Trịnh Văn Quyết: Từ cử nhân Luật học nỗ lực đến đế chế nghìn tỷ sụp đổ
Tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội hệ chính quy năm 1999, ông Trịnh Văn Quyết đã bén duyên với nghề luật sư khi cùng các cộng sự thành lập văn phòng luật SMiC vào năm 2001. Bước ngoặt đến vào đầu năm 2010, khi ông Quyết quyết định hợp nhất các doanh nghiệp của mình, tạo nên thương hiệu FLC.
Trịnh Văn Quyết mê kinh doanh từ khi còn là sinh viên luật
Ngay từ khi còn là sinh viên năm hai tại Đại học Luật Hà Nội, ông Trịnh Văn Quyết đã thể hiện bản lĩnh kinh doanh khi mở một trong những văn phòng gia sư đầu tiên ở Hà Nội. Không dừng lại ở đó, ông còn thử sức với lĩnh vực kinh doanh điện thoại, biến những công việc này thành nguồn thu nhập ổn định, vừa giúp ông trang trải học phí, vừa tích lũy vốn liếng cho những dự định lớn hơn. Chính tinh thần dám nghĩ dám làm ấy đã giúp ông Quyết tự tin thành lập văn phòng luật sư SMiC ngay sau khi tốt nghiệp, đánh dấu bước khởi đầu cho một hành trình đầy triển vọng.
Con đường trở thành "doanh nhân nghìn tỷ" Trịnh Văn Quyết
Sau khi tốt nghiệp Cử nhân Luật, Trịnh Văn Quyết lấy bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh. Trong thời gian đảm nhiệm vai trò luật sư tư vấn luật và quản lý đầu tư tại SMiC, ông Quyết cùng các cộng sự đã tích lũy được lượng kiến thức, kinh nghiệm quý báu về cơ chế, chính sách, môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, đồng thời am hiểu cách thức đầu tư của các tập đoàn kinh tế nước ngoài.
Năm 2010, Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) ra đời, với những tham vọng mới trong lĩnh vực bất động sản, ông Quyết đã đưa FLC vươn xa với quy mô và tốc độ phát triển cũng "chóng mặt".
Dự án FLC Landmark, được ông Trịnh Văn Quyết tự hào là "đánh dấu sự đi lên của tập đoàn FLC", tọa lạc trên khu đất rộng 4.500m2 tại đường Lê Đức Thọ (Mỹ Đình II, Hà Nội). Năm 2008, khu đất này chỉ là vùng đất trũng, đầy cỏ dại. Bằng tất cả vốn liếng tích lũy từ kinh doanh dịch vụ tư vấn pháp lý và một phần vay mượn, ông Quyết đã quyết tâm đầu tư vào dự án này với số tiền lên đến vài chục tỷ đồng.
Chỉ trong vòng hơn một thập kỷ, khởi đầu với dự án nhà ở thương mại, Tập đoàn FLC đã nhanh chóng ghi dấu ấn với hàng loạt dự án nghỉ dưỡng đẳng cấp trải dài từ Bắc chí Nam, như FLC Sầm Sơn, FLC Hạ Long, FLC Quy Nhơn,…Trịnh Văn Quyết thể hiện mình là một doanh nhân với phong cách kinh doanh khác biệt và khá mạo hiểm.
Các dự án được FLC lựa chọn hầu hết đều không phải là những "khu đất vàng" mà là những nơi có khí hậu khắc nghiệt, kinh tế chưa quá phát triển, địa hình phức tạp hoặc hiểm trở. Với chiến lược "biến sỏi đá thành vàng", Trịnh Văn Quyết đã cho ra đời hàng loạt khu nghỉ dưỡng trong thời gian xây dựng thần tốc.
Người giàu top 3 thị trường chứng khoán Việt Nam và những "bê bối"
Tham gia thị trường bất động sản mới 7 năm (từ khi FLC thành lập năm 2010), hai công ty do ông Trịnh Văn Quyết sở hữu - Công ty cổ phần Tập đoàn FLC và Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros - đã niêm yết thành công và trở thành những mã chứng khoán "hot" nhất thị trường Việt Nam. FLC và ROS, hai mã chứng khoán thuộc hai công ty này, liên tục tăng trần trong thời gian gần đây, gây bất ngờ cho cả thị trường.
Năm 2018, Cổ phiếu ROS là một 'hiện tượng' của chứng khoán Việt Nam với một chuỗi dài các phiên tăng điểm. Năm 2019, ông Trịnh Văn Quyết vượt mặt nhiều cựu tỷ phú USD khác và xếp thứ 3 người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam với khối tài sản ước tính tại thời điểm đó khoảng 20,5 ngàn tỷ đồng (880 triệu USD).
Vi phạm giao dịch cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết
Từ ngày 20/10 đến 24/10/2017, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (mã CK: FLC), đã bán ra 57 triệu cổ phiếu mà không báo cáo thông tin giao dịch với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh. Giao dịch được thực hiện khi cổ phiếu FLC ở mức 7.100 - 7.700 đồng/cổ phiếu, với giá trị ước tính hơn 400 tỷ đồng.
Ngay sau đó, giá cổ phiếu FLC giảm xuống mức 6.500 đồng/cổ phiếu, mất gần 10% giá trị.
Ngày 10/11/2017, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành Quyết định số 1039/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với ông Trịnh Văn Quyết. Ông Quyết bị phạt 65.000.000 đồng.
Đồng thời, Ủy ban cũng ra quyết định xử phạt Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros (mã CK: ROS), cũng do ông Trịnh Văn Quyết làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, với số tiền 130 triệu đồng cho hành vi tương tự.
Giao dịch 175 triệu cổ phiếu "chui"
Ngày 10/1/2022, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC bất ngờ đăng ký bán 175 triệu cổ phiếu FLC, tương đương 19% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của công ty. Giao dịch dự kiến diễn ra từ ngày 10 đến 17/1, với mục đích cơ cấu tài sản và phương thức giao dịch thỏa thuận hoặc khớp lệnh.
Lượng cổ phiếu dự kiến bán ra trị giá 1.750 tỷ đồng theo mệnh giá, đồng thời chiếm gần 10% thanh khoản sàn HoSE trong ngày 10/1.
Tuy nhiên, ngay trong ngày 11/1, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã ra thông báo hủy bỏ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC vào ngày 10/1 theo chỉ đạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC). Nguyên nhân là do ông Trịnh Văn Quyết không báo cáo và công bố thông tin trước khi giao dịch.
Cùng ngày, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam phong tỏa các tài khoản chứng khoán đứng tên ông Trịnh Văn Quyết và yêu cầu các công ty chứng khoán dừng mọi giao dịch trên các tài khoản của ông. Quyết định này dựa trên quy định tại Nghị định 155/2020, nhằm ngăn chặn ông Quyết tiếp tục vi phạm khi cần xác minh tình tiết để xử phạt.
Kết quả, ngày 18/1, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) xử phạt ông Trịnh Văn Quyết 1,5 tỷ đồng và đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán của ông trong vòng 5 tháng.
Từ luật sư, doanh nhân nghìn tỷ trở thành tội phạm
Ông Trịnh Văn Quyết, từng là thành viên Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội với tư cách đại diện cho nhóm cựu sinh viên và doanh nhân có tên tuổi, đã chính thức bị loại khỏi danh sách này sau khi bị khởi tố, bắt tạm giam về tội Thao túng thị trường chứng khoán.
Quyết định loại bỏ ông Quyết được Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh ký vào ngày 12/4, dựa trên đề nghị của Hội đồng. Trước đó, ông Quyết đã bị tạm đình chỉ hành nghề luật sư vào ngày 17/1/2023.
Sự việc này một lần nữa khẳng định tính nghiêm minh của pháp luật, không phân biệt đối tượng. Nó cũng là lời nhắc nhở cho những người có ảnh hưởng trong xã hội về việc tuân thủ pháp luật và giữ gìn đạo đức nghề nghiệp.
Vụ án liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, bắt đầu từ ngày 29/03/2022 khi ông bị khởi tố, bắt tạm giam về tội "thao túng thị trường chứng khoán".
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) xác định ông Quyết đã vi phạm Điều 211 Bộ luật Hình sự về tội Thao túng thị trường chứng khoán.
Ngày 04/04/2022, em gái ông Quyết là Trịnh Thị Minh Huế, cán bộ Ban Kế toán Tập đoàn FLC, cũng bị bắt tạm giam với vai trò đồng phạm "giúp sức" ông Quyết thực hiện hành vi "thao túng thị trường chứng khoán".
Ngày 05/04/2022, một em gái ruột khác là Trịnh Thị Thúy Nga cũng bị bắt giữ với cáo buộc tương tự.
Vụ án được đưa ra xét xử tại Tòa án nhân dân TP Hà Nội từ ngày 22/7 với tổng cộng 50 bị can, bao gồm ông Trịnh Văn Quyết và 49 người khác.