Trợ cấp của cán bộ, công chức nghỉ việc khi tinh gọn bộ máy được tính như thế nào?

Nhằm đảm bảo quyền lợi của đối tượng cán bộ, công chức nghỉ việc sau khi thực hiện kế hoạch sắp xếp, tinh gọn bộ máy chính trị, Chính phủ luôn đặc biệt quan tâm việc xây dựng các chính sách hỗ trợ thích hợp…

Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 1/2025/TT-BNV hướng dẫn thực hiện chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 17/1/2025.

Theo đó, Thông tư số 1 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại Điều 1 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính các cấp của hệ thống chính trị.

Các quy định này bao gồm: Cách xác định thời điểm và tiền lương tháng để tính hưởng chính sách, chế độ; cách tính hưởng chính sách đối với người nghỉ hưu trước tuổi; cách tính hưởng chính sách thôi việc đối với cán bộ, công chức và cán bộ, công chức cấp xã; cách tính hưởng chính sách thôi việc đối với viên chức, người lao động và thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ, công chức, viên chức sau sắp xếp.

CHẾ ĐỘ CHO NGƯỜI NGHỈ VIỆC

Theo Thông tư, thời điểm quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền là thời điểm có hiệu lực của văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ban hành về sắp xếp tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính.

Trong thời hạn 12 tháng tính từ thời điểm quy định trên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được cơ quan có thẩm quyền quyết định cho nghỉ việc (nghỉ hưu trước tuổi hoặc nghỉ thôi việc), thì được tính hưởng chính sách, chế độ theo quy định của 12 tháng đầu tiên. Sau thời hạn quy định như trên, thì được tính hưởng chính sách, chế độ theo quy định của tháng thứ 13 trở đi.

Tiền lương tháng hiện hưởng để tính chính sách, chế độ khi nghỉ việc như sau:

Đối với người hưởng mức lương bằng tiền theo thỏa thuận ghi trong hợp đồng lao động, thì tiền lương tháng hiện hưởng là mức tiền lương tháng được ghi trong hợp đồng lao động.

Số tháng nghỉ sớm là số tháng tính từ thời điểm nghỉ hưu theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền so với tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục I hoặc Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 135/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tuổi nghỉ hưu.

Số năm nghỉ sớm là số năm tính từ thời điểm nghỉ hưu theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền so với tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục I hoặc Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 135/2020/NĐ-CP được tính theo quy định tại khoản 4 Điều 5 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP.

Thời gian để tính trợ cấp theo số năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP.

CHẾ ĐỘ CHO NGƯỜI NGHỈ HƯU TRƯỚC TUỔI

Với người nghỉ hưu trước tuổi mà tuổi đời còn từ đủ 2 năm đến đủ 5 năm đến tuổi nghỉ hưu sẽ được hưởng ba khoản trợ cấp. Khoản một là trợ cấp hưu trí một lần cho số tháng nghỉ sớm. Người nghỉ hưu trong thời hạn 12 tháng đầu tiên hoặc còn dưới hai năm đến tuổi nghỉ hưu sẽ được nhận theo công thức: Mức trợ cấp hưu trí một lần = Tiền lương tháng hiện hưởng x 1 x Số tháng nghỉ sớm

Người nghỉ hưu từ tháng thứ 13 sẽ nhận: Mức trợ cấp hưu trí một lần = Tiền lương tháng hiện hưởng x 0,5 x Số tháng nghỉ sớm

Khoản hai là trợ cấp cho số năm nghỉ hưu sớm, cứ mỗi năm nghỉ sớm (đủ 12 tháng) sẽ được hưởng 5 tháng tiền lương: Mức trợ cấp hưu trí một lần = Tiền lương tháng hiện hưởng x 5 x Số tháng nghỉ sớm

Khoản ba là trợ cấp theo thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội. Người có 20 năm đầu công tác có đóng bảo hiểm xã hội được cấp 5 tháng tiền lương hiện hưởng; từ năm 21 trở đi, mỗi năm được trợ cấp 0,5 tháng tiền lương hiện hưởng:

Mức trợ cấp tính theo thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội = Tiền lương tháng hiện hưởng x 5 + 0,5 x Số năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội từ năm thứ 21

Đối với trường hợp có tuổi đời còn trên 5 năm đến đủ 10 năm đến tuổi nghỉ hưu, cũng được hưởng 3 khoản trợ cấp sau: Trợ cấp hưu trí một lần cho số tháng nghỉ sớm.

Trợ cấp cho số năm nghỉ sớm: Cứ mỗi năm nghỉ sớm (đủ 12 tháng) được hưởng 4 tháng tiền lương hiện hưởng. Trợ cấp theo thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc: Đối với 20 năm đầu công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được trợ cấp 5 tháng tiền lương hiện hưởng; đối với số năm còn lại (từ năm thứ 21 trở đi), mỗi năm được trợ cấp bằng 0,5 tháng tiền lương hiện hưởng.

Trường hợp có tuổi đời còn dưới 2 năm đến tuổi nghỉ hưu, thì được hưởng trợ cấp hưu trí một lần cho số tháng nghỉ sớm.

Thông tư cũng quy định, viên chức và người lao động được cơ quan có thẩm quyền cho nghỉ thôi việc, thì được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội, hoặc hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Đồng thời, họ được hưởng 3 chính sách gồm: Trợ cấp thôi việc; trợ cấp 1,5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; được hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng dẫn tại Thông tư số 28/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện Điều 52 Luật Việc làm và một số điều của Nghị định số 28/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp.

Ngoài ra, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức thực hiện rà soát, đánh giá thực trạng và xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng theo vị trí việc làm sau sắp xếp đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý.

Trên cơ sở đó, lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức năm 2025 và giai đoạn 2026 - 2030, trong đó tập trung trong năm 2025 để đảm bảo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức sau sắp xếp cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ theo vị trí việc làm.

Bảo An

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/tro-cap-cua-can-bo-cong-chuc-nghi-viec-khi-tinh-gon-bo-may-duoc-tinh-nhu-the-nao-post557297.html
Zalo