Triển vọng kinh tế từ mô hình phát triển du lịch cộng đồng

Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên và nhiều nét độc đáo trong sản xuất, sinh hoạt, ẩm thực của đồng bào dân tộc địa phương, những năm gần đây làng Lập Thắng, xã Thạch Lập (Ngọc Lặc), nay là xã Thạch Lập mới đã trở thành điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn, thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước. Bước đi mới trong phát triển du lịch đã tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Du khách tham quan quy trình nuôi tằm tại làng Lập Thắng, xã Thạch Lập.

Du khách tham quan quy trình nuôi tằm tại làng Lập Thắng, xã Thạch Lập.

Làng Lập Thắng có 143 hộ đồng bào dân tộc Mường. Người dân địa phương còn lưu giữ nhiều nét độc đáo trong sản xuất, sinh hoạt, như: ở nhà sàn, dệt thổ cẩm, đan lát, trồng dâu nuôi tằm... Năm 2021, khi UBND huyện Ngọc Lặc (cũ) xây dựng Đề án “Bảo tồn, phát triển nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2021-2025” đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân địa phương. Theo đó, tại làng Lập Thắng có 4 hộ được hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ để chỉnh trang vườn, hàng rào, trùng tu, tôn tạo nhà sàn và các công trình phụ theo quy chuẩn làm du lịch cộng đồng và khoảng 40 hộ chủ động cải tạo, chỉnh trang nhà và khuôn viên có thể phục vụ khách tham quan.

Gia đình chị Phạm Thị Vinh, chủ cơ sở lưu trú Hích Homestay là một trong những hộ tiên phong làm du lịch cộng đồng ở làng Lập Thắng. Được hỗ trợ sửa sang, nâng cấp nhà sàn, khuôn viên cũng như tập huấn làm du lịch cộng đồng, đến nay gia đình chị Vinh có thể phục vụ khoảng 80 khách ăn uống và 30 khách lưu trú. Dù mới đi vào hoạt động gần 2 năm, song việc phát triển du lịch cộng đồng đã giúp gia đình chị có thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống. Chị Vinh cho biết: "Từ khi tham gia phát triển du lịch cộng đồng, gia đình đã chủ động đầu tư, cải thiện cơ sở vật chất, chỉnh trang khuôn viên ngày càng hoàn thiện, đáp ứng điều kiện lưu trú, phục vụ ăn uống. Đồng thời, được tham gia các lớp tập huấn về du lịch nên chất lượng dịch vụ được nâng cao, lượng khách đến và phản hồi tích cực về cơ sở ngày càng nhiều. Qua đó, thu nhập của gia đình được nâng lên, ngoài ra còn phát triển được chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản, đặc sản cho người dân địa phương".

Người dân làng Lập Thắng chủ yếu là dân tộc Mường, đang sinh hoạt trong những ngôi nhà sàn truyền thống. Đây chính là nét văn hóa lâu đời, đặc sắc để thu hút du khách. Chị Phạm Thị Chiến, giám đốc HTX nông nghiệp và du lịch Thạch Lập, cho biết: "Để phát triển du lịch cộng đồng, người dân địa phương đã chỉnh trang, bảo tồn những nếp nhà sàn truyền thống và lưu giữ, phát huy những nếp sinh hoạt truyền thống độc đáo, như: dệt thổ cẩm, trồng dâu nuôi tằm, đan lát... nhằm tạo sự khác biệt, độc đáo, riêng có của làng. Cùng với đó, những hộ có nhu cầu phát triển du lịch cộng đồng đã liên kết, thành lập HTX với các tổ sản xuất, như: tổ cung cấp thực phẩm, tổ đan lát, tổ dệt thổ cẩm, tổ văn nghệ, tổ hướng dẫn viên, tổ dịch vụ... để bảo đảm chủ động ở các khâu phát triển du lịch.

Được biết, HTX nông nghiệp và du lịch Thạch Lập được thành lập năm 2024, với 5 thành viên chính thức nhằm hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm, liên kết các hộ dân địa phương tham gia phát triển, cung ứng và phục vụ phát triển loại hình du lịch cộng đồng. Chỉ sau hơn 1 năm phát triển, HTX đã tạo được những chuyển biến rõ nét và thu hút được thêm gần 300 thành viên liên kết, phân chia thành các tổ sản phẩm phục vụ du lịch cộng đồng. Trong đó, HTX đã từng bước khôi phục được nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ dệt vải, mây tre đan... tưởng chừng đã mai một ở địa phương. Việc bảo tồn, phát triển nghề dệt thổ cẩm đã tạo được điểm nhấn, xây dựng được màu sắc riêng trong phát triển du lịch.

Ông Phạm Văn Ruộng, ở làng Lập Thắng, cho biết: "Nghề mây tre đan đã gắn bó với gia đình tôi hơn 30 năm, đã một thời gian không hoạt động nữa, song khi địa phương phát triển du lịch nhận thấy nhu cầu khám phá, trải nghiệm và sử dụng sản phẩm của du khách nên chúng tôi đã hoạt động lại nghề. Ngoài cung cấp sản phẩm cho các cơ sở lưu trú trên địa bàn, gia đình cũng tham gia đón một số đoàn khách đến tham quan trải nghiệm nghề đan... Thông qua tham gia phát triển du lịch, chúng tôi không chỉ giữ được nghề mà còn phát triển kinh tế từ nghề".

Theo thống kê của UBND xã Thạch Lập, từ cuối năm 2021 đến nay, đã có gần 90 đoàn khách đến với làng Lập Thắng, với hơn 3.000 lượt tham quan. Tổng doanh thu từ phục vụ khách du lịch khoảng 400 triệu đồng. Dù con số khá nhỏ bé, nhưng đây thực sự là động lực quan trọng, khích lệ người dân làng Lập Thắng tiếp tục đầu tư phát triển du lịch cộng đồng. Đặc biệt, để tạo thêm sản phẩm du lịch độc đáo thu hút du khách, HTX nông nghiệp và dịch vụ du lịch Thạch Lập đã đưa mô hình chợ đêm hoạt động vào thứ 7 hàng tuần tại làng Lập Thắng nhằm giới thiệu, quảng bá nét đẹp văn hóa, văn nghệ và đặc sản địa phương. Ngoài ra, với việc kết nối, liên kết những điểm tham quan, du lịch như: đồi Hích, hang Quăn, hang Gió, Hón Kẻ... sẽ mở thêm triển vọng để điểm du lịch làng Lập Thắng thu hút thêm du khách khi đến địa phương.

Dù việc phát triển du lịch cộng đồng còn khá mới mẻ, song, tin tưởng rằng, xã Thạch Lập nói chung, làng Lập Thắng nói riêng sẽ khai thác tiềm năng đúng hướng, để vẻ đẹp, sự độc đáo của thiên nhiên, con người địa phương được lan tỏa; góp phần giúp người dân nơi đây phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Bài và ảnh: Thanh Hòa

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/trien-vong-kinh-te-tu-mo-hinh-phat-trien-du-lich-cong-dong-253875.htm
Zalo