Triển vọng nâng hạng chứng khoán: Nhà đầu tư đón đầu cơ hội - Bài cuối
Hiện nhà đầu tư cá nhân đóng vai trò chính trên thị trường chứng khoán. Do đó, khi thị trường được nâng hạng sự sôi động sẽ diễn ra và thu hút nhà đầu tư này.
Năm 2025 hứa hẹn mang đến nhiều cơ hội lớn cho thị trường chứng khoán, đặc biệt khi các yếu tố như nâng hạng thị trường, dòng vốn ngoại và sự phục hồi kinh tế đang tạo đà phát triển mạnh mẽ. Để đón đầu những cơ hội này, nhà đầu tư cần chuẩn bị kỹ lưỡng: Từ việc cập nhật thông tin, xây dựng chiến lược phù hợp đến đa dạng hóa danh mục đầu tư. Quan trọng nhất, sự nhạy bén trước xu hướng mới và kỷ luật tài chính sẽ là chìa khóa giúp nhà đầu tư thành công trong năm tới.
Kiểm soát tâm lý đầu tư
Bà Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc Khối đầu tư chứng khoán Tập đoàn VinaCapital, nhận định điểm khó nhất của nhà đầu tư cá nhân chính là kiểm soát tâm lý trong đầu tư. Việc này cần rèn luyện qua nhiều năm mới tránh được những rủi ro trên thị trường. Ngay cả những nhà đầu tư chuyên nghiệp và đã hoạt động lâu năm trên thị trường cũng phải thường xuyên rèn luyện kiểm soát cảm xúc trong đầu tư.
“Rất nhiều người thường nghĩ về chơi chứng khoán chứ không phải đầu tư chứng khoán. Lý do họ không hiểu nhiều về doanh nghiệp đằng sau cổ phiếu mình mua, mà chỉ biết 3 chữ cái. Những nhà đầu tư như vậy luôn mong cổ phiếu mình tăng trưởng, mà không biết sự thua lỗ có thể đến với họ bất cứ lúc nào”, bà Thu nói.
Sự chuyển dịch sang đầu tư bền vững
Nhà đầu tư, đặc biệt là các quỹ ngoại, ngày càng ưu tiên các doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí ESG (môi trường, xã hội và quản trị). Điều này sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam cải thiện tiêu chuẩn minh bạch và phát triển bền vững.
Theo các chuyên gia, nhà đầu tư cá nhân dễ gặp thua lỗ vì không chịu tìm hiểu kỹ thị trường, đọc báo cáo tài chính doanh nghiệp và luôn có tâm lý muốn kiếm lời nhanh và tài khoản tăng nhiều lần. Nhiều người thua lỗ nặng do đầu tư vùng giá cao, không chịu cắt lỗ sớm hoặc chỉ tất tay vào một ổ phiếu duy nhất, mà không đa dạng danh mục đầu tư.
Theo bà Nguyễn Hoài Thu, để tránh rủi ro khi giao dịch trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư cá nhân chỉ nên đầu tư vào những gì mình thực sự hiểu rõ và có đủ kiến thức về kinh tế, cũng như về kinh doanh, đồng thời có đủ thời gian để theo dõi những khoản đầu tư của mình.
“Ngoài ra, khi đầu tư nên nhắm vào mục tiêu dài hạn, tập trung vào bản chất và giá trị nội tại của doanh nghiệp cũng như khả năng của ban lãnh đạo để đánh giá tiềm năng tăng trưởng trong tương lai của doanh nghiệp, thay vì chạy theo thông tin ngắn hạn như kết quả quý hay thu nhập bất thường, Việc này sẽ giúp chọn lọc được cổ phiếu tốt nhất. Nhà đầu tư cần phân bổ danh mục đầu tư hợp lý theo từng điều kiện của thị trường, thông qua phân tích đánh giá tình hình vĩ mô quốc tế cũng như trong nước và triển vọng từng ngành”, bà Nguyễn Hoài Thu khuyến cáo.
Dòng tiền tập trung nhóm ngành dẫn dắt
Bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Trung tâm phân tích Công ty chứng khoán Rồng Việt, cho biết nếu nguồn vốn sử dụng đầu tư là ngắn hạn, cần hiện thực hóa lợi nhuận nhanh chóng khi thông tin doanh nghiệp có tăng trưởng và lợi nhuận được đưa ra. Ngược lại nếu nguồn vốn đầu tư dài hạn thì nhà đầu tư cần đánh giá kỹ hơn về khả năng duy trì lợi nhuận và khả năng phục hồi của doanh nghiệp trong tương lai trước khi quyết định mua cổ phiếu.
Dự báo từ các chuyên gia kinh tế về sự thay đổi dòng tiền và cơ cấu thị trường chứng khoán năm 2025, TS. Lê Bá Chí Nhân, chuyên gia kinh tế cho biết dòng tiền sẽ tiếp tục chảy mạnh vào các nhóm ngành hưởng lợi từ đầu tư công, chuyển đổi số và năng lượng tái tạo. Những ngành này không chỉ có tiềm năng tăng trưởng mà còn nhận được sự quan tâm từ dòng vốn ngoại nhờ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.
Cơ cấu thị trường cân bằng hơn, bởi lẽ thị trường chứng khoán Việt Nam đang hướng đến sự cân bằng hơn khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ có cơ hội thu hút vốn tốt hơn nhờ chính sách thúc đẩy khởi nghiệp. Điều này giúp giảm sự phụ thuộc vào các cổ phiếu vốn hóa lớn và đa dạng hóa cơ hội đầu tư.
Xin mời xem thêm:
Bài 1: Triển vọng nâng hạng chứng khoán: Những cú hích trăng trưởng
Bài 2: Dòng tiền nội lấn át ngoại
Bài 3: Sức hấp dẫn từ góc nhìn quốc tế