Triển khai quyết liệt và hiệu quả nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông
Đó là chỉ đạo của ông Nguyễn Hồng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh tại hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông 8 tháng và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm 2024.
8 tháng năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 396 vụ tai nạn giao thông, làm chết 108 người, bị thương 363 người. So với cùng kỳ, tăng 75 vụ, giảm 65 người chết, tăng 175 người bị thương (93,1%). Trong đó, đường bộ xảy ra 393 vụ, làm chết 106 người, làm bị thương 363 người; so với cùng kỳ tăng 73 vụ (22,8%), giảm 66 người chết (38,4%), tăng 175 người bị thương (93,1%). Tai nạn giao thông đường sắt xảy ra 3 vụ, làm chết 2 người; so với cùng kỳ tăng 2 vụ, tăng 1 người chết.
Nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông đường bộ nhiều nhất là do người điều khiển phương tiện ô tô, xe gắn máy không chú ý quan sát (chiếm 30,3%), đi không đúng phần đường, làn đường (chiếm 14,5%), chuyển hướng sai quy định (chiếm 6,1%), không nhường đường (chiếm 4,1%), không giữ khoảng cách an toàn (chiếm 2,5%), vượt xe (chiếm 0,8%), tránh xe (chiếm 0,8%), do người đi bộ (chiếm 0,8%); dừng đỗ xe không đúng quy định (chiếm 0,3%); các nguyên nhân khác (chiếm 39,9%).
Tai nạn giao thông xảy ra chủ yếu trên các tuyến quốc lộ, nhất là quốc lộ 1A với 117 vụ, chiếm 29,8% và các tuyến đường nội thị là 123 vụ, chiếm 31,3%; thời gian xảy ra tai nan giao thông nhiều nhất là vào ban đêm sau 18 - 24 giờ, với 165 vụ, chiếm 42%. Bên cạnh nỗ lực và kết quả đạt được, tình hình tai nạn giao thông tại một số địa phương có xu hướng tăng. Trong đó, huyện Hàm Thuận Bắc tăng cả 2 tiêu chí về số vụ và số người bị thương, huyện Phú Quý tăng 2 tiêu chí về số vụ và số người bị thương.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát các điểm đen, điểm mất an toàn giao thông trên các tuyến đường đề ra biện pháp xử lý kịp thời. Công an tỉnh tiếp tục triển khai quyết liệt hơn nữa các cao điểm đảm bảo trật tự an toàn giao thông; xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường; xử lý nghiêm các đối tượng ném đá, trộm tấm rào chắn và tấm chống chói trên các tuyến cao tốc qua địa bàn tỉnh.
Sở Giao thông vận tải có biện pháp xử lý và khắc phục kịp thời các tuyến đường hư hỏng; tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác đăng kiểm, đào tạo sát hạch giấy phép lái xe; đôn đốc kiểm tra tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các trạm dừng nghỉ trên tuyến đường cao tốc. Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường THPT trên địa bàn tỉnh phối hợp với các địa phương sắp xếp phương tiện đưa đón học sinh phù hợp, an toàn; có giải pháp quản lý học sinh vi phạm an toàn giao thông.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ điều kiện bảo đảm trật tự an toàn đối với hoạt động vận tải khách trên tuyến đường thủy nội địa. UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên kiểm tra các công trình cầu, cống trên địa bàn để tiến hành thanh thải dòng chảy ở vùng hạ lưu nhằm hạn chế tình trạng ngập lụt khi có mưa lớn xảy ra. Thành phố Phan Thiết tiến hành xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm lòng đường, lề đường; chủ động xử lý tình trạng cát tràn; nghiên cứu biển báo đậu xe chẵn, lẻ tại một số tuyến đường. Các địa phương có tuyến đường bộ cao tốc đi qua xử lý việc chăn thả gia súc đi vào đường cao tốc; ngăn chặn tình trạng ném đá vào xe ô tô đi trên đường, trộm cắp thiết bị chiếu sáng trên cao tốc...