Trình Quốc hội cơ chế đặc thù các dự án đường sắt trước ngày 5/5

Thủ tướng Phạm Minh Chính giao các cơ quan khẩn trương hoàn thiện nghị quyết thống nhất các cơ chế đặc thù cho tất cả dự án đường sắt, trình Chính phủ trong tháng 4 để trình Quốc hội trước ngày 5/5.

Không thay đổi thời hạn khởi công 2 dự án lớn

Sáng 26/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt - chủ trì phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo.

Tại phiên họp lần thứ nhất, Thủ tướng Chính phủ đã giao 24 nhiệm vụ cho các bộ, ngành và địa phương tập trung vào tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Nhật Bắc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Nhật Bắc.

Theo các báo cáo, ý kiến tại phiên họp, trong 19 nhiệm vụ theo tiến độ, có 12 nhiệm vụ chưa đến hạn, đã hoàn thành 6 nhiệm vụ, còn 1 nhiệm vụ chậm; cùng với 5 nhiệm vụ thường xuyên. Trong đó, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết triển khai Nghị quyết số 172 của Quốc hội và được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 106 ngày 23/4/2025; đã trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết triển khai Nghị quyết số 187 của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ đang lấy ý kiến của các thành viên Chính phủ.

Bộ Tài chính đã hoàn thiện thủ tục, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt đề xuất dự án Tuyến số 3, đoạn ga Hà Nội - Yên Sở (Hoàng Mai) theo đề nghị của UBND thành phố Hà Nội; đã có ý kiến về việc dừng sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài đối với dự án đường sắt đô thị TPHCM, Tuyến số 2 đoạn Bến Thành - Tham Lương và điều chỉnh nguồn vốn cho dự án…

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị cần "thần tốc, thần tốc hơn nữa”, triển khai công việc nhanh, quyết liệt, quyết đoán, tạo động lực, truyền cảm hứng làm việc.

Về nhiệm vụ tổng thể, Thủ tướng yêu cầu, tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ các dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, các tuyến đường sắt tại Hà Nội và TPHCM.

Thủ tướng nêu rõ mục tiêu không thay đổi là phải khởi công dự án Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trong năm 2025 và khởi công tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trong năm 2026.

Làm chủ công nghệ hiện đại

Đối với nguồn vốn, Thủ tướng yêu cầu huy động đa dạng các nguồn lực, gồm vốn tự có của Trung ương, địa phương, vốn vay, phát hành trái phiếu của Chính phủ và doanh nghiệp, hợp tác công tư…

 Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn thiện Nghị quyết thống nhất các cơ chế đặc thù cho tất cả dự án đường sắt. Ảnh: Nhật Bắc.

Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn thiện Nghị quyết thống nhất các cơ chế đặc thù cho tất cả dự án đường sắt. Ảnh: Nhật Bắc.

Về pháp lý, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp khẩn trương hoàn thiện Nghị quyết thống nhất các cơ chế đặc thù cho tất cả dự án đường sắt, trình Chính phủ trong tháng 4 và trình Quốc hội trước ngày 5/5.

Về phát triển công nghiệp đường sắt, Thủ tướng nêu rõ, phải chuyển giao và làm chủ công nghệ hiện đại; quản trị khoa học, thông minh; đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Thủ tướng giao Bộ Xây dựng, Bộ Giáo dục và Đào tạo có đề án, kế hoạch đào tạo ngắn hạn, trung hạn, dài hạn ở các trình độ công nhân kỹ thuật, kỹ sư, tiến sĩ. Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng quyết định của Thủ tướng Chính phủ về danh mục dịch vụ hàng hóa công nghiệp đường sắt, hoàn thành chậm nhất trong nửa đầu tháng 6.

Đối với dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, các cơ quan tiếp tục trao đổi, làm việc, thúc đẩy phía Trung Quốc để sớm hoàn thành công tác đàm phán hiệp định vay, đáp ứng tiến độ triển khai dự án.

Với các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP HCM, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần phân cấp, yêu cầu các địa phương vận dụng các cơ chế, chính sách đặc thù đã có trong tổ chức thực hiện, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường hướng dẫn thêm nếu có vướng mắc.

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/trinh-quoc-hoi-co-che-dac-thu-cac-du-an-duong-sat-truoc-ngay-55-post1737369.tpo
Zalo