Triệt túi ni-lông: Quan trọng là nhận thức!

Hà Nội phấn đấu hết năm 2024, 60%-70% các chợ truyền thống và 100% các siêu thị, trung tâm thương mại không sử dụng túi ni-lông

Hơn 2 năm nay, bà Nguyễn Thị Sinh, ngụ quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) trước khi đi chợ, siêu thị thường đem theo túi vải riêng để đựng đồ. "Như vậy, tôi không phải xài túi ni-lông khi đi mua sắm. Một việc làm nhỏ nhưng góp phần bảo vệ môi trường lớn" - bà Sinh cho hay.

Thói quen không dễ bỏ

Tuy vậy, thực tế không phải ai cũng có thói quen đem theo túi riêng như bà Nguyễn Thị Sinh. Ghi nhận tại nhiều chợ dân sinh, siêu thị cho thấy tình trạng sử dụng túi ni-lông mua sắm đang diễn ra phổ biến. Từ rau củ quả tới thực phẩm hay đồ khô đều được đựng trong túi ni-lông.

Chị Hạnh - tiểu thương bán rau tại chợ Ngọc Hà, quận Ba Đình - cho biết mỗi ngày chị sử dụng hơn 500 gram túi ni-lông để đựng hàng cho khách. Chị nói: "Không sử dụng túi ni-lông không được vì khách hàng nào cũng đòi, nhiều khi chỉ mua 1 bó rau thơm hay 1 quả chanh, vài quả ớt, khách cũng đòi hỏi túi ni-lông đựng. Trong khi đó, giá túi ni-lông chỉ hơn 10.000 đồng/kg nên tôi thường mua để phục vụ khách hàng miễn phí".

Trong khi đó, khảo sát của Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tại 48 siêu thị trên địa bàn Hà Nội, trung bình số lượng túi ni-lông dùng 1 lần là 104.000 túi mỗi ngày, tương đương 38 triệu túi mỗi năm. Kết quả khảo sát 33% siêu thị tại Hà Nội không đồng ý không cung cấp túi ni-lông miễn phí cho khách hàng vì cho rằng không có giải pháp thay thế sự tiện lợi. 67% siêu thị còn lại sẵn sàng nhưng mong muốn các siêu thị khác phải thực hiện hành động này vì vấn đề cạnh tranh. Nhiều siêu thị cho hay nếu ngừng không cung cấp túi ni-lông nữa người tiêu dùng sẽ phản ánh chất lượng phục vụ kém, thậm chí mất khách hàng.

Doanh nghiệp bán lẻ cần quyết tâm nói không với túi ni-lông

Doanh nghiệp bán lẻ cần quyết tâm nói không với túi ni-lông

Trước thực trạng này, tại Kế hoạch số 263/KH-UBND về thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2024, Hà Nội đặt mục tiêu 60%-70% các chợ truyền thống; 100% các siêu thị, trung tâm thương mại không sử dụng túi ni-lông khó phân hủy; chuyển đổi sử dụng các sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường thay thế dần các sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần, khó phân hủy. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này không phải là chuyện dễ dàng, trong đó cần nhất sự nhận thức của người tiêu dùng và chủ thể bán hàng.

Chia sẻ về kinh nghiệm không dùng túi ni-lông, ông Nguyễn Anh Phương, Trưởng Phòng Điều hành khu vực miền Bắc - Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam, cho biết từ năm 2019, toàn bộ hệ thống siêu thị thực hiện dừng sử dụng phát túi ni-lông. Nhiều khách hàng sau đó đã phản ứng, nói không đạt chất lượng dịch vụ khiến mua sắm khó khăn. "Tuy nhiên, với việc kiên trì mục tiêu, chúng tôi tăng cường truyền thông và giải thích. Đến nay, 100% khách hàng đồng hành cùng siêu thị trong việc giảm sử dụng túi ni-lông bảo vệ môi trường" - ông Phương cho hay.

Những cách làm hay

Dù tình trạng sử dụng túi ni-lông vẫn còn phổ biến, song các siêu thị cam kết sẽ từng bước "nói không" với túi ni-lông. Theo ông Chalermchai Pornsirippoyakool, Phó Chủ tịch Đối ngoại quốc tế và trách nhiệm xã hội Tập đoàn Central Retail Việt Nam, với vai trò là thành viên của Liên minh các nhà bán lẻ giảm tiêu thụ túi ni-lông, doanh nghiệp luôn sẵn sàng chung tay với các đối tác và các bên liên quan có cùng mục tiêu và nỗ lực góp phần tuyên truyền nâng cao nhận thức về giảm sử dụng túi ni-lông cho toàn xã hội, thay đổi hành vi mua sắm theo hướng tích cực, trong đó có Chính phủ Việt Nam, Bộ Tài nguyên - Môi trường và các nhà cung cấp.

Hiện, Central Retail bán túi Lohas không lợi nhuận (loại túi chứa hàng hóa sử dụng nhiều lần) với giá 8.900 đồng/túi lớn, 5.900 đồng/túi nhỏ và khuyến khích khách hàng mang túi này đi mua sắm. "Các siêu thị GO! BigC đã không còn kinh doanh ống hút nhựa; đồng thời triển khai thí điểm sử dụng túi ni-lông phân hủy sinh học làm từ bột ngô và khoai tây" - thông tin từ Cetral Retail cho hay.

Với siêu thị AEON Việt Nam, bà Nguyễn Bằng Lăng, phụ trách Bộ phận Phát triển Bền vững, cho biết khách hàng có thuê túi môi trường tại siêu thị.

Một trong những mô hình phải kể tới là Hội LHPN phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng đã lên kế hoạch phát động chi hội mua giấy từ nguồn xã hội hóa sau đó gấp thành túi giấy phát cho tiểu thương sử dụng. Đến nay, hàng trăm cán bộ tham gia hưởng ứng.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Dung, Chủ tịch Hội LHPN phường Quỳnh Lôi, việc tặng túi giấy cho cán bộ hội viên kinh doanh có tác động lan tỏa về hành động nói không với túi ni-lông tới các chị em phụ nữ trên địa bàn. Điều này góp phần quan trọng trong thay đổi nhận thức của người dân, vì một Hà Nội xanh và đẹp.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Trưởng Ban Tuyên giáo - Hội LHPN Việt Nam, nhấn mạnh để nói không với túi ni-lông cần sự chung tay của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Hiện đang có sự "lệch pha" giữa tâm lý người bán hàng và người tiêu dùng. Do vậy, việc đẩy mạnh tuyên truyền để thay đổi nhận thức có ý nghĩa rất quan trọng.

Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi hộ gia đình Việt Nam thường sử dụng 5-7 túi ni-lông/ngày. Như vậy, hàng triệu túi ni-lông được sử dụng và thải ra môi trường hằng ngày. Chỉ riêng 2 TP là Hà Nội và TP HCM, trung bình một ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi ni-lông.

UBND TP Hà Nội đã giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp phân phối ký cam kết giảm thiểu túi ni-lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần; phối hợp với các doanh nghiệp đưa ra lộ trình thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa và túi ni-lông khó phân hủy.

Bài và ảnh: Thùy Linh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/triet-tui-ni-long-quan-trong-la-nhan-thuc-196240711200732078.htm
Zalo