Triển vọng từ mô hình trồng tre lấy măng ở Can Lộc
Với nhiều ưu điểm như: dễ trồng, dễ chăm sóc, cho lợi nhuận cao… măng tre mạnh tông đang mang lại triển vọng trong phát triển kinh tế cho người dân Can Lộc (Hà Tĩnh).
Từ tháng 7/2022, Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Can Lộc phối hợp với Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm thực hiện mô hình liên kết trồng tre lấy măng. Trên diện tích hơn 2 ha đất hoang hóa, bạc màu thuộc thôn Sơn Bình, xã Thượng Lộc, các đơn vị đã cùng người dân địa phương trồng thử nghiệm hơn 1.600 gốc măng tre mạnh tông. Tổng số vốn đầu tư vào dự án khoảng 300 triệu đồng.
Đây là mô hình được trồng theo phương pháp hữu cơ, do Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm hỗ trợ phân bón vi sinh nhằm đảm bảo quá trình sinh trưởng và phát triển tốt của măng tre, bao tiêu sản phẩm. Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Can Lộc đảm nhận việc quy hoạch vùng đất trồng, nguồn giống, kinh phí sản xuất, nhân công... Sự phối hợp giữa 2 đơn vị đã tạo điều kiện thuận lợi để phát triển giống măng tre mạnh tông tại Can Lộc.
Ông Phạm Ngọc Xuân - cán bộ Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Can Lộc cho biết: “Với mong muốn phát triển giống cây trồng mới ở địa phương, trung tâm đã tìm hiểu và trồng thử nghiệm cây măng tre mạnh tông. Đơn vị đã phối hợp với người dân địa phương tiến hành cải tạo đất, đào hố trồng măng, làm rãnh thoát nước, bón phân cho cây trồng...”.
Cũng theo ông Xuân, măng tre mạnh tông là giống cây chịu hạn, dễ trồng, cho năng suất cao, mỗi búp nặng khoảng 2 - 3 kg. Đây cũng là loại thực phẩm phổ biến, được sử dụng để chế biến nhiều món ăn ngon vì chứa nhiều chất dinh dưỡng, có vị ngọt và giòn.
Tuy măng tre mạnh tông là giống cây dễ trồng nhưng để tối ưu hóa năng suất và chất lượng, việc chăm sóc cần tuân thủ nghiêm một số quy trình kỹ thuật. Theo đó, để măng tre phát triển tốt và cho năng suất cao, việc chăm sóc định kỳ rất quan trọng. Sau mỗi vụ thu hoạch, người trồng cần tỉa bỏ những cây già, cây bệnh, cây ra hoa để tập trung dinh dưỡng cho cây mới. Mỗi bụi tre chỉ nên giữ lại 5 - 7 cây khỏe mạnh. Sau đó, tiến hành xới đất tơi xốp quanh gốc để cắt bớt rễ già, tạo điều kiện cho rễ mới phát triển. Bên cạnh đó, việc bón phân hữu cơ định kỳ 2 - 3 lần/năm sẽ cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết, giúp măng mọc đều và khỏe mạnh.
Đến nay, sau hơn 2 năm trồng, tre mạnh tông đã bén rễ và phát triển tốt trên vùng đất hoang hóa của xã Thượng Lộc và bắt đầu cho thu hoạch. Cây trồng này được mệnh danh là giống “siêu măng” do có khả năng tạo sinh khối lớn. Nếu chăm sóc tốt thì thời gian khai thác có thể kéo dài 10 - 15 năm. Măng thường thu hoạch từ tháng 4 - 10 âm lịch và có năng suất trung bình đạt 1 tạ/bụi.
Hiện nay, trên thị trường, giá bán măng tre mạnh tông vào mùa thuận (từ tháng 4 đến tháng 10 âm lịch) là 10 - 12 nghìn đồng/kg. Giống cây trồng này cũng có thể cho thu hoạch vào mùa nghịch (từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau) với giá bán khoảng 20 - 25 nghìn đồng/kg. Trung bình mỗi ha măng tre có thể cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm.
“Hiện tại, hơn 2 ha măng tre mạnh tông đã bắt đầu cho thu hoạch những búp măng đầu tiên. Tuy nhiên, sau khoảng 3 năm trồng, cây mới cho thu hoạch ổn định, sản lượng đạt cao. Dẫu vậy, có thể đánh giá mô hình trồng tre mạnh tông theo phương pháp hữu cơ tại xã Thượng Lộc đã thành công và đủ điều kiện để nhân rộng trong thời gian tới”, ông Phạm Ngọc Xuân cho biết thêm.
Trên thị trường, măng tre mạnh tông đang có đầu ra ổn định, được người tiêu dùng đón nhận. Loại măng này thường được chế biến thành măng chua, măng khô… để nâng cao hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, khi cây tre được khoảng 3 năm tuổi có thể chiết nhánh làm giống, đáp ứng yêu cầu nguồn giống cho bà con nông dân.
Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc Nguyễn Xuân Diệu cho biết: “Qua quá trình trồng cho thấy, đây là giống cây phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương, có triển vọng phát triển kinh tế, đặc biệt là đã mở ra hướng sản xuất mới cho những vùng đất hoang hóa, bạc màu. Thời gian tới, địa phương sẽ khuyến khích bà con đến học hỏi, nhân rộng mô hình, từng bước đa dạng hóa cây trồng để nâng cao thu nhập cho người dân”.