Triển khai sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND
Sáng 28/3, tại nhà Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì cuộc làm việc với các cơ quan của Quốc hội về việc triển khai sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
Đến thời điểm hiện tại, Dự thảo luật sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND bổ sung 51 điều/91 điều so với Luật hiện hành chiếm gần 60%. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết kỳ họp thứ 9 tới đây, Quốc hội sẽ xem xét việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và nhiều dự án Luật khác, trong đó có nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, đặt ra yêu cầu tiếp tục nghiên cứu sửa đổi toàn diện đối với dự án luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ trong đó cần chỉnh lý toàn diện đối với nội dung quy định về: Việc không tổ chức cấp huyện cần nghiên cứu sửa đổi nhiều điều, khoản của dự thảo Luật về giám sát của HĐND cấp huyện và nghiên cứu về cơ chế giám sát đối với Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân khu vực, cơ quan thi hành án dân sự:
"Tới đây HĐND cấp xã không còn cấp trung gian, chắc chắn cơ cấu và thành phần cũng sẽ khác và quyền lực cũng lớn. Bởi, chỉ còn cấp tỉnh với cấp cơ sở thì chức năng của cấp xã như thế nào?, cách tổ chức giám sát như thế nào?, liên quan đến Thường trực HĐND, đến các ban của HĐND cấp xã, với quy mô thế nào, quy định hoạt động giám sát phải theo đó. Lấy ví dụ các ban của HĐND cấp xã mà có thì chắc chắn phải thực hiện quyền giám sát" - Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Đại biểu góp ý kiến
Về thẩm quyền giám sát, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo luật đã sửa đổi nội dung này theo hướng thẩm quyền của Quốc hội trong việc giám sát tối cao đối với các cơ quan nhà nước ở Trung ương, không giám sát đối với các cơ quan nhà nước ở địa phương để tránh trùng lặp với hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân. Góp ý tại buổi làm việc, ý kiến của đại diện một số cơ quan của Quốc hội nhất trí về về giám sát của hội đồng nhân dân, nên phân cấp phân quyền cho các ban của Hội đồng nhân dân giám sát, để thực hiện giám sát chuyên sâu.
Về giám sát hội đồng nhân dân cấp xã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa xã hội Đỗ Thị Lan cho rằng, hiện nay chúng ta chưa hình thành với HĐND cấp xã cụ thể về quy mô, chức năng nhiệm vụ, nhưng về cơ bản bỏ cấp huyện, quy định trực tiếp 2 cấp, cấp tỉnh và cấp xã tôi nghĩ rằng cần thiết giám sát của HĐND cấp xã. Còn đến khi chúng ta hình thành quy mô tổ chức, chức năng nhiệm vụ của HĐND cấp xã thì chúng ta sẽ có quy định đối với HDDND này. Giám sát của HĐND cấp xã là cần thiết.

Toàn cảnh phiên họp
Tại buổi làm việc các đại biểu cũng góp ý về các nội dung giám sát tối cao, nguyên tắc giám sát... Trong đó có bổ sung nguyên tắc tổ chức giám sát từ cơ sở, ngay từ khi triển khai thực hiện chính sách, pháp luật; không làm cản trở đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng nêu rõ phải quán triệt quan điểm đổi mới tư duy, đổi mới cách xây dựng luật, để đảm bảo luật tháo gỡ được những vướng mắc thực tiễn trong hoạt động giám sát. Cần tiếp tục nghiên cứu để xây dựng luật ngắn gọn trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9.