Triển vọng từ Đề án 1 triệu ha lúa

Mô hình thí điểm thực hiện Đề án 'Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030' đang được triển khai tại nhiều địa phương, mang lại kết quả ngoài mong đợi

Những ngày qua, nhiều thành viên Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp - Dịch vụ Tiến Thuận (xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) rất phấn khởi khi vụ lúa hè thu này, lợi nhuận của họ tăng cao so với trước đây.

Hiệu quả, tiềm năng

Kết quả này có được là nhờ HTX Nông nghiệp - Dịch vụ Tiến Thuận thực hiện mô hình thí điểm Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" (gọi tắt là Đề án 1 triệu ha lúa).

Ông Nguyễn Cao Khải, Giám đốc HTX Nông nghiệp - Dịch vụ Tiến Thuận, cho biết: "HTX tham gia mô hình thí điểm với 50 ha trong vụ hè thu. Sau 3 tháng canh tác, kết quả ngoài mong đợi khi năng suất tăng 7%, đạt 6,1-6,5 tấn/ha; thu nhập tăng 1,3-6,2 triệu đồng/ha và giảm phát thải khí nhà kính 2-6 tấn CO2/ha. Mô hình này còn giúp giảm chi phí đầu vào, cho thấy hiệu quả của phương pháp canh tác mới".

Thu hoạch lúa hè thu tại HTX Nông nghiệp - Dịch vụ Tiến Thuận (TP Cần Thơ), nơi thực hiện mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa

Thu hoạch lúa hè thu tại HTX Nông nghiệp - Dịch vụ Tiến Thuận (TP Cần Thơ), nơi thực hiện mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa

Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, mô hình thí điểm đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của Đề án 1 triệu ha lúa. Cụ thể, sử dụng giống xác nhận với 60 kg/ha, sạ hàng bằng máy kết hợp vùi phân; áp dụng quản lý nước ướt khô xen kẽ, bón phân theo vùng chuyên biệt; thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, gom rơm làm nấm hoặc phân bón hữu cơ...

TS Nguyễn Văn Hùng, chuyên gia Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI), cho rằng nông dân tăng thu nhập là nhờ giảm lượng lúa giống còn 60 kg/ha, tương đương giảm chi phí về giống 1,2 triệu đồng/ha; phân bón giảm 0,7 triệu đồng/ha... Nông dân còn có thêm thu nhập từ việc khai thác rơm…

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự liên kết chặt chẽ khi thực hiện mô hình thí điểm. Theo ông, ngoài các tiêu chí trong đề án, yếu tố then chốt là mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp (DN) cung cấp vật tư đầu vào với đơn vị thu mua lúa gạo. Sự liên kết này cần phải chân thực, có trách nhiệm và tuân thủ nghiêm ngặt các cam kết đã thỏa thuận. Việc tăng cường liên kết giữa các bên tham gia chuỗi giá trị sẽ tạo ra một hệ sinh thái bền vững, mang lại lợi ích cho cả nông dân và DN. Điều này không chỉ giúp ổn định đầu ra mà còn nâng cao chất lượng và giá trị của ngành lúa gạo.

Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt nhìn nhận mô hình thí điểm nêu trên thành công đã chứng minh được hiệu quả và tiềm năng của Đề án 1 triệu ha lúa. Sự thành công của mô hình ban đầu là minh chứng về tính khả thi và lợi ích mà đề án mang lại. Không chỉ áp dụng tại Cần Thơ, mô hình này còn có thể nhân rộng ra các địa phương.

Góp phần phát triển bền vững

Ngoài Cần Thơ, mô hình thí điểm thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa đã được triển khai tại 4 địa phương: Trà Vinh, Đồng Tháp, Sóc Trăng và Kiên Giang. Trong đó, Kiên Giang và Trà Vinh mỗi tỉnh có 2 HTX thực hiện.

Ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, thông tin: "Tỉnh đang tập trung xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp; phấn đấu đến năm 2025 đạt 10.550 ha, năm 2030 đạt 30.736 ha tại 42 xã của 6 huyện. Vụ hè thu này, mô hình thí điểm được thực hiện tại HTX Nông nghiệp Phát Tài (xã Thanh Mỹ) và HTX Nông nghiệp Phước Hảo (xã Phước Hảo, huyện Châu Thành) với diện tích 50 ha/HTX".

Để thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa, Trà Vinh sẽ triển khai các chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp và hỗ trợ nông dân, HTX, DN tham gia. Tỉnh cũng tập trung hỗ trợ tín dụng, bảo hiểm và phát triển thương hiệu lúa gạo tại thị trường trong nước và quốc tế.

Theo ông Trần Văn Chung, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phát Tài, khi HTX được lựa chọn thực hiện thí điểm mô hình mới, ông và các thành viên đã tìm hiểu thông tin qua các phương tiện truyền thông. Tất cả đều nhận thức được tầm quan trọng của đề án trong việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nhận thấy nhiều lợi ích lâu dài, ông Chung cùng các thành viên HTX đã bày tỏ mong muốn thực hiện mô hình thí điểm. Họ hiểu rằng việc áp dụng các phương pháp canh tác mới không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp.

Trong khi đó, tại Kiên Giang, giữa tháng 7-2024, Cục Trồng trọt đã phối hợp với UBND tỉnh tổ chức triển khai mô hình thí điểm ở HTX Dịch vụ Nông nghiệp thanh niên Phú Hòa (xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp). Ông Nguyễn Văn Huỳnh, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp thanh niên Phú Hòa, cho rằng với kinh nghiệm tích lũy và quyết tâm mạnh mẽ của các thành viên, HTX sẽ triển khai mô hình sao cho hiệu quả để đạt được mục tiêu mà đề án đề ra.

Nhiều số liệu lạc quan

Tháng 10-2022, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết mức chi trả cho tín chỉ carbon từ các HTX sản xuất lúa giảm phát thải ở ĐBSCL dự kiến là 150 USD/ha, bắt đầu từ năm 2024. Nhiều tính toán cho thấy thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa sẽ giúp giảm khoảng 20% chi phí sản xuất, tương đương khoảng 9.500 tỉ đồng/năm. Khi áp dụng quy trình canh tác bền vững, giá lúa bán ra có thể tăng khoảng 10%, thu hơn 7.000 tỉ đồng/năm.

Chỉ 2 khoản trên, ngành lúa gạo có thêm 16.500 tỉ đồng/năm. Cộng với các yếu tố từ thương hiệu giảm phát thải, phân khúc tiêu dùng xanh… và nếu tạo ra khoảng 10 triệu tín chỉ carbon từ sản xuất lúa gạo, ngành này sẽ có thêm 100 triệu USD mỗi năm.

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Bài và ảnh: CA LINH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/trien-vong-tu-de-an-1-trieu-ha-lua-196240811194418905.htm
Zalo