Triển khai nghị quyết 57-NQ/TW: Tạo đột phá từ cơ chế

Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là những yếu tố then chốt quyết định thành công mỗi quốc gia.

Tiết học Tin học tại Trường Tiểu học Thới Bình B (Thới Bình, Cà Mau). Ảnh: TG

Tiết học Tin học tại Trường Tiểu học Thới Bình B (Thới Bình, Cà Mau). Ảnh: TG

Tuy nhiên, với đặc thù biến đổi từng ngày, giờ của lĩnh vực khoa học - công nghệ, các cơ sở giáo dục cần được tháo gỡ mạnh mẽ vướng mắc về thể chế, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai hiệu quả Nghị quyết 57-NQ/TW.

PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng (Đồng Nai): Nhiều rào cản về cơ chế, chính sách

 PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh.

PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh.

Với 26 ngành đào tạo trải rộng ở nhiều lĩnh vực như công nghệ kỹ thuật điện - điện tử, cơ điện tử, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và kỹ thuật xây dựng, Trường Đại học Lạc Hồng (LHU) xây dựng chương trình học theo chuẩn quốc tế, chú trọng tính thực tiễn và ứng dụng, giúp sinh viên rèn luyện tư duy sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề.

Bên cạnh giờ học trên lớp, sinh viên có cơ hội tham gia các sân chơi công nghệ nhằm tích lũy kinh nghiệm thực tế. Nổi bật là chuỗi thành tích ấn tượng như: 9 năm vô địch cuộc thi Robocon Việt Nam, 3 năm liên tiếp đăng quang Robocon Châu Á - Thái Bình Dương và 5 năm liền giành chiến thắng tại cuộc thi xe tiết kiệm nhiên liệu châu Á. Những thành công này minh chứng rõ ràng cho hiệu quả của phương pháp đào tạo kết hợp giữa lý thuyết và thực hành tại LHU.

Tuy đạt nhiều thành tựu nổi bật trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, LHU vẫn gặp không ít rào cản về cơ chế và chính sách trong phát triển khoa học - công nghệ. Thứ nhất, nhà trường hiện không nhận được nguồn đầu tư nào từ ngân sách nhà nước, toàn bộ hoạt động phải tự chủ về tài chính.

Điều này dẫn đến hạn chế nguồn vốn đầu tư cho nghiên cứu khoa học, gây khó khăn trong thu hút nhân tài và phát triển đội ngũ nghiên cứu. Quy trình tài chính còn phức tạp, thiếu linh hoạt, đặc biệt việc chi tiêu ngân sách cho các đề tài khoa học, khiến tiến độ và hiệu quả triển khai dự án bị ảnh hưởng đáng kể.

Thứ hai, dù mối liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp được chú trọng, song chưa thực sự phát huy hiệu quả ở mảng nghiên cứu. Hiện nay, bộ phận quan hệ doanh nghiệp tại trường chủ yếu tập trung hỗ trợ sinh viên thực tập và tìm việc làm, trong khi hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp chưa được khai thác đúng mức. Hệ quả là nhiều đề tài nghiên cứu chưa gắn với nhu cầu thực tế, thiếu tính ứng dụng.

Thứ ba, đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực thương mại hóa sản phẩm khoa học - công nghệ và quản lý dự án tại trường còn mỏng, khiến nhiều kết quả nghiên cứu khó có khả năng thương mại hóa. Bên cạnh đó, thiếu vắng cơ chế kết nối hiệu quả giữa nhà trường và doanh nghiệp cũng là rào cản lớn trong quá trình chuyển giao và ứng dụng kết quả nghiên cứu, nhất là khi chưa có sự hỗ trợ thiết thực từ phía Nhà nước.

Đáng tiếc hơn, hàng loạt dự án nghiên cứu giàu tiềm năng như: Trung tâm Robot Công nghiệp và Tự động hóa, Trung tâm Vi mạch Bán dẫn hay Hệ sinh thái Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo - vốn có thể đóng góp không chỉ cho sinh viên LHU mà còn toàn bộ cộng đồng khoa học - kỹ thuật tỉnh Đồng Nai - chưa thể triển khai do những vướng mắc liên quan đến Luật Đầu tư công, dù được nhà trường chuẩn bị kỹ lưỡng nhiều năm.

Ông Nguyễn Thanh Nhàn - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thới Bình (Cà Mau): Khó chuyển đổi số vùng đặc biệt khó

 Ông Nguyễn Thanh Nhàn.

Ông Nguyễn Thanh Nhàn.

Hoạt động khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong ngành Giáo dục đang trở thành bước tiến quan trọng và tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu học tập thời đại mới.

Việc chuyển đổi số không chỉ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển kỹ năng số cho học sinh mà còn mở ra cơ hội học tập linh hoạt, học mọi lúc, mọi nơi, vượt qua giới hạn về không gian và thời gian. Đặc biệt, công nghệ số giúp tối ưu hóa công tác quản lý giáo dục, hỗ trợ các nhà trường trong quản lý thông tin học sinh và điều hành hoạt động giảng dạy hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích thiết thực, theo tôi, việc triển khai hoạt động khoa học công nghệ và chuyển đổi số tại một số cơ sở giáo dục gặp không ít khó khăn. Nhiều trường còn thận trọng, chưa mạnh dạn đổi mới do thiếu định hướng rõ ràng và chiến lược chuyển đổi số cụ thể. Tại khu vực nông thôn, vùng sâu, xa, đặc biệt các điểm lẻ do hạ tầng công nghệ thông tin còn hạn chế, gây trở ngại lớn cho việc triển khai các hoạt động công nghệ và ứng dụng số trong dạy học.

Nhiều giáo viên bộ môn chưa được đào tạo bài bản công nghệ thông tin, dẫn đến lúng túng trong áp dụng công cụ, phương pháp giảng dạy hiện đại. Bên cạnh đó, bài toán tài chính là rào cản lớn đối với các trường công lập trong việc lựa chọn và ứng dụng hiệu quả phần mềm, nền tảng công nghệ.

Để tháo gỡ những khó khăn trên, tôi đề xuất, thời gian tới, các cấp lãnh đạo cần sớm ban hành chính sách và cơ chế hỗ trợ đặc thù cho chuyển đổi số trong giáo dục, đặc biệt tại vùng khó khăn, có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Cần tăng cường đầu tư ngân sách cho giáo dục, nhất là hạ tầng công nghệ thông tin và đào tạo nhân lực. Đồng thời, cần xây dựng lộ trình chuyển đổi số rõ ràng, phù hợp điều kiện thực tiễn từng địa phương, cơ sở giáo dục.

Mặt khác, cần có chính sách khuyến khích đội ngũ giáo viên và học sinh tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình dạy và học. Giáo viên cần được đào tạo và hỗ trợ thường xuyên để nâng cao năng lực sử dụng công nghệ trong giảng dạy.

Những khóa bồi dưỡng, hội thảo chuyên đề có sự tham gia của chuyên gia công nghệ và giáo dục sẽ góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, giúp giáo viên tự tin và hiệu quả hơn trong công việc. Cùng đó, cần tăng cường hợp tác giữa các trường học, doanh nghiệp công nghệ và tổ chức giáo dục nhằm chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực, từ đó tạo nên hệ sinh thái giáo dục đổi mới và phát triển bền vững.

TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM: Vấn đề cốt lõi nằm ở khâu triển khai

 TS Nguyễn Trung Nhân.

TS Nguyễn Trung Nhân.

Hiện, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM đẩy mạnh triển khai các hoạt động phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Trong đó, đội ngũ cán bộ quản lý của nhà trường được cử đi đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng lãnh đạo phù hợp với yêu cầu mới.

Về mặt chuyên môn, các chương trình đào tạo của trường ngày càng chú trọng tích hợp yếu tố công nghệ với đưa các nội dung về chuyển đổi số, Blockchain, Big Data và gần đây là trí tuệ nhân tạo vào giảng dạy cho sinh viên.

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, đặc biệt trí tuệ nhân tạo cũng đặt ra nhiều yêu cầu thay đổi đối với đội ngũ giảng viên. Trước đây, khi trí tuệ nhân tạo chưa phổ biến, phương pháp giảng dạy và đánh giá mang tính truyền thống.

Nay, các thầy cô phải chủ động học hỏi, ứng dụng công nghệ trong dạy học, đồng thời điều chỉnh cách thức thi cử, kiểm tra để phù hợp với môi trường giáo dục số. Đây là thách thức, cơ hội để đội ngũ giảng viên nhà trường chuyển mình, thích nghi xu thế mới.

Dự kiến thời gian tới, nhà trường sẽ tổ chức các hội thảo khoa học nhằm đánh giá tác động của trí tuệ nhân tạo đến hoạt động nghiên cứu và giảng dạy, qua đó đưa ra định hướng phát triển phù hợp.

Tuy nhiên, trong quá trình đẩy mạnh đổi mới, nhà trường cũng gặp không ít khó khăn, nhất là các lĩnh vực mới. Một trong những vấn đề lớn hiện nay là sự tham gia, hỗ trợ từ phía doanh nghiệp trong việc tiếp nhận sinh viên thực tập và đào tạo thực hành còn hạn chế. Điều này đặc biệt rõ nét ở lĩnh vực bán dẫn, ngành đang cần nhân lực nhưng hiếm có đơn vị sẵn sàng tiếp nhận sinh viên từ sớm.

Về mặt cơ chế, chính sách, nhà trường đánh giá cao Nghị quyết 57-NQ/TW về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, coi đây là định hướng quan trọng. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi nằm ở khâu triển khai sao cho thực chất và hiệu quả tại cơ sở giáo dục. Các chính sách cấp bộ, ngành cần có hướng dẫn cụ thể để mỗi trường có thể thực hiện đúng quy định, đặc biệt trong việc giải ngân khoản đầu tư 2% ngân sách Nhà nước cho phát triển khoa học công nghệ, nếu làm tốt, đây sẽ là nguồn lực rất quan trọng.

Ngoài ra, hệ thống văn bản pháp lý hiện hành còn nhiều điểm chồng chéo, gây khó khăn cho quá trình áp dụng nghị quyết vào thực tiễn. Nhà trường kỳ vọng thời gian tới, các vướng mắc này sớm được tháo gỡ, tạo điều kiện để các trường đại học phát huy tốt vai trò trung tâm đổi mới sáng tạo, góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho nền kinh tế số.

Ông Lê Hoàng Dự - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau: Trở ngại lớn nhất là vấn đề kinh phí

 Ông Lê Hoàng Dự.

Ông Lê Hoàng Dự.

Trước xu thế phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Cà Mau thời gian qua tích cực ứng dụng khoa học công nghệ vào giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và chủ động chuẩn bị nguồn nhân lực cho tương lai trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Theo đó, các trường học đã triển khai hệ thống quản lý học tập hiện đại như Moodle, Canvas, Blackboard để tổ chức và quản lý khóa học, bài giảng, đồng thời theo dõi tiến độ học tập của học sinh. Các nền tảng học trực tuyến như Zoom, Microsoft Teams, Google Classroom được sử dụng rộng rãi để tổ chức lớp học từ xa.

Một số cơ sở bước đầu ứng dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ dữ liệu lớn (Big Data) nhằm cá nhân hóa quá trình học tập, phân tích hiệu suất học sinh và điều chỉnh chiến lược giảng dạy. Bên cạnh đó, nội dung số như video, bài giảng trực tuyến và sách giáo khoa điện tử được chú trọng phát triển, từng bước tạo dựng kho học liệu số hóa phong phú.

Sở GD&ĐT tỉnh đã phối hợp với nhà mạng triển khai đồng bộ các phần mềm trực tuyến trong quản lý học sinh, điểm số, công chức - viên chức, cơ sở vật chất và hồ sơ sổ sách. Đặc biệt, 100% trường THCS và THPT trong tỉnh được trang bị phần mềm quản lý ngân hàng câu hỏi và chấm thi trắc nghiệm như Intest, Mark Test. Đồng thời, các trường được chỉ đạo xây dựng ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm phục vụ kiểm tra, đánh giá và tổ chức các kỳ thi.

Tỉnh cũng đẩy mạnh triển khai giáo dục STEM kết hợp với hoạt động nghiên cứu khoa học tại trường học, đồng thời tổ chức nhiều cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cho học sinh trung học với chủ đề đa dạng như robot, năng lượng tái tạo, môi trường, biến đổi khí hậu và nông nghiệp công nghệ cao. Trung bình mỗi năm, Cà Mau có khoảng 60 đề tài, dự án tham gia vòng chung khảo Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học.

Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất hiện nay trong quá trình ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong giáo dục là vấn đề kinh phí. Việc trang bị cơ sở vật chất hiện đại, đầu tư phần mềm và công cụ học tập tiên tiến đòi hỏi nguồn tài chính lớn, điều mà không phải cơ sở giáo dục nào cũng có khả năng đáp ứng. Điều này dẫn đến sự chênh lệch trong tiếp cận công nghệ giữa các trường học, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu xa.

Bên cạnh đó, yếu tố con người đóng vai trò then chốt. Đội ngũ giáo viên cần được đào tạo liên tục để kịp thời cập nhật các công nghệ giảng dạy mới. Việc chuyển đổi từ phương pháp giảng dạy truyền thống sang mô hình dạy học hiện đại đặt ra không ít áp lực, đòi hỏi sự thích nghi nhanh chóng từ giáo viên, học sinh.

Ngoài ra, sử dụng công nghệ trong giáo dục cũng kéo theo những lo ngại liên quan đến an ninh thông tin và bảo mật dữ liệu cá nhân. Hệ thống quản lý dữ liệu tại nhiều cơ sở giáo dục còn phụ thuộc vào nhà mạng, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố ngoài mong muốn.

Trước thách thức đó, thời gian tới, ngành Giáo dục Cà Mau tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, đặc biệt ưu tiên cơ sở giáo dục vùng khó khăn. Cùng đó xây dựng hệ thống phần mềm quản lý giáo dục đồng bộ và liên kết nhằm tối ưu hóa việc quản lý thông tin, dữ liệu toàn ngành.

Các khóa đào tạo, tập huấn kỹ năng công nghệ thông tin và phương pháp giảng dạy trực tuyến sẽ tổ chức thường xuyên cho giáo viên để nâng cao hiệu quả giảng dạy. Ngành sẽ từng bước đưa các môn học và hoạt động về công nghệ thông tin vào chương trình giảng dạy nhằm trang bị cho học sinh kỹ năng cần thiết trong thời đại số.

Bên cạnh đó, Cà Mau sẽ đẩy mạnh việc phát triển và thực thi các chính sách bảo mật thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân học sinh và giáo viên trong môi trường số. Để tăng nguồn lực, tỉnh sẽ huy động sự tham gia của các doanh nghiệp công nghệ thông qua các dự án hợp tác công - tư, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đồng hành trong tiến trình chuyển đổi số giáo dục.

Đồng thời, đẩy mạnh phát triển nội dung giáo dục số, xây dựng kho tài liệu học tập và khóa học trực tuyến phong phú, chất lượng. Đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng sáng tạo, tương tác và tích cực, nhằm nâng cao sự hứng thú và chủ động của học sinh trong học tập.

Tỉnh cũng thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới, tích cực ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn trong quản lý giáo dục và cá nhân hóa việc học. Khuyến khích đổi mới sáng tạo trong nhà trường sẽ góp phần tạo ra môi trường thuận lợi để giáo viên và học sinh thử nghiệm các phương pháp, công cụ giảng dạy mới một cách linh hoạt, hiệu quả.

Quách Mến - Quốc Hải (Thực hiện)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/trien-khai-nghi-quyet-57-nqtw-tao-dot-pha-tu-co-che-post728747.html
Zalo