Trở ngại của EU trong tham vọng trở thành trung tâm sản xuất xe điện

Theo tờ Politico ngày 18/4, tham vọng trở thành trung tâm sản xuất xe điện của Liên minh châu Âu (EU) đang vấp phải những trở ngại không ngờ ngay tại 'cửa ngõ' khối này: Serbia.

Cờ Liên minh châu Âu (EU). Ảnh: IRNA/TTXVN

Cờ Liên minh châu Âu (EU). Ảnh: IRNA/TTXVN

Serbia có mỏ lithium Jadar được ước tính chứa trữ lượng đủ để cung cấp năng lượng cho một triệu xe điện, đáp ứng tới 25% nhu cầu của châu Âu. Với tiềm năng trở thành mỏ lithium lớn nhất lục địa, Jadar nghiễm nhiên trở thành tâm điểm trong nỗ lực của EU nhằm đảm bảo nguồn cung nguyên liệu thô quan trọng, giảm phụ thuộc Trung Quốc theo Đạo luật Nguyên liệu thô quan trọng (CRMA).

Không có gì ngạc nhiên khi dự án do tập đoàn toàn cầu Rio Tinto phát triển này nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Brussels. Tuy nhiên, sự phản đối quyết liệt từ người dân Serbia, lo ngại về những hệ lụy môi trường nghiêm trọng và cáo buộc tham nhũng đang làm suy yếu nghiêm trọng sự ủng hộ đối với việc gia nhập EU, hiện chỉ còn khoảng 40%.

Aleksandar Matković, nhà nghiên cứu tại Belgrade và là người tổ chức các cuộc biểu tình phản đối dự án, cảnh báo rằng nếu EU tiếp tục hỗ trợ Jadar, điều này sẽ gửi đi một tín hiệu đáng lo ngại rằng khối này ưu tiên lợi ích kinh tế hơn các giá trị cơ bản, đồng thời gây ra hậu quả nghiêm trọng cho Serbia và khu vực.

Đáng chú ý, vào cuối tháng 3 vừa qua, Ủy viên Công nghiệp EU Stéphane Séjourné đã công bố danh sách 47 dự án nguyên liệu thô chiến lược theo CRMA, nhưng lại bất ngờ không bao gồm các dự án ngoài EU, làm dấy lên nghi ngờ liệu tranh cãi xung quanh mỏ Jadar có phải là nguyên nhân hay không. Ủy ban châu Âu từ chối bình luận về vấn đề này, nhưng nhấn mạnh đến tham vọng xây dựng quan hệ đối tác chiến lược về nguyên liệu thô với Serbia.

Một phát ngôn viên của EU khẳng định rằng mối quan hệ đối tác này không hề thay đổi cách tiếp cận của EU đối với các nguyên tắc cơ bản của quá trình gia nhập EU, mà ngược lại, có thể mang lại các khoản đầu tư vào nguyên liệu thô, pin và điện thoại di động, thúc đẩy phát triển kinh tế, quá trình chuyển đổi xanh và kỹ thuật số, cũng như tạo ra cơ hội việc làm mới.

Ngay sau thông báo của ông Séjourné, Tổng thống Serbia Aleksandar Vučić đã có cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu António Costa tại Brussels. Các nhà lãnh đạo EU bày tỏ không hài lòng với cách Tổng thống Vučić xử lý các cuộc biểu tình của sinh viên và các cuộc biểu tình chống chính phủ kéo dài hơn bốn tháng. Về phần mình, ông Vučić lại cáo buộc những người biểu tình được phương Tây tài trợ.

Mọi sự chú ý hiện đang đổ dồn vào việc liệu mỏ Jadar có xuất hiện trong danh sách các dự án CRMA tiếp theo của EU hay không. Ủy viên Séjourné lưu ý rằng ông "sẽ trình bày các dự án được chọn trong những tuần tới" và khẳng định các dự án bên ngoài EU "sẽ không biến mất khỏi bản đồ". Nếu nhận được sự hỗ trợ của EU, dự án Jadar sẽ có cơ hội tiếp cận tốt hơn với các nguồn tài trợ, mặc dù sẽ không được hưởng những ưu đãi như các dự án trong nội khối.

Nghị sĩ châu Âu Hildegaard Bentele tin rằng Jadar "rất quan trọng đối với Serbia, rất quan trọng đối với EU, rất quan trọng đối với toàn bộ ngành ô tô". Tuy nhiên, đối với nhiều người ở Serbia, dự án Jadar hiện tượng trưng cho sự liên kết của EU với một "gã khổng lồ" khai khoáng, đặt lợi ích công nghiệp của Đức và cuộc đua xe điện của khối lên trên những lo ngại của người dân.

Vấn đề môi trường và sự hoài nghi

Bất chấp những nỗ lực của Rio Tinto nhằm xoa dịu những lo ngại về môi trường, phản đối khai thác mỏ ngầm vẫn tiếp diễn. Bojana Novaković, lãnh đạo tổ chức phi chính phủ về môi trường Marš sa Drine, khẳng định: "Hoàn toàn không có chỗ cho hoạt động khai thác lithium ở một thung lũng màu mỡ, với nguồn nước suối, nước ngầm, nơi nuôi sống người dân và nơi nông dân đã canh tác đất đai trong nhiều thế hệ".

Những người chỉ trích lo ngại rằng việc khai thác lithium không được quản lý chặt chẽ có thể gây ô nhiễm nguồn nước ngầm và đất nông nghiệp, vốn có vai trò sống còn đối với cộng đồng chủ yếu làm nông nghiệp ở thung lũng Jadar. Nebojša Petković từ hiệp hội Ne Damo Jadar, tin rằng EU không thực sự quan tâm đến việc Serbia trở thành thành viên mà chỉ nhắm đến lợi nhuận. Ông cáo buộc khối này muốn biến Serbia thành "cơ sở tài nguyên" và "bãi rác" của châu Âu.

Rio Tinto khẳng định mỏ Jadar sẽ không gây ra những rủi ro môi trường như các mỏ khác vì sẽ sử dụng phương pháp lưu trữ chất thải khô thay vì chất thải lỏng. Tuy nhiên, Diego Marin tại mạng lưới Môi trường châu Âu (EEB) cảnh báo rằng chất thải khô vẫn không an toàn trước các mối lo ngại về sinh thái, bao gồm phát thải bụi và khả năng ô nhiễm kim loại nặng. Một báo cáo từ Viện quản lý môi trường và năng lượng tái tạo tại Belgrade (RERI) cũng chỉ ra rằng yêu cầu đánh giá tác động môi trường hiện tại của Rio Tinto chưa bao gồm xử lý chất thải khai thác một cách đầy đủ.

Số phận của ngành công nghiệp ô tô Đức, một trụ cột quan trọng trong nền kinh tế châu Âu, đóng vai trò then chốt trong lập trường của Berlin và do đó, ảnh hưởng đến các ưu tiên chính sách của EU đối với dự án Jadar. Tuy nhiên, các nhà sản xuất ô tô Đức đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc, những người đã nắm quyền kiểm soát chuỗi cung ứng nguyên liệu thô và sản xuất pin.

Đối với Serbia, một ứng cử viên lâu năm cho tư cách thành viên EU, thỏa thuận khai thác lithium được coi là cơ hội để tiến gần hơn đến châu Âu và thúc đẩy các cuộc đàm phán gia nhập. Tuy nhiên, sự phản đối mạnh mẽ từ người dân và những lo ngại về môi trường đang tạo ra một bài toán khó cho cả Serbia và EU. EU đang ngày càng gây áp lực buộc Serbia phải có lập trường rõ ràng hơn về lợi ích của mình.

Tham vọng gia nhập EU của Serbia hiện đang phụ thuộc vào sự cân bằng giữa việc khối này thúc đẩy nguồn cung nguyên liệu thô và việc tôn trọng ý kiến của người dân Serbia cũng như các tiêu chuẩn môi trường. Liệu Serbia có trở thành một "điểm đến khai thác" của EU hay không vẫn là một câu hỏi ngỏ trong bối cảnh quốc gia Tây Balkan này đang phải đối mặt với một tương lai đầy bất ổn. Tổng thống Vučić vừa công bố việc thành lập một chính phủ mới vào ngày 18/4, nhưng nếu các nhà lập pháp không chấp thuận, một cuộc bầu cử sớm có thể diễn ra vào đầu tháng 6 tới, mang đến những thay đổi quan trọng cho số phận của dự án Jadar và con đường hội nhập châu Âu của Serbia.

Vũ Thanh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/tro-ngai-cua-eu-trong-tham-vong-tro-thanh-trung-tam-san-xuat-xe-dien-20250419181107979.htm
Zalo