Triển vọng hợp tác mới giữa các nước BRICS và đối tác tiềm năng Việt Nam

Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo BRICS mở rộng mở ra triển vọng hợp tác mới giữa Việt Nam và BRICS, trước hết thúc đẩy hợp tác sâu rộng với các nước thành viên của BRICS.

Biểu tượng BRICS. (Ảnh: IRNA/TTXVN)

Biểu tượng BRICS. (Ảnh: IRNA/TTXVN)

Nhận lời mời của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Nhóm BRICS năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng tại Kazan, Liên bang Nga vào ngày 23-24/10.

Hội nghị này là hoạt động cấp cao quan trọng của Nhóm BRICS trong năm, với sự tham dự của lãnh đạo hơn 30 nước, cùng nhiều khách mời là đại diện các tổ chức quốc tế và khu vực.

BRICS - Cùng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn

BRICS được thành lập với mục tiêu ban đầu là thúc đẩy hợp tác, phối hợp chính sách giữa các nền kinh tế mới nổi. Trong 20 năm qua, BRICS đã có những bước phát triển mạnh mẽ. BRICS đang dần trở thành một tập hợp lực lượng của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển có quy mô lớn nhất thế giới và tiềm lực ngày càng to lớn, đã và đang trở thành một tổ chức đa phương có uy tín và tầm ảnh hưởng ngày càng tăng, cơ chế hợp tác toàn diện, nhận được sự quan tâm ngày càng lớn của đông đảo các quốc gia trên thế giới.

Về quy mô kinh tế, BRICS quy tụ được nhiều nền kinh tế mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển năng động. Đến nay, BRICS đóng góp khoảng 37% GDP toàn cầu (tính theo sức mua tương đương), chiếm gần 50% dân số toàn cầu, 49% sản lượng lúa mỳ, 43% sản lượng dầu mỏ toàn cầu và 25% xuất khẩu hàng hóa của thế giới.

 Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an dự và phát biểu tại Hội nghị Lãnh đạo cấp cao phụ trách an ninh các nước BRICS tổ chức tại St. Petersburg, Liên bang Nga. (Ảnh: TTXVN phát)

Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an dự và phát biểu tại Hội nghị Lãnh đạo cấp cao phụ trách an ninh các nước BRICS tổ chức tại St. Petersburg, Liên bang Nga. (Ảnh: TTXVN phát)

Với chủ đề “BRICS và Nam bán cầu: Cùng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn,” Hội nghị các nhà lãnh đạo các quốc gia theo định dạng BRICS+ sẽ tập trung trao đổi về hợp tác giữa các nước BRICS và Nam bán cầu trong giải quyết các vấn đề trong chương trình nghị sự quốc tế, trong đó có tình hình khu vực và quốc tế, phát triển bền vững, an ninh lương thực và năng lượng.

Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh tình hình thế giới ngày càng phức tạp với sự nổi lên gay gắt của nhiều thách thức, đòi hỏi các nước tăng cường phối hợp để ứng phó hiệu quả.

Năm 2024, Nga với tư cách là Chủ tịch luân phiên của BRICS, ưu tiên thúc đẩy hợp tác trong ba lĩnh vực chính gồm chính trị-an ninh, kinh tế-tài chính và văn hóa-nhân văn theo phương châm “Tăng cường chủ nghĩa đa phương vì sự phát triển và an ninh toàn cầu công bằng”nhằm mục tiêu tăng cường vai trò của BRICS như một trung tâm kinh tế, chính trị quan trọng, nâng cao vai trò của BRICS trong giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu.

 Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng (hàng trên ngoài cùng bên trái) chụp ảnh cùng các khách mời tại Phiên Đối thoại giữa BRICS với các nước đang phát triển. (Ảnh: TTXVN phát)

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng (hàng trên ngoài cùng bên trái) chụp ảnh cùng các khách mời tại Phiên Đối thoại giữa BRICS với các nước đang phát triển. (Ảnh: TTXVN phát)

Nga đã lên kế hoạch tổ chức khoảng 250 hoạt động, hội nghị, diễn đàn tại 15 thành phố của Nga trong năm nay.

Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng năm nay là Hội nghị lần thứ 16 của nhóm, nhưng là Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên sau khi BRICS mở rộng, là sự kiện đối ngoại quy mô lớn nhất được tổ chức ở Nga trong những năm gần đây.

Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng diễn ra tại Kazan (Nga) vào ngày 23-24/10 với chủ đề “BRICS và Nam Bán cầu: Cùng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn” là dịp để các nước tập trung thảo luận về tăng cường hợp tác giữa BRICS và các nước đang phát triển nhằm xây dựng hệ thống quản trị quốc tế cân bằng và công bằng hơn.

Triển vọng hợp tác Việt Nam-BRICS

Việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng lần này đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam tham dự ở Cấp cao một hoạt động của Hội nghị BRICS mở rộng; tiếp tục khẳng định chính sách đối ngoại nhất quán của Việt Nam độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Sự tham dự này mở ra triển vọng hợp tác mới giữa Việt Nam và BRICS, trước hết là cơ hội để thúc đẩy hợp tác sâu rộng với các quốc gia thành viên của BRICS, đồng thời cho phép tiếp cận với các cơ chế, nguồn lực dồi dào, thị trường rộng lớn của BRICS phục vụ cho các mục tiêu phát triển đất nước, cũng như cơ hội phối hợp nỗ lực trong giải quyết các vấn đề cấp bách của chương trình nghị sự toàn cầu.

Trong năm 2024, Việt Nam được mời và đã tham dự nhiều hoạt động của BRICS mở rộng ở các cấp khác nhau, cả kênh Đảng lẫn Nhà nước.

Có thể kể đến như Phó Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Nguyễn Minh Tâm dự Hội nghị các chính đảng BRICS+ tại Vladivostok (tháng 6/2024); Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng tham dự Phiên đối thoại BRICS với các nước đang phát triển tại Niznhy Novgorod (tháng 6/2024); Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang dự Cuộc gặp các đại diện cấp cao phụ trách an ninh BRICS+ tại Saint Petersburg (tháng 9/2024); Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Đoàn Thị Tuyết Nhung dự Hội nghị cấp cao truyền thông BRICS (tháng 9/2024).

 Phó Tổng Giám đốc Đoàn Thị Tuyết Nhung (giữa) dẫn đầu đoàn đại biểu TTXVN tham dự Hội nghị cấp cao Truyền thông BRICS 2024. (Ảnh: TTXVN)

Phó Tổng Giám đốc Đoàn Thị Tuyết Nhung (giữa) dẫn đầu đoàn đại biểu TTXVN tham dự Hội nghị cấp cao Truyền thông BRICS 2024. (Ảnh: TTXVN)

Hiện Việt Nam có quan hệ chặt chẽ với tất cả các nước thành viên BRICS, trong đó Việt Nam có quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc (năm 2008), Đối tác chiến lược toàn diện với Nga (năm 2012), Đối tác chiến lược toàn diện với Ấn Độ (năm 2016).

Việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng tại Kazan (Nga) lần này tiếp tục chuyển tải thông điệp của Việt Nam về việc ủng hộ vai trò của các diễn đàn và cơ chế hợp tác đa phương, trong đó có BRICS, hoạt động trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và phù hợp với luật pháp quốc tế, đề cao tiếng nói, tính đại diện của các nước đang phát triển trong quản trị toàn cầu cũng như trong giải quyết các thách thức chung, góp phần xây dựng một trật tự thế giới đa cực và công bằng, đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và toàn thế giới./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/trien-vong-hop-tac-moi-giua-cac-nuoc-brics-va-doi-tac-tiem-nang-viet-nam-post986749.vnp
Zalo