Trống đồng Đông Sơn ở Campuchia

Đầu thế kỷ XX, khi người Pháp xây dựng Bảo tàng Quốc gia đầu tiên ở Campuchia, các học giả Pháp từ Hà Nội đã gửi đến Phnom Penh một chiếc trống đồng H I, loại trống cổ nhất theo sự phân loại của học giả Áo Heger năm 1903, nay thường được gọi là trống đồng Đông Sơn. Đó là một chiếc trống đồng cỡ lớn, mặt rộng 96 cm (trống Ngọc Lũ có mặt rộng 79 cm).

Cũng tại Bảo tàng này, còn có một chiếc trống loại H III và một chiếc loại H IV, hai loại trống đồng con cháu của trống Đông Sơn.

Chiếc trống H III được chính phủ Hoàng gia Lào tặng Thủ tướng Campuchia Son Sann năm 1968. Món quà cho thấy tính biểu tượng của trống đồng vẫn le lói trong tâm thức của lãnh đạo hai nước.

Chiếc trống H IV gốc là trống được tịch thu từ một người Pháp khi người này mang nó từ Lào sang Campuchia năm 1925.

Hình trống Đông Sơn ở Prohear, Campuchia.

Hình trống Đông Sơn ở Prohear, Campuchia.

Sử sách ghi nhận từ thế kỷ 14, triều đình Campuchia đã dùng trống đồng trong lễ lên ngôi của nhà vua và khi nhà vua thượng triều, một phong tục đến từ triều đình Môn ở Miến Điện. Trống đồng trở thành một biểu tượng của vương quyền và sở hữu trống đồng là một đặc quyền của hoàng gia. Người Khmer gọi chiếc trống đồng được dùng trong các nghi lễ trọng đại của triều đình là “skor mohà rith”, tức “trống đại quyền đại uy”. Người ta tin rằng, trong các nghi lễ đó, tiếng trống đồng tạo nên một không khí vừa hùng tráng, trang nghiêm, vừa thiêng liêng, huyền bí, có thể mời gọi thần linh và xua đuổi ma quỉ…

Trong phòng có ngai vàng của nhà vua ở cung điện hoàng gia Campuchia hiện vẫn trưng bày một cặp trống H III, từng được dùng trong lễ tang của các vua Norodom Suramarit năm 1960 và Norodom Sihanouk năm 2013. Chúng ta biết, trống đồng Đông Sơn xưa có hai chức năng cơ bản, hàng đầu: một biểu tượng cho vương quyền và một nhạc cụ thiêng trong lễ tang. Trống H III ở Campuchia có cả hai chức năng đó.

Tại khu Bảo tồn Angkor, hiện cũng có một chiếc trống đồng Đông Sơn mặt rộng 52 cm, vốn là đồ tịch thu từ một tay buôn đồ cổ.

Có thể thấy, cho đến thế kỷ 20, hầu hết các trống đồng Đông Sơn và sau Đông Sơn được bảo tồn ở Campuchia đều là trống được đưa từ nơi khác đến. Tuy nhiên, những năm đầu của thế kỷ 21 đã chứng kiến những chiếc trống đồng Đông Sơn được tìm thấy ngay trên đất Campuchia.

Năm 2001, các nhà khảo cổ học từ Phnom Penh đã khai quật 56 ngôi mộ trong một khu mộ cổ tại một làng có tên là 10-8 ở tỉnh Kampong Cham, trước đó được phát hiện trong khi công nhân đồn điền cao su khai thác mỏ đất sét. Nhiều di vật đã bị dân lấy đi trước khi các nhà khảo cổ học có mặt và họ chỉ tìm thấy mảnh vụn của một chiếc trống đồng nhỏ.

Năm 2006, dân làng Bit Meas, cách làng 10-8 khoảng 50 km lại ngẫu nhiên tìm được một số đồ vàng ở một ruộng lúa. Chủ khu ruộng đã bán quyền đào bới mỗi m2 ở đây với giá tương đương 1,25 USD. Có người chỉ mất số tiền tương đương vài USD đã tìm được vài chiếc “bình đồng” (tức trống đồng) chứa đầy vòng vàng hoặc đá quí.

Một năm sau, tại làng Prohear, tỉnh Prey Veng, cách làng Bit Meas 8 km và cách biên giới Campuchia-Việt Nam khoảng 100 km một điều tương tự lại xảy ra. Nhận được tin báo từ sinh viên ngành khảo cổ tại Pnong Peng, nhưng mãi một năm sau, khi hàng chục chiếc trống đồng, hàng trăm đồ trang sức vàng bạc và đá quí, hàng ngàn đồ đồng đồ gốm, tức khoảng 99 % di vật ở đó đã bị đào lên và bán đi thì một cuộc khai quật của các nhà khảo cổ học Đức và Campuchia mới được tiến hành. Khu mộ rộng khoảng 20.000 m2 có hàng ngàn ngôi mộ, nhưng họ chỉ phát hiện 52 mộ trên phần đất còn lại rộng 115 m2 chưa bị đào bới. Dù vậy, hàng trăm di vật quí gồm nhiều đồ vàng bạc đã được tìm thấy. Cho đến nay đó vẫn là khu mộ giàu có nhất thời Đồng-Sắt được khai quật ở Đông Nam Á.

Đặc biệt, các nhà khảo cổ đã tìm được một chiếc trống đồng Đông Sơn muộn cỡ vừa (mặt rộng 45 cm) chứa sọ một phụ nữ- một quí bà cuối thời Tây Hán (năm 201 TCN đến năm thứ 9 SCN) cùng hai chiếc vòng vàng và nhiều đồ quí khác. Dân làng cho biết họ cũng từng thấy nhiều trống đồng khác chứa sọ người như vậy ở khu mộ.

Tục đặt sọ trong trống đồng ở Prohear.

Tục đặt sọ trong trống đồng ở Prohear.

Năm 2013, dân làng Prek Krabau cũng ở tỉnh Kampong Cham, sau một trận mưa cũng đã phát hiện nhiều đồ gốm cổ lộ ra trên sườn một quả đồi. Dùng máy dò kim loại, họ lại đào được nhiều trống đồng cùng với hàng trăm vòng, nhẫn vàng bạc và mã não. Phần lớn trống nặng 5-10 kg, một số trên mặt có tượng ếch và chúng đã nhanh chóng được bán đi. Chiếc lớn nhất, sau rơi vào tay cảnh sát và được đưa đến Bảo tàng là một trống đồng Đông Sơn nặng 24 kg, mặt rộng 57 cm.

Việc phát hiện ra một loạt khu mộ giàu có chôn nhiều trống đồng Đông Sơn ở Campuchia có ý nghĩa gì? Ai là chủ nhân của chúng?

Nhà khảo cổ học Đức Reinecker, một chuyên gia về văn hóa Sa Huỳnh và Đông Sơn, người chủ trì cuộc khai quật ở Prohear đã đưa ra những câu trả lời thuyết phục được nhiều học giả khác ủng hộ.

Theo ông, các khu mộ trên không phản ánh các con đường hay trung tâm thương mại. Thời Đông Sơn, trống đồng không phải là một hàng hóa thông thường mà chủ yếu là vật thiêng, đồ gia bảo của các gia đình hoàng tộc và quí tộc các nước Âu Lạc, Điền, Dạ Lang và Nam Việt ở Bắc Việt Nam, Quảng Tây, Quảng Đông, Vân Nam và Quí Châu. Chủ nhân những ngôi mộ giàu có ở Bit Meas và Prohear chỉ có thể là người thuộc các gia đình trên, sau những cuộc nổi dậy chống Hán thất bại đã phải di tản, tị nạn về phía Nam trong thời kỳ từ cuối thế kỷ 1 TCN đến thế kỷ 1 CN, đặc biệt sau cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng năm 43…

Cơ sở cho các câu trả lời trên là: tục để sọ người chết trong trống đồng ở Prohear cũng thấy ở di chỉ Khả Lạc thuộc kinh đô nước Dạ Lang ở Quí Châu và một số di chỉ Đông Sơn ở Thanh Hóa. Đó là một biến thể của tục để di cốt người chết trong thạp đồng từng thấy tại các di chỉ Đông Sơn ở Phú Thọ, Yên Bái và Thanh Hóa. Các trống đồng ở Bit Meas, Prohear, Prek Krabau đã được dùng làm quan tài hay mộ trống, một phong tục Đông Sơn khởi đầu từ Thanh Hóa và dần lan tỏa về phía Nam tới Bình Định, Đắk Lắk, Bình Dương và tới tận Indonesia. Ngựa, con vật đặc trưng của văn hóa Điền không có ở Prohear cách đây 2000 năm nhưng lại có mặt trên một chiếc nhẫn vàng ở Prohear. Một dạng bát đồng đáy nông ở Prohear giống hệt một chiếc bát đồng ở Đông Sơn, Thanh Hóa. Trống Đông Sơn ở Prohear có hình mặt trời 10 tia và 6 chim bay, tương tự với các trống Đông Sơn tìm thấy ở Thanh Hóa và Quảng Bình...

Cần nhấn mạnh, vào thời cuối Đông Sơn, vùng miền núi Thanh-Nghệ là điểm đến của nhiều nhóm quí tộc di tản-tị nạn từ phía Bắc, sau đó lại là nơi xuất phát của họ hay con cháu họ đi tìm đất mới an lành ở phía Nam. Rõ ràng, nhiều chiếc kiếm sắt-chuôi đồng mang đặc trưng Dạ Lang đã được tìm thấy ở các huyện miền núi Nam Thanh Hóa, giáp Nghệ An; nhiều di vật mang đặc trưng Điền đã được tìm thấy ở di chỉ Làng Vạc, di chỉ mộ táng lớn nhất vùng Thanh-Nghệ. Sử sách và địa danh cũng ghi nhận sự có mặt của người Dạ Lang trên các vùng đất thuộc Quảng Bình-Quảng Trị nay. Dạ Lang và Điền chính là hai tộc người có những thợ giỏi đã khai thác khu mỏ đồng-vàng ở Sepon, tỉnh Savanakhet, Lào (ngang Quảng Trị) và đúc nên nhiều trống đồng Đông Sơn, trong đó có hàng chục chiếc trống đẹp cỡ cực lớn (mặt rộng hơn 80 cm và có tượng ếch) được tìm thấy ở Quảng Trị, Lào, Thái Lan, Indonesia, Timor và trên trăm chiếc trống cỡ vừa và lớn dùng làm quan tài cho các khu mộ ở Bình Định, Đắc Lắc, Bit Meas, Prohear với nhiều hoa văn gần gũi nhau v.v...

Rất có thể, chủ nhân của các khu mộ trên là tổ tiên của người Ba Na, Xơ Đăng, Stiêng ở Việt Nam và Campuchia sau này, các tộc người có văn hóa cổ truyền còn bảo lưu nhiều yếu tố Đông Sơn, trong đó có những truyền thuyết nói về Ông Tổ Trống-Bà Tổ Trống và những cặp trống đồng “mặt bịt vàng - bịt bạc”. Các tên gọi khác của người Xơ Đăng, Stiêng, Ba Na như Sa Lang, Ha Lang, Ma Da cũng rất gần gũi với các tên gọi gốc của Dạ Lang, Lạc Việt …

Tạ Đức

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/trong-dong-dong-son-o-campuchia-i737182/
Zalo