Trở ngại giải phóng mặt bằng các dự án cao tốc qua Khánh Hòa
Việc triển khai các dự án cao tốc trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đang một số khó khăn; trong đó, nổi bật là những trở ngại liên quan đến di dời hạ tầng kỹ thuật và giải phóng mặt bằng.
Những khó khăn này không chỉ làm chậm tiến độ thi công mà còn đẩy chi phí lên cao và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho công nhân tham gia thi công.
Tại tuyến cao tốc Vân Phong - Nha Trang thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 dài hơn 83 km, dự kiến cơ bản hoàn thành vào tháng 6/2025, sớm nhất trong 12 dự án thành phần đang được thi công.
Ông Trương Sỹ Quý, Chỉ huy phó của nhà thầu Lizen chia sẻ, nhiều vị trí vướng mắc đang cản trở nghiêm trọng đến tiến độ thi công. Đặc biệt, khi mùa mưa sắp đến, việc bàn giao mặt bằng không đầy đủ khiến dự án không thể triển khai đồng bộ, dẫn đến sự lãng phí nguồn lực và kéo dài thời gian thi công.
"Hiện tại, chúng tôi đang vướng phải một số vị trí dọc tuyến, cụ thể là 4 vị trí trong đó có 2 vị trí trên Quốc lộ 26 thuộc địa phận thị xã Ninh Hòa. Những vị trí này nằm trên chiều dài còn 1,44km chưa thi công được do vướng hạ tầng kỹ thuật và vướng mắc giải phóng mặt bằng một số vị trí cục bộ.
Thêm vào đó, mùa mưa sắp đến, nhưng nhiều mặt bằng vẫn chưa được bàn giao đầy đủ, dẫn đến việc thi công không thể triển khai một cách đồng bộ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ dự án. Ngoài ra, hệ thống hạ tầng kỹ thuật như đường điện cao thế chạy dọc Quốc lộ 26 vẫn chưa được di dời hoàn chỉnh, cản trở các hoạt động thi công và tiềm ẩn nhiều rủi ro an toàn.
Tại các vị trí giao giữa Quốc lộ 26 và cao tốc Nha Trang- Vân Phong thuộc xã Ninh Xuân (thị xã Ninh Hòa) đây là khu vực thi công rất nguy hiểm với độ cao mặt đất đến đường điện cao thế là 6,6m. Do không đảm bảo yêu cầu thi công nên chỉ thi công cầm chừng. Ngoài ra, hiện còn 2 hộ dân vẫn chưa thống nhất được mức giá đền bù, dẫn đến tình trạng chưa bàn giao mặt bằng, điều này khiến các máy móc như máy lu, máy đào, và máy ủi phải nằm chờ, gây lãng phí nguồn lực.
"Chúng tôi rất mong muốn các cơ quan chức năng hỗ trợ giải quyết nhanh chóng vấn đề đền bù và di dời hạ tầng kỹ thuật để đảm bảo tiến độ và an toàn của dự án." - ông Trương Sỹ Quý đề nghị.
Chị Võ Thị Trang Điểm, sống tại xã Ninh Xuân, thị xã Ninh Hòa, là một trong 4 hộ dân vướng phải giải phóng mặt bằng cho biết, gia đình rất đồng tình với chủ trương làm đường cao tốc, sẵn sàng cho việc lấy đất. Tuy nhiên, mới được thông báo giải tỏa mặt bằng sau khi đã thi công được hai năm. Chị Võ Thị Trang Điểm cho hay việc đền bù và giải tỏa đã được thông báo từ tháng 2, tháng 3 năm 2023, nhưng đến nay gia đình chị vẫn chưa nhận được tiền đền bù.
Trong khi đó, một số gia đình trong xóm đã nhận đền bù từ năm ngoái, nhưng mức giá không thống nhất và chưa hợp lý. Gia đình chị và nhiều người khác vẫn đang chờ đợi thỏa thuận rõ ràng hơn về giá cả, vì hiện tại giá đền bù mà chính quyền đưa ra vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của họ. Chị mong muốn các bên liên quan nhanh chóng thực hiện đền bù đúng hạn và công bằng để cuộc sống của người dân không bị ảnh hưởng.
Tại đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột cũng đang gặp khó giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật. Trên tuyến cao tốc, việc thi công đang gặp nhiều khó khăn do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.
Theo báo cáo của Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Khánh Hòa, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 của dự án Đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột là 1.600 tỷ đồng, nhưng đến nay mới giải ngân được hơn 370,6 tỷ đồng (đạt 23,16%).
Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã Ninh Hòa đã bàn giao mặt bằng để triển khai thi công ngoài hiện trường được 28,17/31,5km (đạt 89,42%). Hiện nay, các nhà thầu thi công đang san ủi mặt bằng các đoạn mới bàn giao. Tuy nhiên, một số đoạn qua khu dân cư có nhà ở trên đất phải tái định cư nên ban đã phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã Ninh Hòa tiếp tục vận động các hộ dân cho mở đường công vụ.
Đối với việc di dời hạ tầng kỹ thuật tại dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, đơn vị thi công đã hoàn thành di dời đường dây 35kV và đường dây 110kV; còn 2 vị trí đường dây 220kV đang triển khai thi công.
Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh cho biết, hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng vẫn còn một số đoạn vướng mắc, như: đoạn qua địa bàn xã Ninh Trung không thể mở đường công vụ qua các thửa đất có nhà ở, phải xét tái định cư; đoạn qua xã Ninh Tây vướng mặt bằng 1 hộ dân nên không thể đẩy nhanh tiến độ thi công cầu vượt Tỉnh lộ 5.
Dự án Đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đoạn qua địa bàn tỉnh dài 31,5 km, tổng mức đầu tư khoảng 5.632 tỷ đồng. Dự án được khởi công vào tháng 6/2023, dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2026. Hiện chủ đầu tư và các nhà thầu đang phấn đấu để đưa công trình về đích trước 6 tháng so với kế hoạch.
Dự án Đường bộ cao tốc Vân Phong - Nha Trang qua Khánh Hòa dài hơn 83 km (đi qua 4 huyện, thị xã: Vạn Ninh, Ninh Hòa, Diên Khánh và Khánh Vĩnh); tổng mức đầu tư hơn 11.800 tỷ đồng, được khởi công vào tháng 1/2023, dự kiến hoàn thành vào ngày 30/4/2025 (trước 8 tháng so với kế hoạch).