Triển khai quy định về dạy thêm, học thêm: Vai trò quan trọng của hiệu trưởng

Để Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 29) quy định về dạy thêm, học thêm phát huy hiệu quả cao có vai trò đặc biệt quan trọng của hiệu trưởng...

Giờ học của cô và trò Trường THCS Giảng Võ, quận Ba Đình (Hà Nội). Ảnh: Xuân Phú

Giờ học của cô và trò Trường THCS Giảng Võ, quận Ba Đình (Hà Nội). Ảnh: Xuân Phú

Để Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 29) quy định về dạy thêm, học thêm phát huy hiệu quả cao trong thực tiễn cần sự vào cuộc của nhiều bên liên quan; trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của hiệu trưởng nhà trường.

“Thông”… tư tưởng cho giáo viên

Thầy Trần Huy Hoàng - Hiệu trưởng Trường THPT huyện Điện Biên (Điện Biên) cho biết, với dạy - học thêm trong nhà trường, hiệu trưởng có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và phân công giáo viên phù hợp để giảng dạy chất lượng với số tiết đúng quy định; đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy thêm; bố trí, sắp xếp đủ định mức giờ dạy và giáo viên có chất lượng (giáo viên khá, giỏi) để bổ trợ kiến thức cho học sinh.

Hiệu trưởng đồng thời có trách nhiệm kiểm tra, giám sát để đảm bảo giáo viên thực hiện đúng quy định Thông tư 29. Sẽ có một số khó khăn trong nhiệm vụ này, đặc biệt ở trường hợp giáo viên cố tình “lách” quy định, như dạy online, đứng lớp hộ...

Nhận diện một số khó khăn có thể gặp phải trong quản lý giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường, đặc biệt với trường hợp không tự giác tuân thủ quy định, thầy Nguyễn Minh Đạo - Hiệu trưởng Trường THPT Lam Kinh (Thanh Hóa) lưu ý không phải vì khó mà không làm.

“Tôi nghĩ, trước hết cần làm tốt công tác tuyên truyền, làm rõ trách nhiệm và các hình thức kỷ luật nếu giáo viên vi phạm để thầy cô hiểu và tự giác thực hiện đúng Thông tư 29. Tuyệt đối không tính đến phương án không ký giấy cho giáo viên tham gia dạy thêm ngoài trường để tránh phiền phức vì đây là nhu cầu lao động chính đáng. Riêng với Trường THPT Lam Kinh, vì quanh khu vực trường chưa có các trung tâm dạy thêm nên chưa có thầy cô nào đăng ký dạy thêm ngoài trường.

Bên cạnh đó, không còn dạy thêm thu tiền trong nhà trường thì nguồn quỹ phúc lợi của đơn vị sẽ ảnh hưởng. Đây là vấn đề hiệu trưởng cần quan tâm làm tốt công tác tư tưởng đối với đội ngũ. Ngoài ra, Thông tư 29 có hiệu lực vào giữa năm học, nên một việc hiệu trưởng cần làm là điều chỉnh kế hoạch giáo dục sát với từng nhóm học sinh và quản lý nhân lực của đơn vị tốt hơn”, thầy Nguyễn Minh Đạo cho hay.

Vẫn là vấn đề này, thầy Lê Văn Hòa - Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Tin học, Ngoại ngữ tỉnh Quảng Trị nói đến tình huống: Khi giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến chất lượng chuẩn bị bài lên lớp, thời gian dành cho công việc ở trường bị hạn chế, có thể không đảm bảo sức khỏe để dạy chính khóa, dễ xảy ra tình trạng “chân ngoài dài hơn chân trong”.

Do đó, khi tham mưu ban hành quy định dạy thêm học thêm cấp tỉnh, các sở GD&ĐT cần tính tới vấn đề cho giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường tối đa bao nhiêu lớp, tiết. Đây là căn cứ giúp hiệu trưởng quản lý được việc dạy thêm ngoài nhà trường của giáo viên.

 Giờ học tại Trường THCS Bế Văn Đàn (Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: Xuân Phú

Giờ học tại Trường THCS Bế Văn Đàn (Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: Xuân Phú

Khéo xoay xở kinh phí

Từ trước đến nay, hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý trực tiếp về chất lượng dạy thêm, học thêm trong nhà trường. Cái khó sau khi Thông tư 29 ra đời, theo thầy Lê Văn Hòa, là việc quản lý, sử dụng kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường.

Cụ thể, kinh phí trong ngân sách của nhà trường vốn chỉ đủ dùng để chi thường xuyên, nếu sử dụng nhiều vào việc dạy thêm sẽ không đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ chi thường xuyên; không có nguồn lực khác thì không thể động viên được giáo viên tham gia dạy thêm cho học sinh. Rất mừng Bộ GD&ĐT đã có đề xuất các địa phương hỗ trợ kinh phí ôn tập cho các trường. Tuy nhiên, kinh phí này còn phụ thuộc vào nguồn lực mỗi tỉnh/thành.

Tại Trường THPT huyện Điện Biên, thầy Hiệu trưởng Trần Huy Hoàng thông tin, nhà trường phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh và tổ chức công đoàn hỗ trợ thêm để động viên thầy cô; đồng thời, tham mưu cho ngành, UBND tỉnh cấp kinh phí, có chế độ đãi ngộ, chi trả tiết dạy trong trường phù hợp. “Chế độ dạy thêm trong trường được chi từ ngân sách nhưng chưa biết cụ thể bao nhiêu, nên cần có quy định rõ hơn của UBND tỉnh về nội dung này”, thầy Trần Huy Hoàng nêu đề xuất.

Theo ông Trần Tuấn Khanh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang, Bộ GD&ĐT đã giao cho các trường quyền tự chủ xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường đảm bảo hiệu quả, chất lượng. Hiệu trưởng nhà trường hơn ai hết hiểu rõ và quản lý tốt học sinh của mình; cũng như lưu ý giáo viên chú trọng đổi mới phương pháp dạy học nhằm đạt mục tiêu của chương trình.

Với việc quản lý dạy thêm trong nhà trường (cho học sinh chưa đạt, bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh lớp cuối cấp có nhu cầu ôn thi vào lớp 10, ôn thi tốt nghiệp), hiệu trưởng phải sắp xếp, tính toán sao cho đủ nguồn kinh phí cho các lớp này.

Giai đoạn đầu triển khai Thông tư có thể còn gặp lúng túng trong chi trả, tuy nhiên về lâu dài, hiệu trưởng sẽ chủ động hơn trong xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, bố trí nguồn kinh phí đáp ứng theo yêu cầu. Đối với dạy thêm ngoài nhà trường, Thông tư 29 quy định giáo viên dạy thêm phải báo cáo với hiệu trưởng. Như vậy là minh bạch, thuận lợi cho cả giáo viên và hiệu trưởng, không phải cơ chế xin cho như trước đây.

“Tại An Giang, các cơ sở giáo dục đã chấp hành tốt Thông tư 29. Các nhà trường điều chỉnh kế hoạch giáo dục để phù hợp theo quy định. Tuy nhiên, giáo viên cần đầu tư nhiều hơn nữa vào mỗi tiết dạy chính khóa để tổ chức dạy học hiệu quả; giao nhiệm vụ học tập cho học sinh bằng nhiều hình thức… để tổ chức học tập, phát huy khả năng tự học, ý thức học tập cho học sinh.

Mặt khác, hiệu trưởng cần tính toán lại kinh phí để tổ chức dạy thêm đáp ứng yêu cầu các kỳ thi. Hy vọng, Thông tư 29 đem lại sự thay đổi trong giáo dục; việc dạy học phát huy tốt phẩm chất, năng lực học sinh theo yêu cầu của Chương trình GDPT 2018 được thể hiện rõ hơn trong những năm học tới”, ông Trần Tuấn Khanh chia sẻ.

Thông tư 29 ra đời với những mục tiêu tốt đẹp, đó là hướng tới sự minh bạch trong hoạt động dạy thêm, hạn chế tiêu cực trong dạy thêm để góp phần củng cố hình ảnh đẹp về nhà giáo, giảm việc học thêm tràn lan, không cần thiết; hướng đến mục tiêu của Chương trình GDPT 2018 là phát huy năng lực tự học, khắc phục việc học thụ động, lệ thuộc vào thầy cô giáo của học sinh. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, để Thông tư 29 đi vào cuộc sống cần sự thay đổi nhận thức, quyết tâm thực hiện của nhiều bên liên quan.

Hiếu Nguyễn

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/trien-khai-quy-dinh-ve-day-them-hoc-them-vai-tro-quan-trong-cua-hieu-truong-post719895.html
Zalo