Triệu like cho cú quay xe của 'Sư tử ăn chay' khiến 'vạn mèo Kitty' ngã ngửa
Từ cú check kẹo gây bão TikTok đến màn xin lỗi 'nghìn like', cú quay xe của Sư tử ăn chay không chỉ dậy sóng MXH mà còn đặt lại bài toán trách nhiệm xã hội.
Khi một chiếc kẹo khiến thị trường rung rinh
Đáng ngạc nhiên thay, giữa vô vàn content “giải trí 10 giây” trên TikTok, một chiếc video “kiểm định kẹo rau củ Kera” lại trở thành cơn địa chấn truyền thông, kéo hàng triệu mắt nhìn về phía một người trẻ có tên Quách Thanh Lâm – biệt danh “Sư tử ăn chay”.
Chỉ bằng một hành động tưởng chừng đơn giản, anh tự mua sản phẩm đang hot, đưa đi kiểm nghiệm và chia sẻ kết quả. Anh đã chạm đúng vào điểm yếu của một thị trường vốn “nhiều mây mù” về thực phẩm chức năng online. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, theo lời Lâm, sản phẩm không đạt chỉ số chất xơ như quảng cáo.
Sự việc nhanh chóng leo top trend. Mạng xã hội dậy sóng. Khen – chê – công kích đan xen. “Sư tử” vừa thành “anh hùng bàn phím”, vừa là tâm điểm của tranh cãi.
Cú quay xe khiến “vạn mèo Kitty” bất ngờ
Nhưng câu chuyện chưa dừng lại ở đó. Sau vài ngày viral, Quách Thanh Lâm bất ngờ đăng clip xin lỗi cộng đồng. Không quanh co, không đổ lỗi – anh nhìn thẳng vào sự thật và thừa nhận: “Tôi không đủ chuyên môn kiểm định. Tôi đã quá vội vàng. Tôi xin lỗi nếu khiến ai đó hiểu sai. Đừng làm theo tôi nếu chưa hiểu rõ luật.”
Cú “quay xe” khiến vạn mèo Kitty – fan cứng, người ủng hộ, cả người ghét – ngã ngửa. Bởi ở mạng xã hội, rất ít người sẵn sàng nhận sai. Thông thường khi sai thì xóa clip, khóa tài khoản, rồi… im lặng.
Nhưng ở đây, một TikToker Gen Z đã làm điều ngược lại, chọn trách nhiệm thay vì im lặng. Một hành động vừa đáng nể, vừa là cú tát tỉnh thức cho nhiều “creator” đang chơi với lửa trên nền tảng số.
Dũng cảm khi dám nhận sai
Có người hỏi

Tiktoker Quách Thanh Lâm (Ảnh chụp màn hình)
“Thế rồi làm thế để làm gì?”. Làm gì ư? Để giữ được một điều mà mạng xã hội đang thiếu trầm trọng 'niềm tin'.
Trong thời đại ai cũng có thể phát ngôn – khi một TikToker với gần 700K follower dám sửa sai công khai, đó không chỉ là chuyện cá nhân. Đó là lời nhắc nhở tập thể 'tự do ngôn luận' không phải giấy phép để tùy tiện đưa thông tin sai lệch.
Quách Thanh Lâm không phải chuyên gia. Anh chỉ là một người trẻ dám đặt câu hỏi, dám làm, và rồi dám nhận sai. Đó là điều rất ít người dám làm, ngay cả trong giới chuyên môn.
Bài học truyền thông: Khi TikTok đi trước báo chí?
Thật nghịch lý, nhưng rất đúng, một TikToker đi kiểm định sản phẩm trước cả cơ quan chức năng. Anh không đại diện tổ chức, không có thẩm quyền pháp lý nhưng chính vì thế, anh đại diện cho một lớp người "người tiêu dùng muốn biết sự thật".
Báo chí truyền thống, nhiều khi còn bận rào cản pháp lý, quy trình kiểm duyệt thì TikTok đã lên sóng trước. Vậy câu hỏi cho chúng ta – những người làm báo – học gì từ cú đi trước của một TikToker?
Phải chăng đã đến lúc cần một “phòng kiểm chứng” cộng đồng, nơi những người trẻ được huấn luyện kỹ năng kiểm định, phối hợp cùng báo chí và cơ quan chức năng để lên tiếng đúng cách, đúng chuẩn, đúng luật.
Không “tấu hài” – Gen Z bắt đầu “vào việc”
Có thể với nhiều người, TikTok vẫn là thế giới “múa quạt – trend nhảm – filter mèo Kitty”. Nhưng cú viral của “Sư tử ăn chay” đang chứng minh "Gen Z" đang thực sự vào cuộc.
Họ phản biện. Họ nghi ngờ. Họ hành động. Và khi nhận ra sai sót – họ biết xin lỗi. Một thế hệ như thế, xứng đáng được khích lệ hơn là mỉa mai.
Bởi vì mạng xã hội sẽ không thay đổi nếu chúng ta chỉ đứng nhìn. Nó sẽ chỉ thực sự tốt lên khi có những người trẻ biết bước ra khỏi “cú pháp content an toàn”, để chạm vào những vấn đề thật.
Thông thường ai chơi mạng xã hội cũng đều mong muốn nhiều người biết đến mình. Thế nhưng biết sửa mình không phải ai cũng làm được, kể cả những người nổi tiếng.
Có một sự thật rõ ràng rằng: Không phải ai đi kiểm định cũng đúng. Và không phải xin lỗi là thua. Đôi khi quay xe đúng lúc còn là thắng lợi lớn nhất của một người có lương tri.
Quách Thanh Lâm – TikToker “ăn chay, review sạch” là một minh chứng về sự dũng cảm, về đạo đức của con người. Việc làm của anh đã để lại một bài học sâu sắc cho tất cả những người làm nội dung trên nền tảng số: “Không chỉ cần viral, mà phải có đạo đức.”
Và nếu cú “quay xe” của anh nhận được triệu like, thì không phải vì anh “diễn hay”, mà vì xã hội này đang khao khát những người dám bước tới, rồi dám quay đầu khi nhận ra lạc lối.