Trò chuyện cùng nữ giảng viên tâm huyết với nghiên cứu khoa học góp phần phát triển chính sách y tế

PGS.TS. Kim Bảo Giang không chỉ là một giảng viên, nhà quản lý có kinh nghiệm mà còn là một nhà khoa học có nhiều công trình nghiên cứu về y tế có giá trị, đóng góp quan trọng vào việc hoạch định chính sách phát triển y tế Việt Nam.

Nhân dịp Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, PV Báo Sức khỏe và Đời sống đã có cuộc trờ chuyện cùng PGS.TS. Kim Bảo Giang - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, nữ nhà khoa học có nhiều đóng góp cho ngành Y.

PGS.TS. Kim Bảo Giang - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội.

PGS.TS. Kim Bảo Giang - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội.

- Xin chào PGS.TS. Kim Bảo Giang, rất cảm ơn bà vì đã nhận lời phỏng vấn! Trước hết bà có thể chia sẻ những khó khăn khi là một phụ nữ làm trong nghề Y?

PGS.TS. Kim Bảo Giang: Trong tư tưởng Á đông, phụ nữ thường không được đánh giá cao như nam giới. Phụ nữ với những đặc trưng giới và giới tính riêng vẫn luôn cần dành thời gian cho nội trợ, chăm sóc gia đình nhiều hơn.

Vì vậy, cho dù chính sách của chúng ta có đề cập đến ưu tiên phụ nữ thì phụ nữ vẫn luôn thiệt thòi hơn trong sự nghiệp. Phụ nữ trong ngành Y, nhất là phụ nữ công tác tại các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh thì khó khăn sẽ là việc phải đối mặt với những vấn đề của con người cụ thể, là sự đa dạng và khác biệt giữa các cá thể người bệnh, là áp lực thời gian vừa phải dành cho chăm sóc người bệnh, dành cho phát triển chuyên môn và học tập suốt đời (bởi tiến bộ y học là hàng ngày, cần cập nhật kiến thức và rèn luyện kĩ năng thường xuyên), dành cho gia đình và bản thân.

Khó khăn trong nghề Y là việc phải luôn tỉnh táo, vững vàng để xử trí đúng và kịp thời những tình trạng bệnh hiểm nghèo, những hoàn cảnh khó khăn mà người ngoài ngành khó có thể bình tĩnh được. Ngoài ra, phụ nữ trong ngành Y còn có thiệt thòi là phần lớn thời gian phải ở trong bộ y phục, muốn điệu cũng ít cơ hội.

Mình làm việc trong lĩnh vực y học dự phòng và y tế công cộng thì không có những khó khăn đó, nhưng khó khăn lại là việc phải xa nhà thường xuyên, ngược xuôi ở thực địa, đi đến những vùng xa lạ, khó khăn, hiểm trở. Trong khi đó phụ nữ lại hạn chế hơn về thể lực, gia đình không muốn cho đi công tác xa vì có áp lực phải ở nhà chăm sóc gia đình. Bên cạnh đó, khó khăn của nghề nghiệp là để thay đổi được hệ thống và chính sách thì cần nỗ lực của nhiều người, nhiều ngành, mỗi cá nhân chỉ có thể đóng góp rất nhỏ, có khi cố gắng nhiều năm cũng chưa thấy được thành tựu.

Ví dụ như thực hiện các can thiệp làm thay đổi nhận thức của cộng đồng về tiêm chủng, hạn chế hút thuốc lá, uống rượu bia, tăng cường tập thể dục, tăng cường chế độ ăn hợp lý… mất rất nhiều thời gian; hay nghiên cứu để vận động ban hành các chính sách y tế có rất nhiều thách thức vì xung đột quan điểm, lợi ích giữa các ngành, các nhóm xã hội khác nhau, chỉ riêng y tế thì không giải quyết được.

PGS.TS. Kim Bảo Giang tại Hội nghị Báo cáo bằng chứng khoa học phục vụ lập kế hoạch chiến lược phòng chống sa sút trí tuệ.

PGS.TS. Kim Bảo Giang tại Hội nghị Báo cáo bằng chứng khoa học phục vụ lập kế hoạch chiến lược phòng chống sa sút trí tuệ.

- Là một nhà khoa học và lại là một nữ hiệu phó của Trường Đại học Y Hà Nội, có là thách thức với PGS.TS. Kim Bảo Giang?

PGS.TS. Kim Bảo Giang: Ở vị trí một trong các lãnh đạo một trường đại học lớn thì đương nhiên là rất thách thức, nhất là với nữ giới. Dù chỉ là người giúp việc cho Hiệu trưởng thì thách thức vẫn rất lớn bởi những đòi hỏi ngày càng cao để giữ gìn và phát triển vị thế của một trường đại học lâu đời nhất ở Đông Dương, với 122 năm lịch sử.

Với mục tiêu phát triển Trường Đại học Y Hà Nội thành Đại học hàng đầu châu Á, các lãnh đạo nhà trường phải quyết liệt đổi mới, sáng tạo, tập hợp được năng lực của giảng viên, cán bộ và nhân viên trong trường để quản trị hiệu quả và phát triển đào tao, nghiên cứu, phục vụ cộng đồng như sứ mệnh "tạo ra các sản phẩm đào tạo, khoa học công nghệ và dịch vụ y tế tinh hoa, xứng đáng với truyền thống lịch sử hơn một thế kỷ phụng sự dân tộc" của nhà trường.

Đâu đó trong các công việc, đôi khi mình vẫn cảm nhận thấy thái độ hoài nghi của một số đồng nghiệp về vai trò lãnh đạo của nữ giới. Nhưng rất may là mình luôn tự tin, luôn cầu thị và sẵn sàng học hỏi, luôn quyết tâm trong công việc và cũng may mắn được cấp trên và nhiều đồng nghiệp tin tưởng hỗ trợ.

- PGS.TS. Kim Bảo Giang có thể chia sẻ về những giá trị của các công trình nghiên cứu khoa học mà bà đã tiến hành trong nhiều năm qua?

PGS.TS. Kim Bảo Giang: Mình chỉ là một nhà khoa học nữ như nhiều nhà khoa học khác. Các đóng góp của mình chỉ rất nhỏ trong nỗ lực mênh mông, không ngừng nghỉ của các đồng nghiệp. Mình thấy tự hào vì đã luôn say mê, trung thực, cố gắng hết mình với các hoạt động nghiên cứu khoa học, đặc biệt quan tâm đến các nghiên cứu có thể cung cấp các bằng chứng cho quá trình vận động các chính sách y tế, có thể chuyển tải các thông điệp mới có ý nghĩa khoa học và thực tiễn.

Định hướng nghiên cứu của mình là về lối sống và hành vi sức khỏe, bệnh không lây nhiễm, hệ thống y tế. Mình đã tham gia rất tích cực trong nhóm nghiên cứu về phòng chống bệnh không lây nhiễm, các nghiên cứu về sử dụng thuốc lá, rượu bia, sức khỏe tâm thần, hệ thống quản lý bệnh không lây nhiễm. Các nghiên cứu này đều được công bố, trình bày tại các hội nghị, hội thảo và các diễn đàn vận động chính sách.

Gần 30 năm làm việc, mình vui mừng được góp phần một phần nhỏ bé vào quá trình vận động ban hành Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, Luật phòng chống tác hại rượu bia, chiến lược phòng chống bệnh không lây nhiễm, vận động chính sách tăng cường bao phủ y tế toàn dân.

PGS.TS. Kim Bảo Giang trình bày báo cáo khoa học tại Viện Karolinska. Stockholm, Thụy Điển.

PGS.TS. Kim Bảo Giang trình bày báo cáo khoa học tại Viện Karolinska. Stockholm, Thụy Điển.

- Bà truyền cảm hứng làm khoa học cho sinh viên bằng cách nào?

PGS.TS. Kim Bảo Giang: Thúc đẩy sinh viên nghiên cứu khoa học là sứ mệnh của giảng viên và rất may là mình thấy hứng thú với hoạt động này, mình khuyến khích sinh viên say mê nghiên cứu từ chính sự nhiệt tình của mình, bởi các bạn sẽ thấy trong bề bộn công việc mình vẫn dành thời gian cho các bạn ấy. Mình thường tập hợp các nhóm sinh viên, tập huấn nghiên cứu, dành thời gian chia sẻ với các em về nghề, về đời, về ý nghĩa, niềm vui, thách thức của nghiên cứu khoa học với đời sống, sự nghiệp.

Mình luôn tin rằng chỉ cần bắt đầu tham gia nghiên cứu, sinh viên sẽ thấy hứng thú vì với mỗi hoạt động nghiên cứu, sinh viên sẽ khám phá những điều thú vị mà nếu không làm thì không tưởng tượng ra được.

Nhiều vấn đề nghiên cứu có vẻ rất đơn giản nhưng sự thú vị lại ở những chi tiết trên con đường tìm câu trả lời cho các câu hỏi nghiên cứu. Mình vui khi thấy sinh viên trưởng thành qua các nghiên cứu, trưởng thành về chuyên môn, khoa học, về kĩ năng sống, khả năng gắn kết và hợp tác. Nhiều sinh viên nữ mình đã hướng dẫn, nhiều em đã phát triển rất nhanh, đăng tải bài báo trên tạp chí quốc tế uy tín, được nhận học bổng học sau đại học nước ngoài, làm việc trong các cơ quan tổ chức uy tín. Đấy là niềm tự hào và là động lực của người giảng viên như mình.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của PGS.TS. Kim Bảo Giang! Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, xin chúc PGS.TS. Kim Bảo Giang cùng gia đình luôn gặp nhiều may mắn, sức khỏe và thành công!

Thành tích của PGS.TS. Kim Bảo Giang đã nhận: 2 Bằng khen của Thủ tướng; 3 Bằng khen của Bộ Y tế; 1 Bằng khen của Bộ GD&ĐT cùng 2 lần là Chiến sĩ thi đua cấp Bộ và rất nhiều lần Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; Thầy thuốc ưu tú; Huân chương lao động hạng Ba.

Đỗ Vi (thực hiện)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tro-chuyen-voi-nu-giang-vien-tam-huyet-voi-nghien-cuu-khoa-hoc-gop-phan-phat-trien-chinh-sach-y-te-169241020085948038.htm
Zalo