Triển vọng ngắn hạn của thị trường chứng khoán không mấy tích cực?

Diễn biến dư nợ margin cùng với quy mô tài sản của nhà đầu tư trong quý cuối năm ngoái cho thấy dòng tiền đang có xu hướng chuyển dịch sang các loại tài sản khác, phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trong nước đối với thị trường chứng khoán.

Theo thống kê, đến cuối năm 2024, dư nợ cho vay tại các công ty chứng khoán (CTCK) ước tính vào khoảng 245.000 tỷ đồng (~10 tỷ USD), tăng 13.000 tỷ so với cuối quý III trước đó và là mức cao kỷ lục từ trước đến nay. Trong đó, dư nợ margin ước khoảng 240.000 tỷ đồng, tăng 17.000 tỷ so với cuối quý III và cũng là con số cao nhất trong lịch sử chứng khoán Việt Nam.

Dư nợ margin cao nhất trong lịch sử chứng khoán Việt Nam

Đà mở rộng về quy mô dư nợ cho vay tập trung tại 10 CTCK nhưng phần lớn không thuộc phân khúc bán lẻ, tức không có nhiều khách hàng là nhà đầu tư cá nhân vay margin.

Dư nợ margin quý IV/2024 của ngành chứng khoán tăng trong bối cảnh thanh khoản giao dịch trên thị trường giảm về mức thấp nhất 7 quý (bình quân chỉ đạt gần 13.200 tỷ đồng/phiên), còn chỉ số VN-Index đi ngang với biên độ hẹp trong phần lớn thời gian. Tỷ lệ đòn bẩy (tỷ lệ giữa margin/tổng giá trị vốn hóa điều chỉnh theo free-float) chạm mức 10,2%, cao nhất từ trước đến nay.

Nhà đầu tư có tâm lý thận trọng đối với thị trường chứng khoán.

Nhà đầu tư có tâm lý thận trọng đối với thị trường chứng khoán.

Tại cùng thời điểm cuối quý IV/2024, tổng vốn chủ sở hữu nhóm CTCK vào khoảng 265.000 tỷ đồng, tăng khoảng 15.000 tỷ so với cuối quý III trước đó. Tỷ lệ margin/vốn chủ sở hữu tại ngày 31/12 nhích nhẹ lên mức 91%, cao nhất trong vòng 9 quý. Dù vậy, con số này vẫn còn thấp hơn nhiều so với giai đoạn VN-Index trên đỉnh 1.500 điểm hồi cuối năm 2021 đến đầu năm 2022.

Đáng chú ý, dù dư nợ cho vay margin của các CTCK đang ở mức cao kỷ lục nhờ các đợt tăng vốn chủ sở hữu trước đó, hiện room cho vay margin còn lại của ngành chứng khoán vẫn rất dồi dào.

Theo quy định, các CTCK không được cho vay ký quỹ quá 2 lần vốn chủ sở hữu tại cùng thời điểm. Với tỷ lệ hiện nay, room cho vay margin còn lại của các CTCK ước tính còn hơn 323.000 tỷ đồng. Có thể nói chưa bao giờ room margin còn nhiều như hiện nay.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, con số này chỉ là tính toán trên lý thuyết và thực tế chưa bao giờ tỷ lệ margin/vốn chủ sở hữu toàn thị trường chạm đến ngưỡng 2 lần ngay cả trong giai đoạn giao dịch bùng nổ nhất. Bên cạnh đó, một số CTCK còn rơi vào tình trạng còn room nhưng hết nguồn do phân bổ vào các kênh khác như trái phiếu, giấy tờ có giá,… Hơn nữa, nhà đầu tư có thể vay thêm margin bao nhiêu còn phụ thuộc vào tài sản đảm bảo (bao gồm tiền và cổ phiếu) tương ứng.

Nếu xét trên từng CTCK, có thể thấy mặt bằng tỷ lệ margin/vốn chủ sở hữu không cao, chủ yếu quanh mức 1, thậm chí thấp hơn. 6 CTCK có vốn chủ sở hữu lớn nhất ngành đều có tỷ lệ này dưới 1 lần, tức là còn rất nhiều room có thể cho vay dù dư nợ margin lập kỷ lục. Đây là kết quả của hoạt động tăng vốn thời gian qua bên cạnh khoản lợi nhuận giữ lại.

Thực tế trong năm vừa qua, các CTCK lớn đều thực hiện tăng vốn nhằm mở rộng khả năng cho vay. Một số công ty có tỷ lệ margin/vốn chủ sở hữu lớn như HSC (195%) cũng vừa thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn điều lệ thêm 3.600 tỷ, lên trên 10.800 tỷ đồng.

73.000 tỷ đồng “tiền tươi” nằm chờ trên tài khoản của nhà đầu tư

Trong khi đó, quy mô tài sản của nhà đầu tư đã giảm mạnh 61.000 tỷ đồng (-4%) trong quý IV/2024. Tổng tài sản tài chính (bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ… được quản lý bởi các công ty chứng khoán) đã giảm 43.700 tỷ đồng (-3%).

Không chỉ vậy, hầu hết các CTCK đều ghi nhận sự sụt giảm mạnh về lượng tiền gửi của nhà đầu tư, như: VPS, SSI, Mirae Asset,...

Theo số liệu thống kê từ báo cáo tài chính, số dư tiền gửi khách hàng tại các CTCK vào thời điểm cuối quý IV/2024 đạt khoảng 73.000 tỷ đồng. Đây chủ yếu là tiền gửi của nhà đầu tư giao dịch chứng khoán theo phương thức CTCK quản lý.

So với cuối quý II trước đó, tiền gửi của nhà đầu tư tại các CTCK đã giảm khoảng 18.000 tỷ và là mức thấp nhất trong vòng 6 quý trở lại đây. Lượng tiền này đang nằm sẵn trong tài khoản nhà đầu tư và chưa thực hiện giải ngân vào thời điểm 31/12/2024.

Nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù số lượng tài khoản của nhà đầu tư trong nước cũng liên tục gia tăng nhưng về cơ bản, số tài khoản mở mới đã không còn phản ánh sát thực lượng nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường khi mà một người có thể dễ dàng mở tài khoản tại nhiều CTCK khác nhau.

Trong khi đó, việc VN-Index liên tục trồi sụt có thể là một nguyên nhân lớn khiến thị trường khó thu hút tiền mới. Thị trường đang thiếu vắng động lực và thông tin hỗ trợ đủ mạnh để hình thành một xu hướng tăng ngắn hạn. Điều này ảnh hưởng nhất định đến tâm lý nhà đầu tư trong ngắn hạn. Nhà đầu tư khi không thể tìm kiếm lợi nhuận sẽ có xu hướng rút tiền ra khỏi tài khoản, từ đó cũng có thể khiến lượng tiền gửi trong tài khoản chứng khoán sụt giảm.

Thực tế, bối cảnh thị trường chứng khoán trong quý cuối năm 2024 tiếp tục ảm đạm, thanh khoản khớp lệnh liên tục sụt giảm, bình quân xuống dưới 13.000 tỷ đồng/phiên trên HoSE. Con số này tiếp tục giảm mạnh trong tháng đầu năm 2025.

Mặt khác, chứng khoán cũng phải đối diện thêm sự cạnh tranh gay gắt hơn tới từ các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản do giá tăng “nóng” hoặc an toàn như gửi tiết kiệm. Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 10/2024, cả tiền gửi tổ chức kinh tế và dân cư đều ghi nhận tăng trưởng dương và xác lập mức kỷ lục mới. Trong đó, tiền tiết kiệm của dân cư vào ngân hàng đạt 6,978 triệu tỷ đồng, tăng 20.471 tỷ đồng so với tháng 9 và tăng khoảng 6,5% so với đầu năm. Còn tiền gửi của doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế (gọi chung là doanh nghiệp) tính đến cuối tháng 10/2024 lần đầu tiên đạt mức kỷ lục là 7,1 triệu tỷ đồng, tăng 4,63% so với cuối năm 2023.

Theo các chuyên gia từ FiinTrade, dòng tiền đang có xu hướng chuyển dịch sang các loại tài sản khác, phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trong nước đối với thị trường chứng khoán. Cùng với việc khối ngoại tiếp tục bán ròng, triển vọng ngắn hạn của thị trường không mấy tích cực.

Hải Giang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//goc-nhin/trien-vong-ngan-han-cua-thi-truong-chung-khoan-khong-may-tich-cuc-1104820.html
Zalo