'Trồng người' trên đất Can Hồ
Can Hồ được được biết đến là xã còn nhiều khó khăn của huyện Mường Tè, đây là nơi ổn cư của các dân tộc: Si La, Hà Nhì, Mông. Những năm qua, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Can Hồ không chỉ nâng cao chất lượng giáo dục mà còn thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn văn hóa các dân tộc trên địa bàn.
Nâng cao chất lượng nuôi dưỡng học sinh
Theo Tỉnh lộ 127 vượt những khúc cua uốn lượn chúng tôi đến xã Can Hồ khi trời đã xế chiều, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Can Hồ nằm bên hồ Thủy điện Lai Châu thơ mộng. Hình ảnh ngôi trường khang trang với khu lớp học, nhà bán trú kiên cố giúp chúng tôi hiểu những năm qua Đảng, Nhà nước đã rất quan tâm đến công tác giáo dục nơi đây. Trong khu vườn, từng nhóm học sinh đang chăm sóc rau, các em đang rèn luyện để có thêm kỹ năng sống và đóng góp phần nào sức lao động của mình để cải thiện bữa ăn.
Nở nụ cười hồn nhiên, em Sùng A Chu, học sinh lớp 9A chia sẻ: Nhà em ở bản Suối Voi, nằm bên kia sông Đà, cách trường hơn 10km. Năm nay là năm thứ 6 em được ở bán trú. Quá trình học tập tại trường, em và các bạn thường xuyên được thầy, cô giáo chăm sóc, động viên, chỉ bảo. Ngoài giờ học, chúng em được tham gia các hoạt động ngoại khóa, lao động sản xuất, nhờ đó đã biết làm nhiều việc, biết chăm sóc bản thân và bạn bè. Chúng em sẽ cố gắng học tập để góp phần xây dựng quê hương.
Năm học 2024-2025, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Can Hồ có 16 lớp với 411 học sinh, trong đó 176 học sinh bán trú. Thầy giáo Nguyễn Minh Kiên - Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Trường tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương vận động học sinh ra lớp. Phối hợp với phụ huynh thường xuyên nắm bắt thông tin hai chiều giữa gia đình và nhà trường để có biện pháp giáo dục hiệu quả. Các chế độ của học sinh thực hiện theo quy định; công khai thực đơn hàng ngày, bữa ăn đảm bảo thực đơn phong phú, đúng định lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Đặc biệt, với đặc thù có 98% học sinh dân tộc thiểu số với những nét văn hóa riêng đặc sắc, trường đã thành lập CLB bảo tồn văn hóa các dân tộc và tuyên truyền, vận động các em tham gia sinh hoạt; yêu cầu phải mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình đến trường vào thứ 2, thứ 5 hàng tuần. Tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa mời nghệ nhân, phụ huynh có uy tín, hiểu biết về văn hóa hướng dẫn các trò chơi dân gian và bài hát dân ca cho học sinh. Đưa những điệu múa, trò chơi dân gian trở thành hoạt động được tổ chức thường xuyên trong các hoạt động giữa giờ.
Chắp cánh ước mơ
Trên sân trường, từng nhóm học sinh đang say sưa trao đổi bài, các em đang tranh thủ thời gian ngoài giờ để ôn lại kiến thức đã được học trên lớp, nỗ lực để hoàn thành ước mơ. Em Lỳ Hà De, học sinh lớp 9A tâm sự: Em mơ ước sau này sẽ trở thành bác sỹ để có thể chăm sóc sức khỏe cho người dân. Năm nay là năm cuối của bậc THCS, em đang chăm chỉ học để thi vào Trường Dân tộc nội trú huyện. Ngoài các tiết học trên lớp, chúng em thường tổ chức học nhóm, trao đổi với nhau những vấn đề chưa hiểu, những bài toán khó hoặc nhờ thầy, cô giáo hướng dẫn. Chúng em luôn động viên nhau đoàn kết, quyết tâm đạt kết quả cao nhất trong học tập để trở thành người có ích cho xã hội.
Ước mơ về một tương lai tươi sáng của các em được “chắp cánh” bởi những nỗ lực của tập thể sư phạm nhà trường. Trường xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học phù hợp với tình hình thực tế địa phương theo các văn bản chỉ đạo của Phòng GD&ĐT huyện. Theo đó, tập thể cán bộ, giáo viên tập trung đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Mỗi thầy, cô giáo không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức nhà giáo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tích cực tự học, tự rèn luyện. Đẩy mạnh dạy học gắn với trải nghiệm theo môn học, đảm bảo các quy định theo nội dung giáo dục bắt buộc.
Cô giáo Chu Xé Pa, giáo viên môn ngữ văn cho biết: Nhà trường chỉ đạo giáo viên tập trung nâng cao chất lượng đại trà, đặc biệt chất lượng môn toán, ngữ văn, tiếng Anh. Thành lập đội tuyển học sinh giỏi cấp trường, cấp huyện. Đội ngũ cán bộ, giáo viên chủ động đổi mới phương pháp dạy học. Tổ chức đa dạng các hình thức kiểm tra đánh giá thường xuyên, giữa kỳ, cuối kỳ theo quy định, đảm bảo đánh giá trung thực, khách quan chất lượng học sinh. Đối với học sinh lớp 9, giáo viên chủ động khảo sát nhu cầu, tư vấn phân luồng, tăng thời lượng ôn tập cho các em có nhu cầu thi vào Trường Chuyên Lê Quý Đôn, các trường dân tộc nội trú…
Từ những kế hoạch cụ thể cùng những quyết tâm thực hiện thắng lợi công tác dạy và học, tin tưởng rằng thầy trò Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Can Hồ sẽ thực hiện hiệu quả mục tiêu “Nâng cao chất lượng toàn diện theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh; nâng cao chất lượng học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh, thi tuyển vào lớp 10 và duy trì trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1”. Qua đó, chắp cánh cho những ước mơ của các thế hệ học sinh trên mảnh đất thượng nguồn Đà giang.