Trọn một lời thề!
Mỗi lần trở lại di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), những cựu chiến binh, cựu tù nhân năm xưa lại rưng rưng nhớ lại những ngày cùng đồng đội kiên cường chiến đấu, giữ trọn khí tiết tại các nhà giam của kẻ thù.
Lập mặt trận trong sào huyệt kẻ thù
Có mặt tại trưng bày“Thắp ngọn lửa hồng” khai mạc sáng 9.7 tại Nhà tù Hỏa Lò, ông Nguyễn Tiến Hà, Phó Trưởng ban thường trực Ban liên lạc Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu kể, trước tháng 8.1945, ông gia nhập Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu và được giao nhiệm vụ truyền bá chữ quốc ngữ cho nhân dân. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông xung phong gia nhập Quân đội nhân dân Việt Nam, góp phần cùng quân và dân Hà Nội cầm chân địch trong 60 ngày đêm khói lửa. Năm 1949, ông Hà là cán bộ đại đội của Thành đội Hà Nội, tham gia nhiều hoạt động. Tuy nhiên, chỉ một năm sau đó, ông bị địch bắt và đưa về Sở Mật thám tra khảo.
“Sau ít ngày quan sát địa hình trong và ngoài nhà giam (của Sở Mật thám), theo dõi quy luật tuần tra canh gác của bọn lính canh, mật vụ, chúng tôi lập kế hoạch vượt ngục. Trước hết phải đào tường chui ra, ra được bên ngoài thì phải vượt hai bức tường để thoát ra ngõ Liên Trì”, ông Hà nhớ lại.
Ông Hà bí mật gửi thư báo cáo Ban Chỉ huy Mặt trận quân sự nội thành đề nghị khi ông trốn về đến một xã ngoại thành thì cho người đưa ra khu căn cứ. Kế hoạch được chấp nhận. Ông và đồng đội bắt tay moi, đào tường liên tục khoảng 4 - 5 đêm. “Một đêm cuối tháng 8 âm lịch năm 1950, tôi hoàn tất giai đoạn cuối cùng khoét thủng tường, tạo được lỗ hổng vừa một người chui lọt. Tôi chui đầu ra trước, kéo theo một tấm chăn mỏng, bật người lên chiếc thùng phuy kê sát tường đã nhằm trước, sau đó, tung chăn phủ lên hàng rào dây thép gai có điện, vượt qua bức tường thứ nhất, chạy tiếp một đoạn, nhảy qua bức tường thứ hai, xuống ngõ Liên Trì như kế hoạch đã định”, ông Hà kể.
Mặc dù trốn thoát khỏi nhà giam của Sở Mật thám, nhưng trên đường ra căn cứ, ông Hà cùng 3 đồng chí đã bị địch bắt trở lại. Phải chịu những trận đòn tra tấn tàn bạo song người chiến sĩ cộng sản kiên trung ấy vẫn không hé răng nửa lời. Cuối tháng 12.1950, ông bị đưa sang Nhà tù Hỏa Lò nhằm phi tang. Tuy nhiên, nhờ đồng đội chăm sóc, sức khỏe ông đã dần hồi phục.
Thời gian bị giam giữ tại Nhà tù Hỏa Lò, ông Hà được bầu vào Ban Chi ủy, sau đó làm Bí thư chi bộ nhà tù. “Chi bộ Đảng ra đời đã mở ra một giai đoạn mới. Được sự chỉ đạo của Quận ủy nội thành, chi bộ đã lập một mặt trận ngay trong sào huyệt ngục tù, vận động đồng loạt mở cuộc đấu tranh ở các trại, tạo ra không khí phấn khởi, tin tưởng trong đảng viên, quần chúng…” ông Hà nhấn mạnh.
Giữ trọn khí tiết chiến sĩ cách mạng
Với cựu binh, thương binh 1/4 Lâm Văn Bảng, Giám đốc Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, ký ức của ông là những năm tháng đấu tranh, giữ gìn khí tiết kiên trung của người cộng sản trong lao tù.
Tháng 4.1965, ông Bảng nhập ngũ, là chiến sĩ Trung đoàn 52, Sư đoàn 320. “Với khí thế trúc chẻ ngói tan, đơn vị chúng tôi tiến công vào nội đô Sài Gòn, chiến thắng nối tiếp chiến thắng cứ theo đoàn quân xốc tới. Do nhiều hoàn cảnh khác nhau, đồng đội tôi có đồng chí bị thương sa vào tay địch, bị bắt giam trong nhà tù Mỹ - ngụy, bị chúng hành hạ về thể xác, ức chế về tinh thần, tra tấn như thời Trung cổ, nhưng trong hoàn cảnh đó họ vẫn kiên cường, không ngại gian khổ, không sợ hy sinh, cốt sao giữ trọn khí tiết người chiến sĩ cách mạng”.
Ông Bảng kể về trường hợp đồng chí Dương Bá Ngà quê ở thôn Trình Viên, xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên bị thương gãy một cánh tay, cuối năm 1968, dù tay vẫn còn băng bó, ông Ngà bị đày ra Nhà tù Phú Quốc. “Với trách nhiệm của người đảng viên, đồng chí đã nhanh chóng chắp nối với tổ chức Đảng. Khi phát hiện ra ông là Bí thư Chi bộ, chúng đưa ông ra tra tấn, treo ngược chân lên, thi nhau tra khảo cho đến khi ngất xỉu. Chúng hạ ông xuống tạt nước lạnh vào mặt, khi ông tỉnh dậy, chúng bắt hô: “Đả đảo chế độ xã hội chủ nghĩa”, thì ông lấy hết sức hét to: “Đả đảo bọn Mỹ - ngụy, đả đảo tay sai bán nước…”, “Hồ Chí Minh muôn năm”. Chúng lao vào quật ông xuống, lấy thanh sắt ngáng miệng rồi đổ nước xà phòng sôi vào miệng, ông chết ngất, chúng chuyển ông từ phân khu A5 về phân khu D5 để phòng anh em đấu tranh. Tại phân khu D5, trước khi trút hơi thở cuối cùng, ông dặn đồng đội: “Nếu đồng chí nào còn sống, về báo cáo với Đảng, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ của người Đảng viên”.
“Một cuộc chia ly đầy nước mắt!”, ông Bảng nói đầy xúc động.
Câu chuyện của ông Hà hay về ông Ngà là hai trong muôn vàn câu chuyện cảm động cho thấy ý chí kiên cường, anh dũng của những người con ưu tú sẵn sàng hy sinh, giữ trọn lời thề, vì độc lập, tự do của dân tộc. Những hình ảnh về thân thế, sự nghiệp của các đồng chí như Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Thị Minh Khai… đang được giới thiệu tại không gian nhà tù Hỏa Lò như góp phần thắp lên ngọn lửa hồng tri ân của thế hệ hôm nay đối với các anh hùng liệt sĩ.