Triển vọng tăng trưởng từ một thế giới biến động - Bài 2 : Những yếu tố định hình kỷ nguyên mới
Các cuộc bầu cử quan trọng diễn ra trong năm 2024, với tâm điểm là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, đang định hình lại cục diện kinh tế toàn cầu.
Giới phân tích cho rằng sự thay đổi sẽ mở ra những cơ hội mới, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức. Năm 2025 được dự báo sẽ tiếp tục là một năm có nhiều biến động nữa đối với kinh tế toàn cầu. Những hậu quả còn “sót lại” của đại dịch COVID-19, cùng với cuộc xung đột Nga - Ukraine và căng thẳng tại Trung Đông sẽ tạo ra một bức tranh kinh tế phức tạp và khó đoán định.
Những thách thức phía trước
Xu hướng phân mảnh kinh tế và căng thẳng địa chính trị đang gia tăng, đặt ra những thách thức đáng kể cho tăng trưởng và hợp tác toàn cầu. Việc các quốc gia ngày càng áp đặt nhiều hàng rào thương mại, hạn chế đầu tư và theo đuổi chính sách bảo hộ có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng, suy giảm thương mại toàn cầu và kìm hãm tăng trưởng. CaixaBank Research đã đưa ra cảnh báo về rủi ro của "phi toàn cầu hóa" và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc củng cố hệ thống thương mại đa phương.
Kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 đóng vai trò then chốt trong việc định hình xu hướng này. Nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump tại Nhà Trắng có thể dẫn đến những thay đổi lớn trong chính sách thương mại, thuế, và quy định, từ đó tác động đến dòng vốn đầu tư và hoạt động kinh doanh trên toàn cầu. Những thay đổi đột ngột như vậy trong chính sách thương mại của Mỹ có thể đóng vai trò là "chất xúc tác" khiến các nền kinh tế tiếp tục phân chia thành các khối địa chính trị, dẫn đến nền kinh tế toàn cầu bị phân mảnh hơn.
Theo Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck, dưới chính quyền của Tổng thống đắc cử Donald Trump, các thỏa thuận thương mại và các quy tắc kinh tế hiện hành đang trở nên mong manh và khó dự đoán. Đức và các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) có thể sẽ bị ảnh hưởng mạnh mẽ từ chính sách thuế mới này, khi thị trường Mỹ là một trong những điểm đến quan trọng của hàng hóa xuất khẩu châu Âu, đặc biệt là các sản phẩm công nghiệp và ô tô.
Các quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu và tài nguyên như Hungary, Hà Lan và Bỉ có thể sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi thuế quan và các rào cản thương mại, trong khi Pháp và Italy có khả năng chống chịu tốt hơn nhờ thị trường nội địa tương đối lớn. Tại châu Á, các nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại như Singapore hay Khu Hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) sẽ dễ bị tổn thương hơn trước kịch bản kinh tế thế giới phân mảnh ngày càng sâu sắc.
Tăng trưởng chậm lại nhưng chắc
Đồng thuận chung trong các dự báo của các tổ chức tài chính quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) là tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại trong năm 2025. IMF dự báo mức tăng trưởng GDP toàn cầu khoảng 3,2% trong năm 2025. Trong khi đó, WB đưa ra mức dự báo tăng trưởng 3,3% cho năm 2025, so với mức tương ứng 3,5% trước đại dịch COVID-19. Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, dù lạc quan hơn, cũng chỉ dự báo tăng trưởng chỉ ở mức “vừa phải” trong năm tới.
Báo cáo mới nhất của ngân hàng Barclays nhấn mạnh rằng thế giới khó có thể cải thiện đáng kể về tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), dẫn đến kỳ vọng lợi nhuận đầu tư sẽ thấp hơn trong tương lai gần.
Các nhà kinh tế của Barclays dự đoán tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ giảm xuống còn 3% vào năm 2025, từ mức 3,2% của năm 2024. Đồng thời, các chuyên gia này cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc lập kế hoạch chiến lược và tập trung vào các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG).
Việc các định chế tài chính hạ dự báo tăng trưởng phần nào phản ánh những thách thức kinh tế toàn cầu đang đối mặt, bao gồm lạm phát dai dẳng, chính sách tiền tệ thắt chặt, căng thẳng địa chính trị leo thang, những rủi ro tiềm ẩn từ cuộc khủng hoảng năng lượng và chuỗi cung ứng.
Nền kinh tế Mỹ, vốn đóng vai trò là động lực chính của tăng trưởng toàn cầu, được dự báo sẽ giảm tốc trong năm 2025. Chính quyền mới của Mỹ, dưới sự lãnh đạo của ông Donald Trump, có thể mang đến sự thay đổi trong chính sách tài khóa, thương mại và quy định, tạo ra cả cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Công ty quản lý đầu tư độc lập Invesco của Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc theo dõi sát sao các chính sách của chính quyền mới, đặc biệt là liên quan đến chi tiêu công và thương mại.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cũng đang đối mặt với những khó khăn nội tại, bao gồm sự suy giảm của thị trường bất động sản, nợ công cao và căng thẳng địa chính trị. Tăng trưởng của Trung Quốc cũng được dự báo sẽ chậm lại trong năm 2025, tác động đến nhu cầu toàn cầu và tăng trưởng của các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu sang nước này.
Trong khi đó, Khu vực đồng euro (Eurozone) tiếp tục “vật lộn” với lạm phát cao, khủng hoảng năng lượng và bất ổn chính trị. Xung đột Nga - Ukraine vẫn tiếp diễn, làm gián đoạn chuỗi cung ứng năng lượng và đẩy giá cả lên cao, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế khu vực. CaixaBank Research nhấn mạnh sự cần thiết của việc đa dạng hóa nguồn cung năng lượng và tăng cường khả năng phục hồi kinh tế để đối phó với những cú sốc bên ngoài.
Thị trường tài chính và hàng hóa có duy trì được đà tăng?
Năm 2024 đang được ghi nhận là một năm khởi sắc đáng nhớ đối với thị trường chứng khoán. Trước triển vọng lãi suất tiếp tục giảm, nhiều người dễ dàng cho rằng năm 2025 có thể tiếp tục là một năm thành công nữa của các nhà đầu tư cổ phiếu.
Trên thực tế, năm 2025 đi kèm những rủi ro và khả năng biến động khó lường. Thị trường chứng khoán toàn cầu có thể trải qua những đợt điều chỉnh mạnh, đặc biệt là trong bối cảnh lạm phát, tăng trưởng kinh tế chậm lại và bất ổn địa chính trị. Invesco lưu ý về khả năng biến động gia tăng trên thị trường chứng khoán và khuyến nghị các nhà đầu tư nên đa dạng hóa danh mục đầu tư. Các công ty công nghệ lớn vẫn là tâm điểm của thị trường, nhưng nhà đầu tư sẽ tỏ ra thận trọng hơn.
Thị trường vàng có thể tiếp tục thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong bối cảnh bất ổn. Theo Kitco, sự phục hồi của vàng sau đợt bán tháo đáng kể vào trung tuần tháng 11/2024 cho thấy niềm tin của thị trường rằng đà tăng giá của kim loại quý này vẫn chưa kết thúc. Ngân hàng Goldman Sachs mới đây đã nhắc lại dự báo giá vàng sẽ chạm ngưỡng 3.000 USD/ounce vào năm 2025.
Thị trường dầu mỏ dự kiến tiếp tục phụ thuộc vào nhu cầu từ Trung Quốc và chính sách sản lượng của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đối tác do Nga dẫn đầu, còn gọi là OPEC+. Giá dầu được kỳ vọng dao động quanh mức 80-100 USD/thùng, tùy thuộc vào tình hình địa chính trị, đặc biệt là diễn biến trong cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Trong báo cáo Triển vọng thị trường hàng hóa thế giới công bố hồi tháng 10/2024, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo giá hàng hóa toàn cầu dự kiến sẽ tăng 2,7% vào năm 2024 và sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm vào năm 2025, tiếp tục xu hướng giảm vào năm 2026, chủ yếu do tình trạng dư cung dầu mỏ. Báo cáo cho biết, mặc dù giá dầu giảm, các mặt hàng khác như khí đốt tự nhiên, kim loại và nguyên liệu nông nghiệp sẽ giữ mức ổn định, phần nào hạn chế mức giảm chung. Tin tốt là khối lượng thương mại hàng hóa thế giới có thể tăng 3% vào năm 2025. Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị và bất ổn chính sách kinh tế gia tăng tiếp tục gây ra rủi ro giảm đáng kể cho dự báo.
Thích ứng và đổi mới để định hình tương lai
Giữa những thách thức và bất ổn, công nghệ và chuyển đổi số vẫn là những động lực tăng trưởng tiềm năng cho kinh tế toàn cầu. Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ sinh học, năng lượng tái tạo và các lĩnh vực công nghệ khác có thể tạo ra động lực tăng trưởng mới, nâng cao năng suất lao động và giải quyết những vấn đề toàn cầu cấp bách.
Sau những biến động đáng kể của năm 2024, năm 2025 được coi là một năm bản lề, đưa kinh tế thế giới đứng trước ngưỡng cửa của một kỷ nguyên mới, với cả cơ hội và thách thức đan xen. Để vượt qua những khó khăn và tận dụng những cơ hội, các quốc gia, doanh nghiệp và cá nhân cần phải linh hoạt, thích ứng và chủ động đổi mới. Hợp tác quốc tế, xây dựng lòng tin và thúc đẩy thương mại tự do cũng đóng vai trò quan trọng trong việc định hình một “trạng thái bình thường mới” ổn định và thịnh vượng.
Bài 3: Kịch bản nào cho kinh tế thế giới hậu bầu cử Mỹ?