Triệu tập nhiều cán bộ từng làm hồ sơ bồi thường dự án sân bay Long Thành
Sau khi Chủ tịch UBND huyện Long Thành bị bắt, công an tiếp tục điều tra mở rộng và triệu tập nhiều cán bộ từng làm hồ sơ bồi thường dự án sân bay Long Thành.
Ngày 17/2, liên quan đến sai phạm tại dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư sân bay Long Thành, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã triệu tập nhiều cán bộ liên quan để phục vụ mở rộng điều tra vụ án.

Một góc khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn phục vụ tái định cư cho sân bay Long Thành.
Theo đó, Công an tỉnh Đồng Nai đã triệu tập một số lãnh đạo UBND xã Bình Sơn, công chức, viên chức thuộc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Long Thành từng tham gia Hội đồng bồi thường cho những hộ dân bị thu hồi đất tại dự án sân bay Long Thành.
Các cán bộ, công chức, viên chức này được triệu tập để làm rõ việc có hay không những hành vi trục lợi khi thẩm định hồ sơ, chi tiền đền bù, hỗ trợ và duyệt các suất tái định cư.
Như tin đã đưa, trước đó vào ngày 10/2, Công an tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Lê Văn Tiếp, Chủ tịch UBND huyện Long Thành (Đồng Nai) để điều tra về hành vi vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Sau khi bắt tạm giam ông Tiếp, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai tiếp tục mở rộng điều tra, triệu tập nhiều cán bộ tham gia làm công tác đền bù, hỗ trợ, tái định cư.
Trước đó, vào tháng 11/2023, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với bị can Phạm Viết Mạnh (ngụ phường Tam Phước, thành phố Biên Hòa) là cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Long Thành để điều tra về hành vi nhận hối lộ và 2 bị can: Nguyễn Tấn Biên (ngụ xã Long An, huyện Long Thành) là cán bộ địa chính - xây dựng xã Lộc An (huyện Long Thành) và Trần Ngọc Hân (ngụ xã Bình Sơn, huyện Long Thành) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Sau đó, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh mở rộng điều tra và khởi tố thêm các bị can: Vũ Đức Công (công chức địa chính xã Bình Sơn), Nguyễn Thanh Văn (Trưởng ấp Suối Trầu 3, xã Bình Sơn), Nguyễn Thị Ngọc Hân (ngụ huyện Long Thành), Nguyễn Hải Lăng (tạm trú xã Bình Sơn, ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Với hành vi nhận hối lộ của Phạm Viết Mạnh, Công an tỉnh đã tách thành vụ án riêng. Cuối năm 2024, vụ án này đã kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ ủy quyền cho Viện kiểm sát nhân dân huyện Long Thành truy tố về tội nhận hối lộ. Vụ việc sau đó được Tòa án nhân dân huyện Long Thành đưa ra xét xử và tuyên phạt Phạm Viết Mạnh 2 năm tù.
Cũng liên quan đến vụ việc này, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã có thư kêu gọi các cán bộ, viên chức và nhân dân cung cấp thông tin liên quan dẫn sai phạm trong bồi thường, hỗ trợ tái định cư
Nội dung thư kêu gọi nêu rõ để phục vụ cho công tác điều tra, đấu tranh xử lý đối với sai phạm liên quan, đảm bảo tuân thủ chính sách pháp luật, thu hồi ngân sách nhà nước bị thiệt hại, Cơ quan Cảnh sát điều tra kêu gọi các cán bộ, viên chức và nhân dân cung cấp thông tin liên quan dẫn sai phạm trong bồi thường; đồng thời kêu gọi các cá nhân có sai phạm trong việc tổ chức chi trả và nhận bồi thường hỗ trợ tái định cư không đúng chính sách tự giác trình báo và khắc phục hậu quả, giao nộp lại tài sản đã nhận trái quy định để được hưởng chính sách khoan hồng.
Trường hợp không chủ động trình báo, giao nộp, khi cơ quan điều tra phát hiện, sẽ vẫn bị thu hồi tài sản và còn bị xử lý trách nhiệm hình sự về hành vi khai khống, gian dối để trục lợi, chiếm đoạt tài sản nhà nước theo đúng quy định pháp luật.