Triển lãm ô tô tại Việt Nam: Xu hướng 'mạnh ai nấy đi'

Thay vì tề tựu trong một triển lãm chung, ngành công nghiệp ô tô năm 2024 có xu hướng tách biệt, với xu hướng tự tổ chức các 'triển lãm mini' nhằm thể hiện cá tính riêng.

Việc tự chủ về tổ chức cho phép các hãng thoải mái thể hiện cá tính riêng. Ảnh: Hoàng Linh.

Việc tự chủ về tổ chức cho phép các hãng thoải mái thể hiện cá tính riêng. Ảnh: Hoàng Linh.

Trong động thái mới nhất, Mercedes-Benz ngày 11-9 cho biết, sẽ tự tổ chức triển lãm riêng mang tên “Mercedes-Benz: The Avantgarde 2024” tại Hà Nội từ ngày 11 đến 13-10 tới. Trong khuôn khổ sự kiện, khách tham quan sẽ chiêm ngưỡng chiều dài lịch sử 138 năm của hãng xe Đức và xem các hoạt động biểu diễn nghệ thuật.

Thông tin mới từ hãng xe Đức được hé lộ trong bối cảnh Triển lãm ô tô Việt Nam (VMS) năm 2024 tiếp tục có nhiều thay đổi về công tác tổ chức. Trong đó, BYD và Volvo là những cái tên mới nhất vắng bóng khỏi cuộc chơi (theo cập nhật trên trang chủ của VMS 2024). Như vậy, số lượng nhà sản xuất tham gia sự kiện thường niên quan trọng nhất của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam chỉ còn 9 thương hiệu.

Trước đó, Mercedes-Benz, Audi, Porsche, Lexus, nhóm thương hiệu do THACO quản lý (như BMW, KIA, Mazda…), cùng Hyundai, Ford… đều đã thông báo không tham dự VMS 2024. Trong số này có nhiều thành viên Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), vốn thường xuyên góp mặt trong những kỳ diễn ra trước kia.

Theo giới chuyên môn, việc các nhà sản xuất “có số má” liên tục rút khỏi VMS có nhiều nguyên nhân. Trước hết là việc thị trường đang gặp nhiều khó khăn với doanh số giảm mạnh so với những năm trước, buộc các hãng buộc phải cân nhắc tối ưu chi phí.

Thứ đến, sức mua ô tô suy giảm trong thời gian dài buộc các thương hiệu tập trung dồn toàn lực để tăng ưu đãi, hỗ trợ trực tiếp cho khách hàng, thay vì đầu tư vào một sự kiện chưa đong đếm được hiệu quả cụ thể.

Người tiêu dùng lái thử xe BMW tại Summerfest 2024 (Hà Nội). Ảnh: Hoàng Linh.

Người tiêu dùng lái thử xe BMW tại Summerfest 2024 (Hà Nội). Ảnh: Hoàng Linh.

Một yếu tố mang tính khách quan là về nhu cầu không gian triển lãm. Trong những năm qua, ngành công nghiệp ô tô trong nước đã chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng không chỉ về số lượng các nhãn hàng, mà cả số lượng các sản phẩm mới, khiến nhu cầu về không gian tổ chức triển lãm gia tăng.

Tuy nhiên, thực tế là nước ta từ lâu đã khá thiếu cơ sở hạ tầng đủ rộng để đáp ứng nhu cầu của của ngành công nghiệp ô tô, không chỉ bó buộc nhu cầu trưng bày sản phẩm mà còn khiến chi phí thuê mặt bằng trở nên đắt đỏ.

Việc một số hãng có xu hướng tự tổ chức các hoạt động riêng còn nhằm tránh sự gò bó từ một định dạng sự kiện chung. Sự sáng tạo hoàn toàn chủ động cho phép các tên tuổi thoải mái thể hiện cá tính và tiếp cận gần hơn tới khách hàng, mà Mercedes-Benz lần này chính là ví dụ điển hình.

Thực tế, năm 2024 cũng là giai đoạn đánh dấu BMW bắt đầu mạnh tay tổ chức các sự kiện trưng bày và trải nghiệm xe riêng. Lần gần nhất tại Hà Nội là vào tháng 5-2024 vừa qua, quy tụ đủ các sản phẩm nhánh gồm BMW, MINI và mô tô BMW Motorrad. Trước đó, hãng cũng đã tổ chức Springfest tại thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 3-2024.

Ngày hội trải nghiệm của Toyota tại phố đi bộ Hồ Gươm thu hút đáng kể giới trẻ. Ảnh: TMV.

Ngày hội trải nghiệm của Toyota tại phố đi bộ Hồ Gươm thu hút đáng kể giới trẻ. Ảnh: TMV.

Tương tự, VinFast, Hyundai, Toyota... cũng là những nhà sản xuất tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động riêng trong suốt năm qua. Bản thân BYD – dù mới gia nhập thị trường Việt Nam – thời gian qua cũng liên tục tổ chức các buổi trình diễn xe và lái thử quy mô lớn ở cả Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, thay vì tham dự các sự kiện tổng hợp.

Xu hướng phân tán trong hoạt động triển lãm ô tô tại Việt Nam được dự báo sẽ còn tiếp diễn, đồng nghĩa các triển lãm ô tô quy mô lớn ở Việt Nam – trong đó có VMS 2024 - còn biến động và phân tách trong thời gian tới.

Hoàng Linh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/trien-lam-o-to-tai-viet-nam-xu-huong-manh-ai-nay-di-677778.html
Zalo