Trình độ tiếng Anh của người Việt bị rớt hạng, thông tin này nói lên điều gì?

Xu hướng thành thạo tiếng Anh của người Việt giảm 5 bậc so với các nước trên thế giới, tụt xuống trong nhóm có mức độ thông thạo thấp.

Ngày 13/11, Tổ chức giáo dục Education First Việt Nam (EF Việt Nam) công bố Chỉ số thông thạo tiếng Anh toàn cầu năm 2024 (English Proficiency Index - EPI).

Chỉ số EPI năm 2024 được phân tích từ kết quả kiểm tra của 2,1 triệu người không phải người bản ngữ nói tiếng Anh từ 18 tuổi trở lên tại 116 quốc gia và khu vực.

Dựa trên kết quả chỉ số EPI, các quốc gia sẽ được chia thành các nhóm thành thạo tiếng Anh: Rất cao (trên 600 điểm), cao (550 - 599 điểm), trung bình (500 - 549 điểm), thấp (450 - 499 điểm), rất thấp (dưới 450 điểm).

Bảng xếp hạng EPI năm 2024.

Bảng xếp hạng EPI năm 2024.

Chỉ số thành thạo tiếng Anh của Việt Nam năm 2024 đạt 498 điểm, xếp thứ 63 trên tổng số 116 quốc gia và vùng lãnh thổ, nằm trong nhóm có mức độ thông thạo “thấp”.

Trong khu vực châu Á, Việt Nam đứng thứ 8, lần lượt sau Singapore (609 điểm), Philippines (570 điểm), Malaysia (566 điểm), Hong Kong - Trung Quốc (549 điểm), Hàn Quốc (523 điểm), Nepal (512 điểm) và Bangladesh (500 điểm).

So với 2023, xu hướng thành thạo tiếng Anh của người Việt đã giảm 5 bậc. Trước đó, vào năm 2022, Việt Nam đạt 502/800 điểm, xếp hạng 60 thế giới, tăng 5 bậc so với năm 2021, được xếp vào nhóm Trung bình.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng tình trạng trình độ tiếng Anh trên toàn thế giới đang giảm sút, trong đó nam giới vẫn thành thạo hơn phụ nữ và người trẻ ở độ tuổi lao động thì thành thạo hơn cả sinh viên và người lớn trên 40 tuổi.

Ông Mark Do, Giám đốc EF Education First tại Việt Nam, cho biết, năm nay là năm thứ tư liên tiếp trình độ tiếng Anh toàn cầu giảm, với 60% các quốc gia trong bảng xếp hạng có điểm số thấp hơn so với năm ngoái. Tuy nhiên, một điểm sáng là nhóm tuổi 18 - 20 đã chững lại đà suy giảm kéo dài, tăng 5 điểm so với năm 2023 sau khi đã giảm 89 điểm từ năm 2015. Dù vậy, vẫn còn quá sớm để dự đoán liệu xu hướng hồi phục có thể tiếp diễn.

Nghiên cứu chỉ ra, trong khi trình độ tiếng Anh của phụ nữ giữ ổn định thì của nam giới lại giảm. Tuy nhiên, vẫn có 40 quốc gia mà trình độ tiếng Anh của nam giới vượt trội hơn phụ nữ đáng kể (hơn 20 điểm).

Trên toàn cầu, chênh lệch giới tính lớn nhất ở nhóm tuổi trẻ (14 điểm) và thu hẹp dần với nhóm trên 40 tuổi (còn 3 điểm).

Hoàng Vũ

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/trinh-do-tieng-anh-cua-nguoi-viet-bi-rot-hang-thong-tin-nay-noi-len-dieu-gi-post1691125.tpo
Zalo