Triển vọng chấm dứt xung đột Nga - Ukraine
Chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba tới Trung Quốc từ 23 - 26/7 đã đánh dấu một bước đi tích cực trong xung đột Nga - Ukraine.
Ukraine tuyên bố sẵn sàng đàm phán với Nga:
Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của ông Kuleba kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Và điểm đáng chú ý nhất của chuyến đi là Kiev muốn tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột, trong đó phía Ukraine cũng cho biết sẵn sàng đàm phán với Nga song còn cần thêm các chi tiết.
Sau hơn 3 giờ hội đàm với nhiều nội dung quan trọng, cuộc thảo luận giữa Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Kuleba và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị được cả hai bên đánh giá là sâu sắc, cụ thể. Trong cuộc hội đàm, Bộ trưởng Kuleba tuyên bố Ukraine, trong giai đoạn phù hợp, sẵn sàng tiến hành đối thoại và đàm phán với phía Nga nhưng cần hợp lý và thực tế.
Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba bày tỏ mong muốn: "Sẽ có các cuộc đàm phán chi tiết và đầy đủ, mối quan tâm chung của tất cả là hòa bình ở Ukraine. Chúng tôi sẽ đàm phán. Chúng ta phải hướng tới một nền hòa bình công bằng và lâu dài, và Trung Quốc có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc này".
Trong khi đó, Trung Quốc đã một lần nữa khẳng định lập trường của Bắc Kinh, theo đó xung đột Nga - Ukraine cần giải quyết thông qua đàm phán; nhấn mạnh, dù điều kiện và thời gian chưa xác định, Trung Quốc ủng hộ mọi nỗ lực thúc đẩy thiết lập hòa bình và sẵn sàng tiếp tục đóng vai trò xây dựng trong việc hỗ trợ ngừng bắn và nối lại đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh, Ukraine sẵn sàng và mong muốn tiến hành đối thoại và đàm phán với Nga. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán chắc chắn phải hợp lý và có thực chất, hướng tới mục tiêu đạt được hòa bình công bằng và lâu dài.
Tín hiệu từ Bộ trưởng Ngoại giao Kuleba được đưa ra sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc gặp với Quốc vụ khanh Vatican, Hồng y Pietro Parolin tại Kiev cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải chấm dứt xung đột càng sớm càng tốt.
Tổng thống Zelensky trong những phát ngôn gần đây đã phát tín hiệu sẵn sàng đàm phán với Nga.
Quan điểm của Nga về đàm phán với Ukraine:
Theo Thư ký báo chí của Tổng thống Nga - ông Dmitry Peskov, ở thời điểm này Điện Kremlin chưa nhận được thông tin trực tiếp và vẫn đang chờ làm rõ các chi tiết sau tuyên bố của Ngoại trưởng Ukraine về việc sẵn sàng đàm phán với Nga. Ông Peskov nhấn mạnh, Moscow chưa bao giờ từ bỏ tiến trình đàm phán hòa bình và coi đây là một trong những phương án để hiện thực hóa các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt. Điều này có nghĩa, thông điệp từ Kiev phù hợp với lập trường của Nga, tuy nhiên quan trọng là các chi tiết về hiện trạng đàm phán.
Trước đó, Tổng thống Nga Putin đã không ít lần tuyên bố, Nga sẵn sàng đàm phán với Ukraine. Ông cho biết Nga sẽ chấm dứt chiến sự ở Ukraine nếu Kiev rút quân khỏi Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporozhia, công nhận bán đảo Crimea là một phần của Nga. Nhà lãnh đạo Nga cũng nhấn mạnh, bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cũng sẽ yêu cầu Ukraine từ nỗ lực gia nhập NATO.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga - bà Maria Zakharova - cho rằng Ukraine chưa thực hiện các bước đi thực sự để giải quyết xung đột. Vào năm 2022, ông Zelensky đã ký sắc lệnh cấm Ukraine đàm phán với Nga trong thời gian ông Putin làm Tổng thống.
Triển vọng hòa đàm Nga - Ukraine:
Trong bối cảnh cả hai bên đều phát đi những tín hiệu hiếm hoi về hòa đàm thì trên thực địa, các xung đột vẫn diễn ra.
Khi cả hai phía cũng cho thấy sẽ còn cần thảo luận các chi tiết về đối thoại, đàm phán cũng như một số điều kiện đi kèm thì triển vọng về một cuộc hòa đàm là điều được đặc biệt quan tâm.
Bình luận về các động thái mới từ Ukraine, Đài DW trích dẫn một cuộc khảo sát do Trung tâm Razumkov - một nhóm nghiên cứu của Ukraine - thực hiện cho thấy tỷ lệ người Ukraine ủng hộ đàm phán chính thức với Nga đã tăng cao.
Cùng chung vấn đề này, tờ Newsweek cũng nhận định, triển vọng về các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt cuộc chiến đang ngày càng được thúc đẩy khi Tổng thống Ukraine Zelensky tuần trước tuyên bố rằng các đại diện của Nga nên tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình được lên kế hoạch vào tháng 11.
Phân tích về các nỗ lực hòa bình cho xung đột Nga - Ukraine, tờ tin tức Vatican trích dẫn thông tin từ Hồng y Parolin cho biết, Vatican tái khẳng định cam kết về việc tìm ra giải pháp để đạt được hòa bình cho xung đột tại Ukraine, trong đó nhấn mạnh các sáng kiến nhân đạo là một con đường mang lại nền hòa bình. Ngoài ra, cần có việc tránh leo thang căng thẳng, đảm bảo tự do lưu thông hàng hóa.
Trong khi đó, tờ Thời báo New York trích đánh giá của bà Nataliya Butyrska, chyên gia về quan hệ Ukraine - châu Á tại Trung tâm châu Âu Mới cho biết tại Kiev ngày càng có nhiều sự hiểu biết rằng các cuộc đàm phán hòa bình không có sự tham gia của Trung Quốc sẽ không có ý nghĩa. Chuyên gia này cho biết Trung Quốc là quốc gia có thể thúc đẩy Nga tham gia các cuộc đàm phán hòa bình.
Về triển vọng, tờ Reuters trích tuyên bố của Tổng thống Ukraine nhấn mạnh cần có các cường quốc tham gia mới có thể chấm dứt xung đột, trong đó, Trung Quốc và Mỹ là các quốc gia có thể đóng vai trò như vậy.
Các nỗ lực ngoại giao giải quyết xung đột Nga - Ukraine cho đến nay vẫn được đánh giá là chưa đưa ra được giải pháp thực tế song vẫn là con đường cần thiết. Các tín hiệu mới từ Ukraine và cả thông tin phản ứng từ Nga được nhận định là những bước đi tích cực.
Các chuyên gia cho rằng các nỗ lực ngoại giao sẽ đòi hỏi một sự công bằng nhất định, tức là không có "lập trường cực đoan chống lại bên kia".
Công thức hòa bình cho cuộc xung đột này sẽ cần thêm các giải pháp khác cùng sự tham gia của các bên liên quan trực tiếp là Nga, Ukraine và các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu.
Đường tới đàm phán có thể sẽ còn xa, nhưng hòa bình phải là hướng đi mà các nước cùng thống nhất hướng tới.