Trở ngại lớn nhất đối với nỗ lực phục hồi đất nước của Syria

Bộ trưởng Dầu mỏ Syria, ông Ghiath Diab, đã nhấn mạnh thách thức kéo dài khi nhiều mỏ dầu quan trọng vẫn nằm ngoài quyền quản lý của chính quyền lâm thời mới.

Hình minh họa. Ảnh: AFP/TTXVN

Hình minh họa. Ảnh: AFP/TTXVN

Tình trạng này, theo ông Diab, là do một số mỏ dầu vẫn nằm ngoài sự quản lý của nhà nước Syria, trở thành một trong những trở ngại lớn nhất đối với nỗ lực phục hồi đất nước.

Tình hình trở nên đặc biệt nghiêm trọng khi Syria cố gắng ổn định đất nước sau sự sụp đổ của chính quyền ông Bashar Al-Assad ngày 8/12.

Trước khi xung đột nổ ra vào năm 2010, Syria sản xuất 390.000 thùng dầu mỗi ngày, đóng góp 20% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và một nửa giá trị xuất khẩu. Hiện nay, sản lượng này đã giảm mạnh xuống còn 40.000 thùng/ngày vào năm 2023.

Hiện Mỹ được cho là đang kiểm soát tới 90% nguồn dầu mỏ của Syria. Washington biện minh rằng việc này nhằm ngăn chặn các tài nguyên này rơi vào tay các phần tử khủng bố thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Tuy nhiên, mục tiêu chiến lược thực sự có vẻ phức tạp hơn. Một quan chức cấp cao Lầu Năm Góc thừa nhận rằng việc ngăn Damascus tiếp cận nguồn dầu là một phần trong chiến dịch gây áp lực nhằm cản trở chính phủ Syria thu được nguồn thu cần thiết để tái thiết.

Trong khi một số đồng minh người Kurd của Syria (Lực lượng Dân chủ Syria do Mỹ hậu thuẫn) được phép bán dầu tại địa phương, phần lớn người dân Syria vẫn không được tiếp cận với tài nguyên của chính đất nước mình. Điều này đã dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng, với tình trạng thiếu hụt nhiên liệu ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sưởi ấm, giao thông và các dịch vụ thiết yếu.

Chính quyền lâm thời do thủ lĩnh Ahmed Al-Sharaa, còn được biết đến với tên Abu Mohammed Al-Julani, lãnh đạo, đang đối mặt với nhiều thách thức trong nỗ lực tái thiết.

Bên cạnh sự hiện diện của Mỹ tại các cơ sở dầu khí trọng yếu, Syria còn chịu đựng các cuộc không kích từ Israel và các lệnh trừng phạt quốc tế. Bộ trưởng Diab kêu gọi dỡ bỏ trừng phạt, lập luận rằng “không còn lý do để duy trì các lệnh trừng phạt đối với Syria sau khi chế độ cũ và các đồng minh của nó bị loại bỏ”.

Tài nguyên dầu mỏ của Syria chủ yếu tập trung ở hai khu vực: phía Đông Bắc, đặc biệt là tại Hasakah, và khu vực dọc sông Euphrates gần biên giới Iraq, thuộc Deir Ez-Zor, cùng một số mỏ nhỏ ở phía Nam Raqqa. Tài nguyên khí đốt trải dài tới Palmyra ở miền Trung Syria, nhưng việc tiếp cận vẫn gặp khó khăn do sự hiện diện của các lực lượng quân sự nước ngoài.

Trong một cuộc bỏ phiếu năm 2023, Thượng viện Mỹ đã tái khẳng định lập trường, với 84 phiếu thuận và 13 phiếu chống, bác bỏ việc rút quân khỏi Syria. Điều này cho thấy Mỹ sẽ tiếp tục nắm giữ cơ sở hạ tầng dầu khí của Syria trong tương lai gần, bất chấp nhu cầu cấp thiết của quốc gia này trong việc tái thiết sau nhiều năm xung đột tàn phá.

Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo middleeastmonitor)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/tro-ngai-lon-nhat-doi-voi-no-luc-phuc-hoi-dat-nuoc-cua-syria-20250101201520949.htm
Zalo