Triển lãm bản in kiệt tác của các họa sĩ nổi tiếng mỹ thuật Đông Dương

Nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (tiền thân là Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương) (1925-2025), ngày 7-1, triển lãm và tọa đàm với chủ đề 'Sự hồi sinh của nghệ thuật hiện đại ở Đông Dương' đã diễn ra tại Hội trường Ngụy Như Kon Tum (19 Lê Thánh Tông, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Sự kiện do Công ty TNHH Salmon tổ chức, với sự hỗ trợ từ Viện Pháp và Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, nhằm tôn vinh di sản nghệ thuật Việt Nam giai đoạn 1925-1945, đồng thời làm phong phú thêm những kiến thức về Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

Các bản in tác phẩm của các họa sĩ nổi tiếng mỹ thuật Đông Dương được triển lãm. Ảnh: Thụy Du

Các bản in tác phẩm của các họa sĩ nổi tiếng mỹ thuật Đông Dương được triển lãm. Ảnh: Thụy Du

Tại đây, công chúng được chiêm ngưỡng 25 bản in cao cấp từ kiệt tác của các họa sĩ nổi tiếng như Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm, Nguyễn Phan Chánh, Lê Văn Đệ… tổ chức theo hình thức mô phỏng lại không gian trưng bày của tác phẩm thật tại Aguttes - nhà đấu giá hàng đầu châu Âu tại thị trường hội họa châu Á.

Đây là bản in những tác phẩm tuyển chọn từ hơn 1.000 tác phẩm và 70 nghệ sĩ từng được thẩm định bởi nhà đấu giá này. Những bức họa tái hiện thời kỳ hoàng kim của hội họa Đông Dương, cũng như sự giao thoa tinh tế giữa hơi thở phương Tây và dòng chảy mỹ thuật Việt Nam giai đoạn trước năm 1945.

Bản in tác phẩm tại triển lãm.

Bản in tác phẩm tại triển lãm.

Bản in tác phẩm tại triển lãm.

Bản in tác phẩm tại triển lãm.

Đặc biệt, tọa đàm “Sự hồi sinh của nghệ thuật hiện đại ở Đông Dương” thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia quốc tế, hậu duệ các họa sĩ nổi tiếng, nhà nghiên cứu và người yêu nghệ thuật. Tọa đàm do bà Charlotte Aguttes-Reynier - chuyên gia hàng đầu về nghệ thuật hiện đại châu Á, tác giả cuốn sách “L'Art Moderne en Indochine”, hiện là Chủ tịch Hiệp hội các nghệ sĩ châu Á tại Paris (AAP), dẫn dắt. Các diễn giả đã chia sẻ về vai trò của Trường Mỹ thuật Đông Dương trong việc định hình nghệ thuật hiện đại khu vực.

Trong đó, có các phiên thảo luận xoay quanh nhiều chủ đề: Ký ức tình bạn giữa Jacques Lebas – giám học Sarraut, phụ trách giảng dạy bộ môn lịch sử nghệ thuật tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và Victor Tardieu – người sáng lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương; đóng góp của các kỹ thuật truyền thống Trung Hoa đối với nghệ thuật hiện đại Đông Dương; Evariste Jonchère, người mang sứ mệnh phát triển nghệ thuật trang trí; tầm quan trọng của giáo dục đa văn hóa; thúc đẩy sự sáng tạo thông qua các cuộc triển lãm và phòng trưng bày nghệ thuật.

Bản in tác phẩm tại triển lãm.

Bản in tác phẩm tại triển lãm.

Bản in tác phẩm tại triển lãm.

Bản in tác phẩm tại triển lãm.

Trong các phiên thảo luận, thông qua câu chuyện của các diễn giả như ông Arnaud Fontani – hậu duệ của nghệ sĩ Evariste Jonchère (Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương giai đoạn 1938-1944); ông Ngô Kim Khôi – cháu trai họa sĩ Nam Sơn; ông Alain Le-Kim - con trai họa sĩ Lê Phổ; nghệ sĩ Nguyễn Trần Ưu Đàm... đã làm sáng tỏ và sâu sắc nhận thức về nghệ thuật hiện đại Đông Dương.

Nhân dịp này, Ban tổ chức đã công bố giải thưởng và học bổng đặc biệt dành cho sinh viên mỹ thuật, nhằm khuyến khích thế hệ trẻ tiếp tục phát huy di sản sáng tạo của các bậc thầy nghệ thuật.

An Nhi

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/trien-lam-ban-in-kiet-tac-cua-cac-hoa-si-noi-tieng-my-thuat-dong-duong-689723.html
Zalo