Trọn tình yêu thương

'Bữa cơm gia đình - Trọn tình yêu thương' là chủ đề hội thi nấu ăn do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Hội thi nhằm chuyển tải thông điệp chào mừng Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) và Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình năm 2024. Đồng thời là hoạt động tôn vinh những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam, duy trì bản sắc văn hóa truyền thống, góp phần nâng cao ý thức xây dựng gia đình hạnh phúc, nâng niu các giá trị chuẩn mực của gia đình truyền thống.

Thi nấu ăn với chủ đề “Bữa cơm gia đình - Trọn tình yêu thương”.

Thi nấu ăn với chủ đề “Bữa cơm gia đình - Trọn tình yêu thương”.

Gần 100 công chức, viên chức và người lao động đến từ 15 đơn vị trên địa bàn tỉnh tham gia hội thi đã cho thấy “bữa cơm gia đình” vô cùng quan trọng, là hoạt động không thể tách rời của một gia đình hạnh phúc. Đây là chủ đề gần gũi, liên quan đến đời sống của mỗi gia đình mà bất cứ người bình thường nào cũng quan tâm, hướng tới.

Thực tế, trong cuộc sống hiện đại, nhiều người dần quen với nhịp sống bận rộn nên các thành viên trong gia đình ít có thời gian dành cho nhau. Bởi vậy, bữa cơm gia đình hàng ngày lại càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ vun đắp yêu thương mà còn là “chất keo” gắn kết các thành viên trong gia đình.

Trang trí mâm cơm dự thi thật tươm tất, bắt mắt, chị Nguyễn Thị Mai ở phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ chia sẻ: “Vợ chồng mình đều đi làm, 2 con đi học suốt nên thời gian quây quần bên nhau không nhiều. Nhưng với mình bữa cơm gia đình là rất quan trọng vì thế vợ chồng luôn cố gắng sắp xếp thời gian hỗ trợ nhau nấu ăn ngày 2 bữa trưa và tối. Ăn uống dọn dẹp xong chỉ còn nửa tiếng để nghỉ ngơi, tuy vất vả nhưng luôn mong muốn cả nhà cùng ngồi ăn cơm để gắn kết, trò chuyện, nghe các con kể chuyện ở lớp, những băn khoăn vướng mắc trong sinh hoạt ở trường cũng như ở nhà”.

“Câu lạc bộ hạnh phúc” xã Mường Tùng, huyện Mường Chà sinh hoạt chuẩn bị cho Ngày gia đình Việt Nam (28/6).

“Câu lạc bộ hạnh phúc” xã Mường Tùng, huyện Mường Chà sinh hoạt chuẩn bị cho Ngày gia đình Việt Nam (28/6).

Là người đi cổ vũ hội thi, bà Lò Thị Trúc, ở xã Mường Tùng, huyện Mường Chà cho biết gia đình bà có 3 thế hệ nên rất đông thành viên. Với bà bữa cơm gia đình rất quan trọng, vì chỉ khi cả nhà ngồi ăn quây quần bên nhau thì mới có dịp gắn kết, trò chuyện. “Ngày nay nhiều người do bận việc nên hay ăn quán, hoặc các bạn trẻ vì lười nấu ăn nên gọi quán ship đồ ăn. Cuộc thi nấu ăn này rất ý nghĩa, nhắc chúng ta bao lâu rồi chưa nấu cơm, bao lâu rồi chưa vào bếp cùng nhau nấu một bữa cơm gia đình đúng nghĩa” – bà Lò Thị Trúc chia sẻ.

Một trong những truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam là cùng nhau ăn cơm. Trong bữa cơm gia đình, mọi người ngồi quây quần quanh mâm cơm, mấy thế hệ trò chuyện, gắn kết. Bữa cơm gia đình quan trọng không phải có nhiều món ăn ngon mà là ở không khí đầm ấm, có khi chỉ là những món ăn dân dã nhưng đầy đủ mọi thành viên trong gia đình vẫn là bữa ăn hạnh phúc.

Trao đổi bên lề hội thi nấu ăn, bà Dương Thị Chung, Trưởng phòng Quản lí văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: “Với người phụ nữ của gia đình thì họ gửi tình yêu thương vào bữa cơm hàng ngày. Nhìn thấy các thành viên yêu thương quây quần bên nhau đó là hạnh phúc. Bởi lẽ nếu không duy trì được bữa cơm gia đình thường xuyên thì lâu dần sợi dây kết nối giữa các thành viên sẽ trở nên lỏng lẻo, dễ dẫn đến những bất ổn".

Một gia đình người dân tộc Mông ở xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé.

Một gia đình người dân tộc Mông ở xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé.

Bữa cơm gia đình là “linh hồn” của sự đoàn tụ, yêu thương, nuôi dưỡng tâm hồn con người, là nơi kết nối tình cảm, gắn kết các thành viên, tạo nên không khí ấm cúng, xua tan mệt nhọc, lo toan trong cuộc sống. Ngày nay, cuộc sống hiện đại nhiều bận rộn nên không ít cặp vợ chồng gặp khó khăn trong việc duy trì bữa cơm nhà. Những bữa cơm gia đình đầy đủ thành viên càng trở nên hiếm hoi. Thế nhưng nếu chúng ta quan tâm và xem trọng bữa ăn gia đình thì vẫn có thể sắp xếp được.

Bữa cơm không chỉ thể hiện kết tinh thành quả lao động của các thành viên trong nhà, mà còn là nơi truyền nhận những kinh nghiệm giáo dục, đạo đức, lối sống. Người già truyền kinh nghiệm sống, dạy những điều hay, lẽ phải cho con cháu, người trẻ trong gia đình thể hiện sự hiếu nghĩa, tôn kính với ông bà, cha mẹ. Bữa cơm gia đình cũng chính là chìa khóa của hạnh phúc, sum họp, xua tan mệt mỏi, bỏ qua giận hờn để mỗi người tự thấy mình được quan tâm, được bày tỏ nguyện vọng, được ân cần chỉ bảo.

Hội thi “Bữa cơm gia đình - Trọn tình yêu thương” là một trong nhiều hoạt động ý nghĩa hướng tới Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 và Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình với chủ đề “Gia đình hạnh phúc, quốc gia thịnh vượng”. Mỗi hoạt động có nội dung, hình thức khác nhau, đa dạng phong phú song đều chung mục đích nâng cao kiến thức, kỹ năng sống và xây dựng mối quan hệ tốt đẹp trong gia đình, tôn vinh những giá trị nhân văn sâu sắc của gia đình Việt Nam, để mỗi người có trách nhiệm xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc.

Tú Anh

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/216154/tron-tinh-yeu-thuong
Zalo