Triển vọng ảm đạm của giá dầu trong năm 2025
Hầu hết các ngân hàng và hãng phân tích đều dự báo giá dầu thô Brent sẽ giảm xuống mức trung bình 70-75 USD/thùng trong năm 2025, so với mức 80 USD/thùng năm 2024.
Báo The National News của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) vừa đăng bài viết dẫn đánh giá của giới phân tích nhận định rằng tình trạng dư cung tiềm ẩn của thị trường cũng như nhu cầu suy yếu tại Trung Quốc và các nền kinh tế phát triển có thể sẽ đẩy giá dầu thô xuống thấp hơn trong năm 2025.
Dưới đây là nội dung bài viết:
Hầu hết các ngân hàng và hãng phân tích đều dự báo giá dầu thô Brent sẽ giảm xuống mức trung bình 70-75 USD/thùng trong năm 2025, so với mức 80 USD/thùng năm 2024, do sản lượng toàn cầu gia tăng, các rủi ro địa chính trị dịu bớt và sự thay đổi mô hình nhu cầu của Trung Quốc.
Những lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2025 đang gia tăng khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump được cho là sẵn sàng áp dụng các mức thuế đáng kể đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước đồng minh khác.
Điều này trái ngược với mức dự báo dư cung của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Trong báo cáo mới nhất về thị trường dầu mỏ thế giới, IEA dự đoán thị trường dầu toàn cầu sẽ dư cung 950.000 thùng/ngày, đồng thời cảnh báo con số này có thể tăng lên 1,4 triệu thùng/ngày nếu Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, bắt đầu nới lỏng các mức cắt giảm sản lượng vào cuối tháng 3/2025.
Ngày 5/12/2024, OPEC+ đã gia hạn các mức cắt giảm sản lượng tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày đến cuối tháng 3/2025. Các mức cắt giảm này ban đầu dự kiến sẽ được loại bỏ dần từ tháng 10/2024. Các nhà phân tích cho rằng OPEC+ có thể sẽ tiếp tục gia hạn các mức cắt giảm sản lượng đó nếu cần thiết, bất chấp những lo ngại về việc liên minh này đang mất thị phần vào tay các nhà sản xuất khác.
Nhà phân tích Warren Patterson, người đứng đầu bộ phận chiến lược hàng hóa của hãng cung cấp dịch vụ tài chính đa quốc gia của ING có trụ sở tại Hà Lan, nhận định: "Hành động hồi đầu tháng 12/2024 của OPEC+ cho thấy khối này dường như cam kết cố gắng giữ cho thị trường dầu mỏ cân bằng hơn". Ông Staunovo cũng lưu ý rằng hiện không có dấu hiệu nào cho thấy OPEC+ có ý định đấu tranh để giành thị phần và bơm thêm dầu ra thị trường dầu mỏ quốc tế.
ING dự đoán giá dầu Brent sẽ đạt trung bình 71 USD/thùng trong năm 2025 do tình trạng dư cung, đồng thời cảnh báo triển vọng của thị trường dầu mỏ đang đối mặt với những rủi ro rõ ràng, bao gồm cả việc thực thi nghiêm ngặt hơn các biện pháp trừng phạt đối với Iran.
Ông Trump có kế hoạch thắt chặt đáng kể các biện pháp trừng phạt đối với Iran và hạn chế hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của quốc gia Trung Đông này như một phần của chiến dịch "gây áp lực tối đa" lên Tehran. Iran - quốc gia đã thành công vượt qua các lệnh trừng phạt dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden - đã chứng kiến sản lượng dầu tăng lên khoảng 3,32 triệu thùng/ngày trong tháng 11/2024, từ mức 2,86 triệu thùng/ngày ghi nhận vào tháng trước đó.
Giá dầu thô đã suy giảm trong nửa cuối năm 2024 do nhu cầu suy yếu ở Trung Quốc, giữa lúc nước này chứng kiến đà suy giảm tăng tưởng kinh tế và nhanh chóng áp dụng xe điện và xe lai (hybrid). IEA trước đó dự báo nhu cầu dầu ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ đạt đỉnh vào năm 2024, trong khi hãng cung cấp thông tin năng lượng và hàng hóa S&P Global Commodity Insights dự đoán nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc sẽ đạt đỉnh trong năm 2025.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư đã lạc quan hơn sau khi Bắc Kinh công bố các biện pháp kích thích để vực dậy nền kinh tế, vốn bị ảnh hưởng bởi chi tiêu tiêu dùng suy yếu và sự suy thoái của thị trường bất động sản. Ông Staunovo cho rằng Trung Quốc sẽ được hưởng lợi "ở mức vừa phải" từ các biện pháp kích thích, nhưng tác động đối với tăng trưởng nhu cầu dầu có thể sẽ không đáng kể.
Theo dự báo của IEA, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 1,1 triệu thùng/ngày trong năm 2025, từ mức 840.000 thùng/ngày năm 2024. Trong khi tăng trưởng nhu cầu ở Trung Quốc đã chậm lại, các nền kinh tế châu Á mới nổi dự kiến vẫn sẽ chiếm phần lớn mức tăng này.
Ngân hàng Emirates NBD của UAE đánh giá nguồn cung ngày càng tăng, cùng với tăng trưởng nhu cầu không chắc chắn và các rủi ro địa chính trị dịu bớt hơn, có thể sẽ tiếp tục gây áp lực lên giá dầu. Ngân hàng này dự báo giá dầu Brent sẽ đạt trung bình 73,1 USD/thùng trong năm 2025. Trong khi căng thẳng địa chính trị đã tạo ra biến động ngắn hạn cho giá dầu vào năm ngoái, việc không xảy ra tình trạng gián đoạn nguồn cung đáng kể nào đã hạn chế tác động của những rủi ro này đối với thị trường dầu mỏ.
Bất chấp những căng thẳng leo thang ở Trung Đông, bao gồm cuộc chiến ở Dải Gaza và căng thẳng giữa Iran và Israel, giá dầu thô Brent đã giảm gần 18% kể từ khi đạt 92 USD/thùng vào tháng 4/2024. Công suất dự phòng hơn 5 triệu thùng/ngày của OPEC cũng đã giúp giảm bớt tác động của các diễn biến địa chính trị cũng như trấn an giới giao dịch rằng khối này có thể cung cấp thêm dầu cho thị trường trong trường hợp gián đoạn nguồn cung.
Những dự báo về tình trạng dư cung trên thị trường dầu mỏ trong năm nay cũng được thúc đẩy bởi kỳ vọng về sự gia tăng sản lượng mạnh mẽ ở các quốc gia ngoài OPEC+. Theo nhận định của OPEC, nguồn cung dầu thô của các nhà sản xuất ngoài OPEC+ dự kiến sẽ tăng 1,1 triệu thùng/ngày trong năm 2025, với Mỹ, Brazil, Canada và Na Uy dẫn đầu mức tăng này.
Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) của Mỹ dự báo sản lượng dầu thô toàn cầu sẽ tăng 1,6 triệu thùng/ngày trong năm 2025, với 90% mức tăng này (tương đương khoảng 1,44 triệu thùng/ngày) đến từ các quốc gia ngoài OPEC+. Sản lượng dầu mỏ và khí đốt của Mỹ sẽ tăng lên 13,5 triệu thùng/ngày trong năm nay, so với mức ước đạt 13,2 triệu thùng/ngày năm 2024.
Trong báo cáo Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn công bố mới đây, EIA dự báo thị trường dầu mỏ sẽ tương đối cân bằng trong năm 2025, với giá dầu Brent sẽ ở mức trung bình 74 USD/thùng, giảm đáng kể so với mức dự báo trước đó là 81 USD/thùng.
Ông Trump từng tuyên bố sẽ thúc đẩy các hoạt động khoan thăm dò dầu khí ở Mỹ bằng cách nới lỏng các quy định về môi trường và đẩy nhanh việc cấp phép cho các dự án mới. Các nhà phân tích cho rằng các chính sách của ông Trump sẽ không thúc đẩy đáng kể hoạt động sản xuất dầu của Mỹ trong năm 2025.
Tuy nhiên, các chính sách thuế quan mạnh mẽ của Tổng thống đắc cử Mỹ có thể cản trở tăng trưởng kinh tế, qua đó làm giảm nhu cầu dầu toàn cầu. Ông Trump đã đề xuất mức thuế 60% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và mức thuế 20% đối với tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ.
Hồi tháng 11/2024, ông Trump cho biết ông sẽ ký một sắc lệnh áp đặt mức thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mexico và Canada vào Mỹ. Ông cũng đe dọa áp dụng các biện pháp thuế quan đối với Liên minh châu Âu (EU) nếu khối này không tăng mua dầu thô và khí đốt của Mỹ.