Trời rét, gia tăng bệnh nhân đột quỵ

Thời tiết chuyển rét sâu khiến lượng bệnh nhân bị đột quỵ gia tăng. Nhiều ca nhập viện muộn, đã qua 'thời gian vàng' điều trị. Bác sĩ khuyến cáo, để hạn chế nguy cơ đột quỵ, người có bệnh nền thường xuyên kiểm tra huyết áp, nhận biết dấu hiệu đột quỵ sớm, điều trị kịp thời.

Nam giới đột quỵ nhiều gấp 4 lần nữ

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, mỗi năm, nước ta có khoảng 200.000 ca đột quỵ, tỷ lệ tử vong khoảng 40%. Đặc biệt, bệnh hay xảy ra vào mùa lạnh, khi thời tiết thay đổi đột ngột. Hiện nay, số người trẻ bị đột quỵ đang có xu hướng tăng. Người trẻ và người trung niên chiếm khoảng 30% tổng ca đột quỵ.

Tại các BV, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi trung bình tăng khoảng 2% mỗi năm, trong đó số nam giới nhiều gấp 4 lần nữ. Cứ 4 người trên 25 tuổi thì sẽ có một người từng trải qua đột quỵ ít nhất một lần trong đời.

Bệnh nhân đột quỵ não tái khám tại Trung tâm đột quỵ, BV Bạch Mai. Ảnh: BVCC

Bệnh nhân đột quỵ não tái khám tại Trung tâm đột quỵ, BV Bạch Mai. Ảnh: BVCC

Tại Trung tâm đột quỵ, BV Bạch Mai, nơi tiếp nhận nhiều nhất các ca đột quỵ nặng được chuyển đến từ các tỉnh, TP. Theo các bác sĩ, nhiều ca đột quỵ đến viện khi đã qua giai đoạn vàng và có những sai lầm trong bước sơ cứu cho bệnh nhân.

Thực tế, số bệnh nhân đột quỵ vào Trung tâm tăng qua các năm. Năm 2023, các bác sĩ tiếp nhận 13.228 người, tăng hơn 2.000 ca so với năm trước đó, khoảng 8% là người trẻ. Đáng lưu ý, tình trạng trẻ hóa đột quỵ ngày càng gia tăng. Đầu năm nay, BV Bạch Mai phải mở rộng giường điều trị đột quỵ để đáp ứng nhu cầu bệnh nhân.

Trung bình mỗi ngày, Trung tâm tiếp nhận 50-55 bệnh nhân, ngày cao điểm đến 60 bệnh nhân. Gần đây, đơn vị tiếp nhận nhiều ca đột quỵ có tuổi đời còn rất trẻ (dưới 45 tuổi), chiếm khoảng 10-15%, dưới 50 tuổi là 15 - 20% trên tổng số các ca bệnh đột quỵ.

Điển hình, một trườnh hợp bệnh nhân nam, 31 tuổi chuyển tới Trung tâm Đột quỵ trong tình trạng hôn mê, đặt ống nội khí quản, huyết áp liên tục tăng cao 180/100 mmHg ngay cả khi sử dụng thuốc truyền tĩnh mạch.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, BV Bạch Mai cho biết, huyết áp của bệnh nhân liên tục tăng cao, tiếp tục chảy máu não bên đối diện, bên phải và lần này thể tích lớn hơn và có máu trong não thất.

Một bệnh nhân đột quỵ điều trị tại Trung tâm Đột quỵ, BV Bạch Mai. Ảnh: BVCC

Một bệnh nhân đột quỵ điều trị tại Trung tâm Đột quỵ, BV Bạch Mai. Ảnh: BVCC

Qua hội chẩn, bệnh nhân khó có thể phẫu thuật do chảy máu cả 2 bên não, hôn mê sâu và được chỉ định điều trị hồi sức nội khoa. Bệnh nhân liên tục sốt cao, ý thức chậm, hôn mê, không cai được thở máy, tiên lượng nặng.

Hay mới đây, một người đàn ông 48 tuổi ở Hà Nội đang lái xe ô tô bất ngờ khởi phát cơn đột quỵ, không kiểm soát được cơ thể đã gây ra va chạm giao thông. Tại BV E, bác sĩ xác định bệnh nhân bị nhồi máu não.

Trước đó, bệnh nhân xuất hiện các biểu hiện cơn thiếu máu não thoáng qua như tê yếu một bên tay và chân, đau đầu dữ dội, chóng mặt, giảm thị lực, khó nói… Tuy nhiên, người bệnh nghĩ do say rượu nên nghỉ ngơi tại nhà.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Vĩnh Yên - Khoa Cấp cứu, BV E cho biết, bệnh nhân cấp cứu trong tình trạng yếu nửa người, đau đầu, lơ mơ, phát âm khó… (dấu hiệu đột quỵ cấp). Kết quả, bệnh nhân có tổn thương nhồi máu não trái.

Theo bác sĩ Yên, các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ có thể xảy ra trước khi khởi phát khoảng vài giờ hoặc 1 ngày, 1 tuần. Đột quỵ xảy ra đột ngột, người bệnh có triệu chứng nói khó, yếu tay - chân hoặc liệt nửa người, viêm phổi…. thậm chí, tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Phòng tránh nguy cơ đột quỵ khi trời rét

Các chuyên gia y tế cảnh báo, trời rét khiến huyết áp và nhịp tim tăng lên, làm tăng nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim, đặc biệt là đối với người già và người mắc các bệnh nền mạn tính như tim mạch, tiểu đường, huyết áp cao... Người bệnh bị nhồi máu cơ tim không được cấp cứu kịp thời có thể ảnh hưởng đến tính mạng, nguy cơ tử vong cao.

PGS.TS Nguyễn Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, BV Bạch Mai cho biết, đột quỵ não là nguyên nhân dẫn tới tử vong đứng hàng thứ ba trên thế giới, chỉ sau ung thư và tim mạch. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế.

Việt Nam là một trong số các quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất. Khi mạch máu bị tắc nghẽn hoặc vỡ, phần não liên quan không thể hoạt động được dẫn đến đột quỵ.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng - Trung tâm Đột quỵ, BV Bạch Mai khám cho bệnh nhân đột quỵ (tái khám). Ảnh: BVCC

Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng - Trung tâm Đột quỵ, BV Bạch Mai khám cho bệnh nhân đột quỵ (tái khám). Ảnh: BVCC

Đột quỵ có 2 dạng cơ bản: nhồi máu não (chiếm 80%) và chảy máu não (chiếm 20%), với các mức độ khác nhau, từ rất nhẹ (tự hồi phục, không di chứng) đến rất nặng (đe dọa tính mạng hoặc tử vong ngay). Tuy xuất huyết não xuất hiện ít hơn nhồi máu não nhưng tỷ lệ tử vong cao hơn và các bệnh nhân còn sống sót bị di chứng sa sút trí tuệ cũng như di chứng tàn phế rất nặng nề.

Chảy máu não thường đột ngột, diễn biến nhanh. Tăng huyết áp là căn nguyên chiếm tới 80 - 85% số ca chảy máu não, còn 15 - 20% do chảy máu não thứ phát do vỡ dị dạng mạch máu, u não, viêm mạch…

Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Vĩnh Yên - BV E, cấp cứu đột quỵ trong thời gian vàng có vai trò quan trọng trong cứu sống người bệnh, hạn chế các biến chứng và phục hồi nhanh. Thời gian cấp cứu lâu, hệ thần kinh càng bị tổn hại nhiều dẫn đến di chứng. "Giờ vàng" trong cấp cứu nhồi máu não được khuyến cáo trong 3-4,5 giờ kể từ khi khởi phát dấu hiệu đầu tiên.

“Để dự phòng đột quỵ, những thói quen xấu cần thay đổi như hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, lười vận động, thức khuya. Người dân tự nâng cao nhận thức về phòng tránh đột quỵ, biết cách nhận diện triệu chứng đột quỵ, lắng nghe cơ thể và khi xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào bất thường cần đến ngay các cơ sở y tế có khả năng cấp cứu đột quỵ” - bác sĩ Yên khuyến cáo.

Ngoài ra, các chuyên gia y tế cũng lưu ý, để phòng tránh nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim khi trời rét, mỗi người cần thường xuyên theo dõi huyết áp khi thời tiết thay đổi; tránh tiếp xúc đột ngột với thời tiết lạnh, đặc biệt khi trời lạnh dưới 15 độ C.

Đặc biệt, người cao tuổi, người có bệnh nền mạn tính giữ ấm cơ thể, không để lạnh đột ngột; hạn chế hoặc không ra ngoài lúc đêm khuya, sáng sớm; ăn uống đồ ấm nóng trong những ngày trời rét. Người dân nên khám định kỳ kiểm soát tốt bệnh lý nền như: tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý tim mạch… ; duy trì hoạt động thể chất thường xuyên; ăn uống lành mạnh, tránh căng thẳng, stress quá mức.

Đột quỵ không chỉ tập trung ở người cao tuổi mà ngày càng trẻ hóa nhanh chóng, với nhiều bệnh nhân chỉ mới ngoài 30 tuổi. Số lượng bệnh nhân đột quỵ ngày càng gia tăng tạo gánh nặng y tế và xã hội.

TS Nguyễn Thế Anh - Trưởng đơn nguyên Đột quỵ, BV Thanh Nhàn (Hà Nội)

Thanh Bình

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/troi-ret-gia-tang-benh-nhan-dot-quy.html
Zalo