Triển vọng cổ phiếu ngành điện năm 2025
Ngành điện Việt Nam năm 2025 đang bước vào giai đoạn chuyển mình quan trọng với nhiều tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ nhưng cũng không ít thách thức. Sự gia tăng nhu cầu tiêu thụ điện, các chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo và việc đưa vào vận hành các dự án lớn như Nhơn Trạch 3 và 4 khiến ngành này trở thành tâm điểm chú ý trên thị trường. Trong bối cảnh đó, câu hỏi được đặt ra là liệu cổ phiếu ngành điện có thể trở thành điểm sáng trong danh mục đầu tư năm 2025.
Ông Trần Minh Hoàng, Giám đốc phân tích Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho biết, sản lượng điện toàn hệ thống năm 2025 được dự báo tăng trưởng 11,3% so với năm trước, đạt mức tăng trung bình 13% trong các tháng mùa khô. Nhu cầu điện năng tiếp tục tăng mạnh nhờ sự phục hồi kinh tế, trong đó các ngành công nghiệp và xây dựng chiếm hơn 51% tổng tiêu thụ, theo sau là sinh hoạt và tiêu dùng (35%). Tuy nhiên, khu vực miền Bắc dự báo sẽ đối mặt với tình trạng cung ứng căng thẳng khi tỷ lệ dự phòng chỉ đạt 3-4%, gây áp lực lớn lên các nguồn nhiệt điện và hệ thống truyền tải.
Cơ cấu nguồn điện cũng cho thấy sự dịch chuyển quan trọng. Nhiệt điện than vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất (37,5%), nhưng năng lượng tái tạo (điện gió và mặt trời) đang ngày càng khẳng định vai trò, đặc biệt với các dự án chuyển tiếp đã hoàn thành đàm phán giá mua điện (PPA). Điện khí LNG, với sự vận hành của 2 nhà máy lớn, sẽ đóng góp thêm hơn 11 tỷ kWh. Tổng công suất hệ thống dự kiến đạt 94,2 GW, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước, nhờ bổ sung từ các dự án lớn như thủy điện Hòa Bình mở rộng và điện gió Monsoon nhập khẩu từ Lào.
Tuy nhiên, lợi thế không chia đều cho các cổ phiếu ngành điện mà tùy thuộc vào từng phân khúc. Năm 2025, các phân khúc chính trong ngành điện bao gồm nhiệt điện than, năng lượng tái tạo, điện khí LNG và thủy điện đều có triển vọng tích cực, nhưng cũng đối mặt với những rủi ro đặc thù.
Đơn cử, giá than nhập khẩu cao cùng với tỷ lệ than pha trộn ngày càng lớn khiến chi phí sản xuất gia tăng. CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP), với lợi thế nằm tại miền Bắc – nơi phụ tải đỉnh cao – dự kiến được ưu tiên huy động. Giá cổ phiếu QTP được dự báo tăng 17% nhờ sản lượng ổn định và nhu cầu tiêu thụ lớn.
Năng lượng tái tạo được xem là động lực dài hạn của ngành điện. Năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió và mặt trời, tiếp tục là lĩnh vực trọng tâm với công suất tăng thêm 1.177 MW trong năm 2025. Đáng chú ý, các dự án chuyển tiếp với tổng công suất 4.598 MW đã hoàn thành đàm phán giá điện, đảm bảo đầu ra ổn định.
Cổ phiếu của CTCP Tập đoàn PC1 được các nhà phân tích quan tâm khi doanh thu từ mảng thủy điện nhỏ và điện gió của PC1 tăng trưởng mạnh, đạt 47% so với cùng kỳ năm 2024. Với các dự án được vận hành ổn định và điều kiện thủy văn thuận lợi, cổ phiếu PC1 được kỳ vọng tăng 30% trong năm 2025. Bên cạnh đó, CTCP Cơ điện lạnh REE là doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. REE ghi nhận lợi nhuận mảng điện mặt trời và điện gió lần lượt tăng 52% và 29% so với cùng kỳ năm trước nhờ tối ưu hóa chi phí vận hành. Giá cổ phiếu REE dự kiến tăng 15%.
Điện khí LNG cũng được xem là tương lai mới của ngành điện. Với sự vận hành của hai nhà máy Nhơn Trạch 3 và 4 vào giữa và cuối năm 2025, điện khí LNG bắt đầu đóng góp đáng kể vào cơ cấu nguồn điện, cung cấp hơn 11 tỷ kWh. Tuy nhiên, giá khí LNG cao, dao động từ 12-14 USD/mmBTU, sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của phân khúc này. Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (POW), là chủ đầu tư của Nhơn Trạch 3&4, được hưởng lợi trực tiếp từ mảng LNG. Giá cổ phiếu POW dự kiến tăng 24%, nhờ sự gia tăng sản lượng và hiệu quả vận hành.
Ở lĩnh vực thủy điện, mặc dù bị ảnh hưởng bởi El Nino trong nửa đầu năm 2024, nhưng được dự báo sẽ phục hồi mạnh vào năm 2025 khi điều kiện thủy văn cải thiện. Các dự án mở rộng như thủy điện Hòa Bình (480 MW) và Ialy (360 MW) sẽ tăng cường năng lực cung ứng.
Chính vì vậy, các chuyên gia chứng khoán cho rằng, triển vọng cổ phiếu ngành điện năm 2025 là sự pha trộn giữa cơ hội và thách thức. Các doanh nghiệp dẫn đầu như POW, REE, PC1, và QTP đang đứng trước cơ hội lớn để tận dụng sự tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ và chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần cân nhắc các yếu tố rủi ro liên quan đến chi phí nguyên liệu và khả năng vận hành của các dự án lớn.