'Trong lòng Chư Nâm': Mạch ngầm trải nghiệm
Cây bút trẻ Li Phan tên thật là Phan Thúy Quỳnh, hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Gia Lai. Tuy mới bén duyên với công việc viết lách vài năm trở lại đây nhưng chị đã gặt hái được những thành công nhất định.
Có thể kể đến một số giải thưởng như: giải khuyến khích cuộc thi viết “Tiêm ngừa-Chuyện chưa kể”; giải khuyến khích cuộc thi viết “Vẻ đẹp của sự đa dạng”; giải B cuộc vận động sáng tác truyện ngắn và ký với chủ đề “Người chiến sĩ Công an cơ sở-Vì bản làng bình yên, vì Nhân dân phục vụ”; giải A cuộc vận động sáng tác truyện ngắn và ký với chủ đề “Cảnh sát cơ động-Lá chắn thép bảo vệ bình yên cuộc sống”. Đầu năm 2025, chị ra mắt tập truyện ngắn “Trong lòng Chư Nâm” (Nhà xuất bản Hồng Đức) như một cách đánh dấu chặng đường trưởng thành của bản thân.
Cách viết của Li Phan khá nhẹ nhàng, dẫn dắt người đọc cuốn theo từng câu chuyện với những diễn biến tâm lý của các nhân vật. Dường như thế mạnh của Li Phan là viết về những chuyện đời thường để từ đó, những nhân vật cứ tự mình tiến triển theo tình tiết hợp lý chứ không bị gồng lên quá mức. Những câu chuyện như một lời thầm thì khe khẽ, kể về những lát cắt cuộc sống, những cuộc đời yêu thương và trắc trở.

Bìa tập truyện ngắn “Trong lòng Chư Nâm”. Ảnh: K.S
“Trong lòng Chư Nâm” là truyện đầu tiên và cũng là tên tập sách. Chuyện kể về một tình yêu băng qua tháng năm, chuyển từ tình yêu đôi lứa thành tình yêu mảnh đất Chư Nâm. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những câu chuyện về nó vẫn là nguồn cảm hứng của rất nhiều người viết. Chiến tranh hiện diện ở “Tiếng vọng quá khứ”, “Ngóng biển” với những hình hài khác nhau.
Và với “Trong lòng Chư Nâm”, chiến tranh mang một dáng vẻ rất khác, đó là sự kế thừa tình yêu nước của những người ở lại, lịch sử hiện ra trong đời thường.
Với thế mạnh là lột tả diễn biến tâm lý của nhân vật, là những lát cắt đời thường, Li Phan đem đến cho độc giả sự thân thuộc và đồng cảm với các nhân vật. Người đọc dễ dàng thấu hiểu cái cảm giác rưng rưng của “Bữa cơm nghèo thiếu mắm thiếu rau. Nhiều hồi ngẫm nghĩ, thiếu gì cũng được, cớ sao lại thiếu đi một người ngồi ăn chung” (Ngóng biển). Người đọc dễ dàng đồng cảm với nỗi lòng của người vợ mất đi đứa con, hiểu sự đau khổ, dằn vặt khiến gia đình chìm trong đau thương, ly tán...
Những câu chuyện xoáy sâu vào tình cảm gia đình, dường như ai cũng từng trải qua khiến cho chuyện không chỉ là của tác giả, mà có sự tham gia và đồng cảm của người đọc. Chính vì vậy, mỗi câu chuyện đều có hơi thở, có sự cuốn hút riêng để người đọc cứ thế bị dẫn dắt đi đến tận cùng.
Nhà văn Phạm Đức Long nhận xét về tập truyện của Li Phan: “Tôi vẫn thường quan niệm: Phàm viết văn, nhất là viết văn xuôi thì vốn sống, vốn văn hóa phải dồi dào người cầm bút mới có đất thăng hoa. Thế nhưng không ngờ cô gái trẻ Phan Thúy Quỳnh lại rất nhuần nhuyễn, đầy chất trải nghiệm trong các tình huống cuộc sống”.