Trở lại với kênh trái phiếu

Các doanh nghiệp ngoại trừ ngân hàng bắt đầu quay trở lại thị trường trái phiếu, với sự xuất hiện của các doanh nghiệp ở đa dạng các lĩnh vực, bao gồm tài chính, bất động sản, năng lượng, vận tải…

Cơ cấu tổ chức phát hành trái phiếu dần đa dạng hơn

Cơ cấu tổ chức phát hành trái phiếu dần đa dạng hơn

Mục tiêu phát hành cũng đa dạng

Trong 7 tháng đầu năm 2024, các ngân hàng là đối tượng phát hành chủ đạo trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chiếm hơn 70% giá trị phát hành mới. Trong khi đó, hoạt động phát hành của các ngành khác khá ảm đạm, đặc biệt là ngành bất động sản, chỉ đạt gần 35.000 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ năm trước. Các ngành phi tài chính khác như năng lượng, thương mại, dịch vụ… gần như vắng bóng trên thị trường trái phiếu sơ cấp.

Tuy nhiên, tình hình đang có sự cải thiện, khi nhóm các doanh nghiệp ngoại trừ ngân hàng bắt đầu quay trở lại thị trường trái phiếu.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam tổng hợp từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong tháng 8/2024 (tính đến ngày 30/8), có 43 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trị giá 37.995 tỷ đồng và 2 đợt phát hành ra công chúng trị giá 11.000 tỷ đồng.

Như vậy, trong tháng qua, tổng cộng có gần 49.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được huy động thành công, là tháng có giá trị phát hành cao thứ hai kể từ đầu năm 2024 và cao thứ ba kể từ đầu năm 2022 đến nay.

Trong tháng 8 vừa qua, nhóm doanh nghiệp bất động sản có các đợt phát hành đáng chú ý như Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Thái Sơn phát hành thành công 1.890 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 2 năm, lãi suất cố định 12%/năm.

Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP (Becamex, mã BCM) có 3 đợt phát hành trái phiếu trong tháng 8 với tổng giá trị 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 3 năm. Trước đó, ngày 17/6/2024, Becamex IDC phát hành 800 tỷ đồng trái phiếu, lãi suất 10,5%/năm, kỳ hạn 3 năm.

Không chỉ tập trung huy động vốn qua kênh trái phiếu, Becamex IDC còn có kế hoạch phát hành 300 triệu cổ phiếu thông qua đấu giá công khai, với giá bán không dưới 50.000 đồng/cổ phiếu. Công ty kỳ vọng sẽ thu về ít nhất 15.000 tỷ đồng từ đợt phát hành này để triển khai các dự án khu công nghiệp trọng điểm, góp vốn vào các công ty thành viên và tái cấu trúc tài chính.

Becamex IDC dự kiến dùng 6.300 tỷ đồng đầu tư dự án, 3.634 tỷ đồng góp vốn vào các thành viên hiện hữu và 5.066 tỷ đồng dùng để tái cấu trúc tài chính. Các hạng mục dự kiến được giải ngân bao gồm: Khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng với 3.500 tỷ đồng, Khu công nghiệp Cây Trường với 2.800 tỷ đồng, VSIP với 2.118 tỷ đồng, Becamex Bình Phước với 900 tỷ đồng, CTCP Đầu tư và Phát triển điện Becamex - VSIP với 216 tỷ đồng, Becamex Bình Định với 200 tỷ đồng, VSSES với 200 tỷ đồng.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp bất động sản khác tìm đến kênh trái phiếu với mục tiêu tái cơ cấu nợ.

CTCP Đầu tư Nam Long (mã NLG) thực hiện 2 đợt phát hành trái phiếu trong tháng 8, một đợt 500 tỷ đồng và một đợt 450 tỷ đồng, đều có kỳ hạn 3 năm. Công ty dự kiến dùng toàn bộ 950 tỷ đồng để thanh toán khoản gốc đáo hạn của trái phiếu NLGB2124001 (giá trị phát hành 500 tỷ đồng) và NLGB2124001 (giá trị phát hành 450 tỷ đồng). Hai lô trái phiếu này cùng được phát hành ngày 6/9/2021, kỳ hạn 36 tháng.

Lũy kế từ đầu năm 2024 đến nay, Đầu tư Nam Long đã phát hành 3 lô trái phiếu, với tổng trị giá 1.500 tỷ đồng.

Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (mã KBC) phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu vào ngày 28/8, kỳ hạn 2 năm, lãi suất cố định 10,5%/năm. Mục tiêu huy động vốn trái phiếu của doanh nghiệp là cơ cấu lại khoản nợ hơn 1.000 tỷ đồng tại Công ty cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn - Bắc Giang và Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Hưng Yên.

Ở nhóm công ty tài chính, CTCP Tập đoàn Đầu tư I.P.A (IPA) có một đợt phát hành trái phiếu trị giá 1.096 tỷ đồng, CTCP Kinh doanh F88 có 2 đợt phát hành trái phiếu với tổng trị giá 150 tỷ đồng trong tháng 8.

Trong khi đó, nhóm vận tải có CTCP Transimex phát hành 100 tỷ đồng trái phiếu và nhóm năng lượng có CTCP Điện Gia Lai phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 8.

Nhu cầu gia tăng

Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, tương đương gần 11% GDP danh nghĩa năm 2023, mục tiêu đến năm 2030 là đạt 25% GDP.

Lãnh đạo một công ty chứng khoán đang tập trung vào hoạt động phân phối trái phiếu cho biết, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có sự sôi động trở lại một phần đến từ các quy định mới.

Cụ thể, từ ngày 1/1/2024, quy định về nhà đầu tư trái phiếu chuyên nghiệp được áp dụng theo Nghị định số 65/2022/NĐ-CP, hạn chế nhà đầu tư cá nhân tham gia sân chơi này, kể cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Trong khi đó, dự thảo sửa đổi Luật Chứng khoán đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến tiếp tục tăng điều kiện nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Chính sách có xu hướng siết chặt sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân với kênh trái phiếu doanh nghiệp có thể tác động tới sức mua trên thị trường trái phiếu trong thời gian tới, khiến một số doanh nghiệp muốn đẩy nhanh hoạt động phát hành công cụ nợ này.

Thời gian hoàn thành các công đoạn để có thể phát hành trái phiếu phổ biến là 6 tháng, nên nhiều doanh nghiệp đang khẩn trương hoàn thành các thủ tục phát hành.

Nói về nhu cầu phát hành trái phiếu trong thời gian tới, ông Nguyễn Đình Duy, CFA, Giám đốc, chuyên gia phân tích cao cấp Khối Xếp hạng & Nghiên cứu VIS Rating cho hay, theo thống kê của VIS Rating, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện đạt khoảng 1,2 triệu tỷ đồng mệnh giá trái phiếu đang lưu hành, tương đương với gần 11% GDP danh nghĩa năm 2023. Theo định hướng của Chính phủ tại Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán, mục tiêu quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp là 25% GDP vào năm 2030.

“Chúng tôi ước tính, để có thể đạt được mục tiêu này, mỗi năm, lượng phát hành mới phải đạt từ 800.000 - 900.000 tỷ đồng. Thông điệp từ Chính phủ cho thấy, mặc dù trải qua những trục trặc gần đây, nhưng trái phiếu doanh nghiệp vẫn được cơ quan quản lý định hướng là một kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế. Hiện ở Việt Nam, doanh nghiệp vẫn chủ yếu phụ thuộc vào nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng cho cả nhu cầu ngắn hạn và dài hạn, tuy nhiên khả năng tài trợ vốn dài hạn của các ngân hàng thương mại bị giới hạn vì cấu trúc nguồn huy động của ngân hàng tập trung ở kỳ hạn ngắn. Vì thế, chúng tôi cho rằng, trái phiếu doanh nghiệp sẽ dần được các doanh nghiệp sử dụng nhiều hơn để đáp ứng các nhu cầu đầu tư sản xuất - kinh doanh ở kỳ hạn dài”, ông Duy nói.

Lam Phong

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/tro-lai-voi-kenh-trai-phieu-post353821.html
Zalo