'Trợ thủ' tàng hình cho tiêm kích Rafale tiêu chuẩn F5

Kế hoạch của Pháp về việc cung cấp cho tiêm kích Rafale một 'người bạn đồng hành' đáng tin cậy là UAV được đưa ra trong bối cảnh thời gian biểu cho mẫu máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo vẫn chưa rõ ràng.

Pháp đã khởi động quá trình phát triển máy bay không người lái (UAV/drone) chiến đấu trên không, đóng vai trò là Wingman – "trợ thủ" đắc lực cho máy bay chiến đấu Rafale của nước này. Hợp đồng đã được ký với hãng Dassault Aviation để bắt đầu triển khai gói nâng cấp cho dòng tiêm kích hàng đầu của cường quốc Tây Âu.

"Trợ thủ" tàng hình này sẽ được vận hành trực tiếp từ buồng lái của tiêm kích thế hệ 4+ Rafale, Bộ Lực lượng Vũ trang Pháp cho biết trong một bài đăng trên X/Twitter. Chiếc Wingman sẽ được xây dựng dựa trên máy bay không người lái trình diễn nEUROn của Dassault Aviation, công ty cho biết trong một tuyên bố vào ngày 8/10.

"Máy bay không người lái chiến đấu tàng hình này sẽ góp phần vào ưu thế về công nghệ và hoạt động của Không quân Pháp vào năm 2033", CEO của Dassault Aviation Éric Trappier cho biết trong tuyên bố.

Máy bay không người lái chiến đấu sẽ đóng vai trò là Wingman – “trợ thủ” đắc lực cho máy bay chiến đấu Rafale. Ảnh: TWZ

Máy bay không người lái chiến đấu sẽ đóng vai trò là Wingman – “trợ thủ” đắc lực cho máy bay chiến đấu Rafale. Ảnh: TWZ

Kế hoạch của Pháp về việc cung cấp cho các phi công Rafale một "người bạn đồng hành" đáng tin cậy là UAV được đưa ra trong bối cảnh thời gian biểu cho mẫu máy bay phản lực thế hệ tiếp theo vẫn chưa rõ ràng.

Vào tháng 11 năm ngoái, Thượng viện Pháp đã kêu gọi Dassault Aviation bắt đầu công việc nâng cấp Rafale, bao gồm bổ sung một wingman đáng tin cậy, sớm nhất là vào năm 2024, do không chờ được chương trình máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 mang tên "Hệ thống Không quân Chiến đấu Tương lai" (FCAS) mà Pháp đang phối hợp sản xuất với Đức và Tây Ban Nha.

Theo Dassault Aviation, UAV Wingman sẽ kết hợp các công nghệ tàng hình, điều khiển tự động với chức năng có người lái và khả năng tải trọng bên trong, đồng thời được thiết kế để phát triển cùng với các mối đe dọa trong tương lai.

Nhà sản xuất máy bay của Pháp đã bắt đầu chương trình nEUROn vào năm 2003. UAV này đã có chuyến bay đầu tiên vào tháng 12/2012 và lần đầu tiên phóng vũ khí từ khoang bên trong vào tháng 9/2015.

Các đối tác trong chương trình bao gồm hãng Leonardo (của Italy) phụ trách khoang vũ khí bên trong, hãng Saab (của Thụy Điển) phụ trách thiết kế thân máy bay chính, hệ thống điện tử hàng không và nhiên liệu, và hãng Airbus cho chuyên môn về cánh.

Một chiếc tiêm kích Rafale C của Không quân Pháp. Ảnh: TWZ

Một chiếc tiêm kích Rafale C của Không quân Pháp. Ảnh: TWZ

Mô hình có kích thước thực tế của máy bay không người lái trình diễn nEUROn lần đầu tiên xuất hiện tại Paris Air Show 2005. Ảnh: Airforce Technology

Mô hình có kích thước thực tế của máy bay không người lái trình diễn nEUROn lần đầu tiên xuất hiện tại Paris Air Show 2005. Ảnh: Airforce Technology

Nguyên mẫu máy bay không người lái chiến đấu nEUROn của Dassault bay phía trên sân bay quân sự ở Istres, Đông Nam nước Pháp, năm 2012. Ảnh: Dassault Aviation

Nguyên mẫu máy bay không người lái chiến đấu nEUROn của Dassault bay phía trên sân bay quân sự ở Istres, Đông Nam nước Pháp, năm 2012. Ảnh: Dassault Aviation

Bộ Lực lượng Vũ trang Pháp hôm 8/10 cho biết, máy bay Rafale tiêu chuẩn F5 tương lai mang tên lửa hạt nhân ASN4G tương lai sẽ là "một bước tiến lớn" cho nhánh trên không của lực lượng răn đe hạt nhân Pháp.

Theo Bộ trưởng Lực lượng Vũ trang Pháp Sébastien Lecornu, các nhà sản xuất đã nhận được đơn đặt hàng đầu tiên cho chương trình nâng cấp này cách đây vài tuần.

Ông Lecornu cũng tiết lộ rằng tiêm kích Rafale phiên bản hiện đại hóa "sẽ sẵn sàng đối mặt với các mối đe dọa của những năm 2030-2040". Ông nói: "Đối với các lực lượng không quân chiến lược và hàng không thông thường, đây là một cuộc cách mạng quan trọng như quá trình chuyển đổi từ Mirage 2000 sang Rafale".

Không quân Pháp đã nhận được những máy bay chiến đấu Rafale đầu tiên được nâng cấp lên tiêu chuẩn F4 vào tháng 3 năm ngoái. Tiêu chuẩn này tập trung vào khả năng kết nối và bao gồm tên lửa không đối không tầm trung Mica do nhà sản xuất tên lửa toàn châu Âu MBDA cung cấp, cũng như bản nâng cấp hệ thống phòng thủ Spectra do Thales (Mỹ) phát triển.

MBDA đang nghiên cứu tên lửa hạt nhân ASN4G để thay thế tên lửa siêu thanh phóng từ trên không ASMP hiện đang được Rafale mang theo, với tên lửa mới dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào khoảng năm 2035, cố vấn hội đồng quản trị MBDA, Đô đốc Hervé de Bonnaventure, cho biết trong phiên điều trần trước Quốc hội Pháp vào năm ngoái. Theo Đô đốc, tên lửa mới sẽ có nhiều đầu đạn và hiệu suất "ở mức siêu thanh".

Minh Đức (Theo Defense News)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tro-thu-tang-hinh-cho-tiem-kich-rafale-tieu-chuan-f5-204241010205959639.htm
Zalo