Triển lãm 'Đất' của họa sĩ Lý Trực Sơn
Hơn 70 tác phẩm được trưng bày trong triển lãm 'Đất' của họa sĩ Lý Trực Sơn phản ánh suy tư của ông về một lối vẽ trừu tượng, một cách tiếp cận văn hóa đa tầng.
Từ ngày 29/9 đến hết ngày 17/11/2024, tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) diễn ra triển lãm cá nhân “Đất” của họa sĩ Lý Trực Sơn.
Đây có thể coi là sự kiện đánh dấu chặng đường 10 năm lao động nghệ thuật của ông để tìm kiếm một chất liệu ngôn ngữ mới.
Triển lãm “Đất” tập hợp 71 tác phẩm mới nhất của họa sĩ Lý Trực Sơn, hầu hết được thực hiện trong ba năm, từ cuối 2022 đến 2024, đặc biệt trong đó có đến 16 bức tranh khổ lớn với kích thước 4,2m x 2,1m.
Giã từ chất liệu sơn mài - sơn ta, ngôn ngữ tạo hình truyền thống đã gắn với tên tuổi của mình, giã từ chất liệu giấy dó vốn gắn với sự linh hoạt di chuyển đã theo ông trong suốt những năm tháng rong ruổi nơi xa xứ, “Đất” là một cuộc hữu duyên từ chất liệu, không gian, thời gian, ngôn ngữ sáng tác, đến tâm thế và tinh thần nghệ thuật của họa sĩ Lý Trực Sơn.
Xuyên suốt các tác phẩm của ông, ta thấy sự tiếp thu tinh thần của nghệ thuật phương Tây từ tư tưởng tiền Phục hưng, ngôn ngữ nghệ thuật của Tapies, Rothko, Giacometti, Uecker, cộng hưởng với tinh hoa văn hóa phương Đông trong những họa tiết dân gian, tạo hình thời Lý - Trần và thử nghiệm với những chất liệu tự nhiên nguyên sơ như đất, đá, cát, cây cỏ và các chất liệu tự nhiên khác.
Hơn 70 tác phẩm được trưng bày trong triển lãm lần này phản ánh suy tư của Lý Trực Sơn về một lối vẽ trừu tượng, một cách tiếp cận văn hóa đa tầng.
Thay vì cố gắng cắt nghĩa các tạo hình trong tranh, triển lãm “Đất” mời gọi người xem bước vào một trạng thái nhập định và chiêm nghiệm về lực hút huyền bí từ vô thức đã chỉ dẫn cho những sáng tạo của người nghệ sĩ hay sự hiện hữu vật lý từ cơ thể, chất liệu mà Lý Trực Sơn đã chắt lọc và kiến tạo nên vũ trụ của riêng mình.
Họa sĩ Lý Trực Sơn sinh năm 1949 tại Thừa Thiên Huế. Ông sáng tác trên nhiều chất liệu bao gồm sơn mài, giấy dó, sơn dầu và chất liệu tổng hợp. Lý Trực Sơn là người đồng sáng lập nhóm Sơn Ta và là một thành viên tích cực của nhóm (2013 - 2018). Mục tiêu của nhóm là tìm tòi, phát triển ngôn ngữ riêng cho sơn mài thành một ngôn ngữ tạo hình độc đáo tiếp nối Trường Mỹ thuật Đông Dương.
Một số triển lãm nổi bật của ông bao gồm “Chốn này” (2009), “Không vô can và Ballad biển Đông” (2010), Biennale nghệ thuật quốc tế Beijing lần thứ 5, Trung Quốc (2012), “Tố nữ dân ca” (2015), “Đất và dó” (2017). Các tác phẩm của ông nằm trong nhiều bộ sưu tập cả trong và ngoài nước như Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Prague (National Gallery Prague) và một số bộ sưu tập tư nhân.