Triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán: Dòng tiền nội lấn át ngoại - Bài 2

Với các chính sách kinh tế được triển khai liên tục và triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán, năm 2025 hứa hẹn sẽ là một cột mốc quan trọng.

Nhà đầu tư kỳ vọng vào dòng vốn mới, sự ổn định kinh tế vĩ mô và động lực tăng trưởng bền vững, tạo nên bước nhảy vọt cho thị trường tài chính trong nước.

Thị trường chứng khoán kỳ vọng tăng trưởng trong thời gian tới vì số tài khoản chứng khoán đã lên hơn 9 triệu tài khoản. Ảnh minh họa

Thị trường chứng khoán kỳ vọng tăng trưởng trong thời gian tới vì số tài khoản chứng khoán đã lên hơn 9 triệu tài khoản. Ảnh minh họa

Thị trường chứng khoán Việt Nam kết thúc năm 2024 với mức tăng trưởng trên 12%. Đây là con số không quá tệ, thậm chí vượt rất cao so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngân hàng.

Những phiên giao dịch tỉ USD đã xuất hiện trở lại đã giúp thị trường chứng khoán liên tục bùng nổ trong thời gian qua. Hàng loạt chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Chính phủ đang giúp thị trường chứng khoán hưởng lợi.

Chính phủ đang tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, hiệu quả và bền vững. Ngân hàng Nhà nước nới lỏng chính sách tiền tệ, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; tiêu dùng nội địa phục hồi nhờ các chính sách kích cầu chưa kể động lực tăng trưởng đến từ đầu tư công, qua đó đang giúp thị trường chứng khoán Việt Năm tăng trưởng.

Theo giới phân tích, thị trường chứng khoán vẫn đang kỳ vọng nhiều sự tăng trưởng trong thời gian tới vì số tài khoản chứng khoán đã lên hơn 9 triệu tài khoản. Dòng tiền nội đã lấn át dòng tiền ngoại. Kinh tế vĩ mô trong nước vẫn hỗ trợ cho thị trường chứng khoán như lãi suất vẫn thấp, doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu nhiều hơn, mỗi doanh nghiệp cũng có cách riêng tạo hấp dẫn cho thị trường.

Nhìn vào dài hạn, Việt Nam vẫn có nhiều triển vọng, khi tỉ lệ người mở tài khoản chứng khoán chưa nhiều. Thu nhập người dân tăng lên, và khi đó một phần thu nhập này có xu hướng chuyển vào tài khoản tiết kiệm. Gần đây đang nổi lên hiện tượng nhiều sản phẩm tiết kiệm kết nối với chứng khoán. Đó là xu thế đẩy dòng tiền vào thị trường.

Xuất khẩu Việt Nam đang hồi phục trên diện rộng vì sự tăng trưởng dương khá tích cực, khi đơn hàng mới tăng, hàng tồn kho giảm, đặc biệt ngành hàng máy tính và điện tử đang tăng mạnh.

Các ngân hàng vẫn sẽ tập trung đi theo định hướng hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ, đồng thời việc giữ mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp cũng giúp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, qua đó sẽ hỗ trợ cho nền kinh tế, doanh nghiệp có mực tăng trưởng tốt. Những yếu tố này sẽ giúp thị trường chứng khoán có giai đoạn bứt phá tốt hơn trong thời gian tới.

Năm 2025 đánh dấu là một năm quan trọng khi là năm kết thúc của Kế hoạch Phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2025 và là năm bản lề cho kỷ nguyên sắp tới, với các kế hoạch cải cách toàn diện nhằm tập trung vào chất lượng tăng trưởng để Việt Nam có thể trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030.

Từ chính sách tiền tệ đến tài khóa đều hướng đến duy trì phát triển ổn định nền kinh tế với các giải pháp tập trung hơn vào chất lượng, từ các lĩnh vực liên quan đến FDI, doanh nghiệp trong nước và tiêu dùng trong nước.

Xem thêm bài 1: Những cú hích tăng trưởng

Kỳ sau:

Nâng hạng thị trường chứng khoán: Bài 3 - Sức hấp dẫn từ góc nhìn quốc tế

QUANG LÊ

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/trien-vong-nang-hang-thi-truong-chung-khoan-dong-tien-noi-lan-at-ngoai-bai-2-315606.html
Zalo