Triển khai thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Chiều 25/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì hội nghị quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đồng chí Nguyễn Đức Vượng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Hà Nam.

Đồng chí Nguyễn Đức Vượng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Hà Nam.

Tại điểm cầu UBND tỉnh Hà Nam, đồng chí Nguyễn Đức Vượng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ngành; các Ban của HĐND tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua 18 luật, 4 nghị quyết quy phạm pháp luật và 17 nghị quyết điều hành kinh tế - xã hội với sự đồng thuận cao. Công tác triển khai thi hành các luật, nghị quyết đã được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Đến nay, nhiều dự án luật đã được các bộ, ngành, địa phương cơ bản hoàn thiện kế hoạch triển khai thi hành để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Để kịp thời đưa các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 đi vào cuộc sống, công tác chỉ đạo, hướng dẫn phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đã được chú trọng thực hiện. Bộ Tư pháp đã chủ động phối hợp với các cơ quan chủ trì soạn thảo biên soạn tài liệu giới thiệu nội dung cơ bản các luật mới. Công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết được chú trọng, quan tâm. Ngay khi kết thúc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ khẩn trương phối hợp với các bộ, cơ quan rà soát, xác định nội dung, lập danh mục văn bản quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết. Hiện nay, các bộ, cơ quan được giao chủ trì đang tiến hành triển khai thực hiện theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, một số bộ, cơ quan đã thành lập ban soạn thảo, tổ biên tập và bước đầu dự thảo văn bản quy định chi tiết. Trong đó, đặc biệt lưu ý có 69 văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết hoặc nội dung giao quy định chi tiết sẽ có hiệu lực từ rất sớm (1/12/2024, 1/1/2025, 15/1/2025, 1/2/2025, 1/4/2025). Bộ Tư pháp cũng đã chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan rà soát và đã gửi thông báo đến HĐND, UBND cấp tỉnh những nội dung luật, nghị quyết giao cho chính quyền địa phương quy định chi tiết để kịp thời xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết và tổ chức triển khai thi hành các luật, pháp lệnh một cách đồng bộ, hiệu quả.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Một số nhiệm vụ cần tập trung triển khai trong thời gian tới về công tác triển khai thi hành các luật được xác định: Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8; sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền kế hoạch triển khai thi hành các luật, nghị quyết. Tập trung nguồn lực ban hành đúng tiến độ các văn bản quy định chi tiết các luật đã được thông qua. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, PBGDPL. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật. UBND cấp tỉnh chủ động ban hành kế hoạch triển khai các luật, nghị quyết trên địa bàn; tập trung rà soát, nghiên cứu, chuẩn bị điều kiện cần thiết và tổ chức thực hiện các thẩm quyền, nhiệm vụ được giao. Bộ Tư pháp phối hợp Văn phòng Chính phủ, Sở Tư pháp phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc, thường xuyên làm việc trực tiếp với các bộ, sở, ngành liên quan để kịp thời nắm bắt tiến độ, tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, hoàn thiện thể chế là một trong ba đột phá chiến lược, thể chế là đột phá của đột phá, là nguồn lực, động lực phát triển. Quốc hội, Chính phủ đã cùng nhau thực hiện chủ trương của Đảng, dành nhiều thời gian, nguồn lực cho công tác hoàn thiện thể chế nhưng đến nay thể chế vẫn là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thông qua số lượng lớn luật, nghị quyết với sự đồng thuận, thống nhất cao của các vị đại biểu Quốc hội. Trong đó, nhiều luật, nghị quyết liên quan đến các lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội, như: đầu tư; tài chính, ngân sách, thuế; an sinh xã hội; quốc phòng, an ninh. Các luật, nghị quyết được thông qua đã quán triệt sâu sắc tinh thần đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật theo chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, bảo đảm ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế nhằm khơi thông mọi nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại hạn chế, rút ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm để tiếp tục triển khai, thực hiện tốt những nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới về công tác lập pháp, . Tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng, các kết luận của Trung ương trong quá trình xây dựng và thực thi pháp luật; bảo đảm sự gắn kết giữa công tác xây dựng với thi hành pháp luật. Bố trí nguồn lực, chuẩn bị tốt các yêu cầu để bảo đảm thực hiện tốt các nhiệm vụ đã đề ra. Tuân thủ nghiêm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình xây dựng các văn bản. Tăng cường công tác quán triệt, phổ biến, hướng dẫn thi hành bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú để doanh nghiệp, người dân nắm bắt và thực hiện. Nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy tính chủ động sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức trong quá trình thực thi. Tăng cường giám sát, kiểm tra, phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng tiêu cực trong quá trình thi hành pháp luật. Chủ động rà soát, xử lý kịp thời các vướng mắc bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần vào cuộc sớm, chủ động ban hành các văn bản, tổ chức thực thi các nhiệm vụ được giao; khắc phục tình trạng xem nhẹ việc xây dựng và thực thi pháp luật; bố trí nguồn lực thỏa đáng về con người, tài chính và các điều kiện khác...

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại hội nghị.

Nguyễn Khánh

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/chinh-tri/xay-dung-dang-chinh-quyen/trien-khai-thi-hanh-cac-luat-nghi-quyet-duoc-thong-qua-tai-ky-hop-thu-8-quoc-hoi-khoa-xv-142556.html
Zalo