị' rút thẻ đỏ, Italy tiếp tục treo chính phủ
Gần 3 tháng sau cuộc bầu cử, Italy vẫn chưa thể thành lập chính phủ mới vì bất đồng giữa các thế lực chống đối và ủng hộ EU với phản ứng mạnh mẽ mới nhất đến từ chính tổng thống.
Chủ nhân của Điện Quirinale, phủ tổng thống ở Rome, được xem là người đứng trên những đấu đá sống động và hấp dẫn diễn ra hàng ngày trong nền chính trị. Sergio Mattarella là mẫu người thận trọng trong 3 năm ông làm tổng thống Italy, cho đến bây giờ.
Chính trị gia kỳ cựu 75 tuổi đến từ vùng Sicily được biết đến là một người kiệm lời. Song những gì ông Mattarella nói vào tối 27/5 vừa qua đã gây ra một cuộc khủng hoảng hiến pháp và khiến những người theo đường lối dân túy giận dữ.
Ông bác bỏ một đề cử chủ chốt cho nội các của thủ tướng được chỉ định (nhưng chưa chính thức nhậm chức) Giuseppe Conte: đó là chiếc ghế bộ trưởng Tài chính dành cho ứng viên chủ trương phản đối đồng tiền chung châu Âu (euro) Paolo Savona.
Và ông Mattarella nói thẳng lý do. "Vị thế không chắc chắn của chúng ta trong khối euro là hồi chuông cảnh báo người Italy và các nhà đầu tư nước ngoài", ông nói. "Việc duy trì tư cách thành viên khối euro là lựa chọn cơ bản cho tương lai của đất nước và thế hệ trẻ chúng ta".
Người từng mô tả công việc của ông là "trọng tài chính trị" đang giơ tấm thẻ đỏ và Italy đã bước sang ngày thứ 84 không có chính phủ hôm 28/5.
Tổng thống Italy Sergio Mattarellađang bị các đảng dân túy tại Italy chỉ trích vì bác bỏ đề cử bộ trưởng tài chính của chính phủ mới. Ảnh: Zuma Press.
Ông Conte, một luật sư không có kinh nghiệm chính trường, giờ đây đã từ bỏ nỗ lực thành lập chính phủ, mà nguyên nhân có lẽ đơn thuần xuất phát từ việc ông đang chịu sức ép ngày càng lớn khi dư luận yêu cầu giải thích về hồ sơ học vấn dường như đã được "đánh bóng".
Tuy nhiên, liên minh theo đường lối dân túy bao gồm đảng Năm Sao (5S) và League, phe đã chọn ông Conte và đang đứng trên đỉnh quyền lực, đã phản ứng dữ dội.
Phe dân túy nổi giận
Sự giận dữ của phe dân túy bùng phát mạnh mẽ vì ông Mattarella là người thiên cánh tả. Luigi Di Maio, lãnh đạo của đảng 5S và là người chẳng thiếu những lời hoa mỹ, nói: "Ở đất nước này, bạn có thể là một tên tội phạm bị kết án, có thể bị buộc tội gian lận thuế, bị điều tra tham nhũng và vẫn có thể là bộ trưởng. Nhưng nếu bạn chỉ trích châu Âu, bạn không thể là bộ trưởng kinh tế".
Nhà lãnh đạo thậm chí còn bóng gió rằng ông Mattarella có thể bị luận tội, song chủ tịch đảng League, Matteo Salvini, tạm thời coi nhẹ phương án này.
Đảng 5S và đảng cánh hữu League lần lượt giành 33% và 17% số phiếu trong cuộc bầu cử hồi tháng 3, một kết quả đầy kịch tích cho các đảng "nổi dậy" chống EU và eurozone.
Luigi Di Maio (trái), lãnh đạo của đảng 5S,và Giuseppe Conte, người được phe dân túy lựa chọn cho vị trí thủ tướng. Ảnh: AFP.
Việc Tổng thống Mattarella quyết định bác bỏ đề cử với ông Savona đã mang lại cho thị trường tài chính một quãng nghỉ ngắn với các tín hiệu khả quan: lợi tức trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Italy giảm, giao dịch đầu ngày tại sàn chứng khoán Milan tăng.
Tuy nhiên, về lâu dài, các nhà đầu tư sẽ quay lại với những gì đã khiến họ ám ảnh lâu nay: khoản nợ công khổng lồ của Italy (2.100 tỷ euro và đang tăng), thị trường lao động cứng nhắc và hệ thống chính trị bất ổn. Thêm vào đó là viễn cảnh 5S và League sẽ thu hút thêm nhiều người ủng hộ và thực hiện chính sách kết hợp cắt giảm thuế và tăng phúc lợi.
Những "bậc lão thành" của Liên minh Châu Âu (EU) cũng cảm thấy được giải tỏa sau quyết định can thiệp của ông Mattarella. Cao ủy phụ trách đối ngoại Federica Mogherini, từng là thành viên quốc hội Italy, nói bà hoàn toàn tin tưởng vào thể chế của nước này, "bắt đầu với tổng thống, người bảo vệ hiến pháp Italy".
Sự lo lắng của họ là có thể hiểu được. Ông Savona từng nói về việc rút Italy khỏi khối eurozone (dù ông gần đây đã tiết chế quan điểm của mình) và lãnh đạo League Salvini từng phàn nàn: "Italy không phải là thuộc địa, chúng ta không phải là nô lệ của người Đức, người Pháp, chênh lệch lợi tức (trái phiếu) hay nền tài chính".
Chuyện gì tiếp theo?
Tổng thống Mattarella đã đề nghị Carlo Cottarelli, cựu quan chức Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), thành lập một chính phủ kỹ trị. Ông Cottarelli chấp nhận đề cử hôm 28/5. Song nội các của ông sẽ phải có được sự phê chuẩn của quốc hội, nơi mà 5S và League chiếm đa số ở cả hai viện.
Carlo Cottarelli,người được Tổng thống Mattarella đề cử làm thủ tướng Italy. Ảnh: Getty.
Ông Salvini nêu ra các rủi ro, cảnh báo các đảng bảo thủ khác như Forza Italia (Tiến lên Italy) của cựu thủ tướng Silvio Berlusconi không nên ủng hộ ông Cottarelli.
"Nếu Berlusconi ủng hộ Cottarelli, vậy thì tạm biệt liên minh", ông Salvini nói trên đài phát thanh Italy hôm 28/5.
Về phần mình, đảng Forza Italia sẽ không ủng hộ bất kỳ chính phủ kỹ trị nào, theo người phát ngôn của đảng này.
Tuy nhiên, một số người lại trông đợi và xem ông Berlusconi là lựa chọn an toàn giữa lúc khủng hoảng. Ông Berlusconi, 81 tuổi và vẫn đang bị lên án vì vô số cáo buộc tham nhũng, có thể nổi lên với vai trò người chi phối việc bổ nhiệm các vị trí quan trọng trong một chính phủ bao gồm các đảng trung dung. Song họ sẽ phải thể hiện tốt hơn đáng kể so với những gì họ làm trong cuộc bầu cử tháng 3.
Các quan chức EU ở Brussels (và chắc chắn cả Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron) đang hy vọng liên minh "cứng đầu" League và 5S sẽ tan rã, nhưng những người ủng hộ hai đảng này có thể thực sự cảm thấy bị kích động trước sự "kháng cự" của Tổng thống Mattarella khi người Italy đi bầu cử lại, có thể vào tháng 9 nếu không thành lập được chính phủ.
Tổng thống Italy sẽ không lo lắng trước những xáo động mà ông gây ra. Chẳng có "cơ sở đào tạo" nào khắc nghiệt hơn nền chính trị Sicily, nơi ông Mattarella đã gầy dựng sự nghiệp chính trị của mình. Thực tế, anh trai ông, Piersanti, bị mafia bắn vào năm 1980 và chết trên tay ông.
Đông Phong