Triệt phá đường dây sản xuất cà phê giả quy mô lớn
Ngày 22/2, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Đắk Lắk đã triệt phá một xưởng sản xuất cà phê giả quy mô lớn sau khi lần theo dấu vết từ một tiệm tạp hóa tại TP. Buôn Ma Thuột.
Trong quá trình điều tra, lực lượng chức năng phát hiện một tiệm tạp hóa tại TP. Buôn Ma Thuột bán hơn 100kg cà phê bột mang nhãn hiệu "Phát Hải chồn coffee" và "Coffee Phát Hải P".
Số cà phê này do Công ty sản xuất thương mại dịch vụ Phát Hải, có trụ sở tại TP.HCM và chi nhánh tại Thuận An, Bình Dương, sản xuất. Công ty này do ông Nguyễn Thanh Hải giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị và bà Lê Thị Thanh Tâm làm giám đốc.

Ông Nguyễn Thanh Hải - Chủ tịch hội đồng quản trị, bà Lê Thị Thanh Tâm - Giám đốc Công ty sản xuất thương mại dịch vụ Phát Hải bị khởi tố.
Sau khi lấy mẫu kiểm tra, kết quả test nhanh cho thấy hàm lượng caffeine chỉ dao động từ 0,41% đến 0,46%, thấp hơn nhiều so với mức công bố trên bao bì là ≥1%.
Ngay sau đó, Công an tiến hành khám xét khẩn cấp chi nhánh Công ty Phát Hải tại Bình Dương. Tại đây, lực lượng chức năng thu giữ hơn 2.800 gói cà phê bột (tương đương gần 1.330kg); 7.500kg đậu nành; 5.500kg vỏ cà phê đã xay vụn; 2.000kg nguyên liệu hỗn hợp gồm đậu nành rang trộn với vỏ vụn cà phê và nhiều máy móc, thiết bị, dụng cụ chế biến, hương liệu, vỏ bao bì và tài liệu liên quan.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, trong quá trình sản xuất, ông Nguyễn Thanh Hải chỉ sử dụng 10% cà phê hạt, còn lại 70% là đậu nành và 20% là vỏ vụn cà phê. Hàm lượng caffeine trong sản phẩm chỉ từ 0,39% đến 0,41%, trong khi trên bao bì ghi là 1%.
Để che giấu hành vi phạm pháp, ông Hải chỉ thuê người thân làm việc trong xưởng và liên tục thay đổi mẫu mã, giảm dần hàm lượng caffeine nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.
Theo sổ sách thu giữ được, chỉ trong 11 tháng đầu năm 2024, chi nhánh Công ty Phát Hải tại Bình Dương đã sản xuất và tiêu thụ tổng cộng 344 tấn cà phê bột giả, với trị giá khoảng 20 tỉ đồng.
Hiện Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố ông Nguyễn Thanh Hải và bà Lê Thị Thanh Tâm về tội sản xuất, buôn bán hàng giả.
Phát hiện thêm xưởng cà phê giả tại Đắk Lắk
Cũng trong đợt cao điểm phòng chống tội phạm, công an đã bắt giữ Lương Đình Đệ (26 tuổi, trú tại thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk) khi đang lái ô tô chở 890kg cà phê bột mang nhãn hiệu "Coffee HLP HUYNH LONG PHÁT" để bán cho các quán cà phê tại huyện Ea H'Leo. Đệ không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc số hàng trên và khai nhận toàn bộ số cà phê này do chính mình sản xuất.
Tiến hành kiểm tra xưởng sản xuất của Đệ, công an thu giữ thêm 610kg cà phê bột; 500kg đậu nành; 2 bao đậu nành đã rang tẩm phụ gia; 3 thùng bơ thực vật, 2 can caramel, 50kg đường cát và máy móc và công cụ chế biến cà phê.
Đệ khai nhận do giá cà phê tăng cao nên đã tăng tỷ lệ đậu nành nhằm giảm chi phí, thu lợi bất chính.
Từ cuối năm 2022 đến nay, Công an tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện và xử lý 12 vụ sản xuất cà phê giả với 19 đối tượng liên quan, thu giữ hơn 20 tấn cà phê giả trước khi kịp tiêu thụ trên thị trường.