Trò chuyện nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh họa sĩ Dương Bích Liên

Sáng 13/7, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng đã tổ chức chương trình Art talk 'Họa sĩ Dương Bích Liên - Ánh chớp thầm lặng' nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh danh họa.

Gia đình, người thân và các diễn giả tại tọa đàm về danh họa Dương Bích Liên.

Gia đình, người thân và các diễn giả tại tọa đàm về danh họa Dương Bích Liên.

Chương trình có sự góp mặt của hai diễn giả là họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam và họa sĩ Đặng Thị Khuê, nguyên Ủy viên ban thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Tới dự chương trình có người thân của cố họa sĩ, các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên các trường đại học cùng đông đảo công chúng yêu nghệ thuật, và các cơ quan thông tấn báo chí quan tâm tới chương trình.

Art talk đã đưa công chúng tới với những ký ức về Họa sĩ Dương Bích Liên thông qua những tác phẩm của cố họa sĩ, qua những câu chuyện kể đầy xúc động của các vị khách mời, gia đình của họa sĩ.

Họa sĩ Dương Bích Liên (17/7/1924 - 17/7/2024) là một trong 4 “tứ trụ” của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam “Nghiêm, Liên, Sáng, Phái”. Cùng với "tứ trụ" thứ nhất (Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn), các ông đã tạo nên nền móng của nền nghệ thuật hiện đại Việt Nam, đến nay đã gần một thế kỷ.

Họa sĩ Đặng Thị Khuê chia sẻ những bức ảnh về danh họa Dương Bích Liên.

Họa sĩ Đặng Thị Khuê chia sẻ những bức ảnh về danh họa Dương Bích Liên.

Ông từng được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật và tác phẩm sơn mài "Hồ Chủ tịch qua suối" của ông được công nhận là Bảo vật quốc gia.

Họa sĩ Đặng Thị Khuê cho biết, danh họa Dương Bích Liên xuất thân trong một gia đình trí thức nho học, nổi tiếng có nhiều người thành đạt, lập nghiệp theo con đường nhân sĩ, giáo chức, thầy thuốc.

Dòng họ của ông là một dòng tộc có nhiều cống hiến lớn lao cho đất nước. Ông nội và bác ruột ông là những sĩ phu yêu nước từng tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục và bị Pháp đày ra Côn Đảo. Một bác ruột khác của ông là giáo sư Dương Quảng Hàm, một nho sĩ yêu nước, một nhà sư phạm mẫu mực, nhà nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám, tác giả của nhiều công trình học thuật nổi tiếng, đã hy sinh khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ năm 1945. Anh ruột và em trai ông cũng là những liệt sĩ thời kháng chiến chống Pháp.

Họa sĩ Đặng Thị Khuê cho biết, liệt sĩ, nhà báo Dương Thị Xuân Quý, người đã hy sinh trong chiến trường miền trung thời kháng chiến chống Mỹ cũng là người cháu trực hệ của dòng họ Dương.

Họa sĩ Dương Bích Liên một mình theo đuổi nghệ thuật, từ năm 16 tuổi đã là sinh viên khóa cuối cùng của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa 1940 - 1945. Ông là một hiện tượng điển hình nhất của giao thoa văn hóa, ở cả tinh thần nghệ thuật lẫn bút pháp. Tranh ông pha trộn lối tả thực đơn giản với bút pháp ấn tượng nhẹ nhàng.

Sinh thời nhà lịch sử mỹ thuật Thái Bá Vân đã nhận xét: "Nghệ thuật của Dương Bích Liên là một thế giới sang trọng, miên man trí thức". Nhận xét ấy đúng với tầm trí tuệ và nhân cách của ông.

Họa sĩ Đặng Thị Khuê nói về thân thế, cuộc đời danh họa Dương Bích Liên.

Họa sĩ Đặng Thị Khuê nói về thân thế, cuộc đời danh họa Dương Bích Liên.

Tại buổi trò chuyện, họa sĩ Lương Xuân Đoàn đã chia sẻ những câu chuyện xúc động về cuộc sống giản dị, âm thầm và lặng lẽ của danh họa Dương Bích Liên, câu chuyện buồn về cuối đời và khi ông đã đi xa. Họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ những cảm nhận của thế hệ họa sĩ sau này về nghệ thuật trong tranh của ông.

Tại buổi trò chuyện, người nghe cũng được lắng nghe trò chuyện, chia sẻ từ gia đình, người thân họa sĩ Dương Bích Liên.

Art talk là chương trình trò chuyện nghệ thuật, do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức định kỳ, chia sẻ những câu chuyện về các danh họa, các họa sĩ nổi tiếng của Việt Nam, cũng như những câu chuyện nghệ thuật thú vị.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tro-chuyen-nhan-ky-niem-100-nam-ngay-sinh-hoa-si-duong-bich-lien-post818967.html
Zalo