Triển khai Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá còn nhiều khó khăn
Thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, tỉnh Bắc Kạn đã ban hành nhiều kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện, gắn liền với công tác bảo vệ sức khỏe người dân. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn.
Mặc dù công tác truyền thông được tập trung thực hiện bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú phổ biến khá rộng rãi trong cộng đồng, trường học, cơ quan, công sở. Tuy nhiên công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn. Vừa qua Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã tiến hành điều tra, nghiên cứu về vấn đề thực hiện các quy định trong Luật PCTHCTL tại một số cơ quan đơn vị, địa phương đã có những đánh giá về tình hình thực hiện cũng như khó khăn gặp phải.
Bác sĩ Đoàn Mạnh Thịnh, Trưởng khoa bệnh không lây nhiễm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn cho biết: Quá trình phỏng vấn đại diện các cơ quan, ban ngành trên địa bàn tỉnh chúng tôi đã có những câu trả lời khá sát thực tế về thực trạng công tác phòng chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn tỉnh. Những người được phỏng vấn cho rằng, khó khăn là nhận thức của người dân chưa đồng đều, có sự chênh lệch về trình độ, văn hóa, phong tục giữa các vùng. Do môi trường làm việc căng thẳng, strees, thói quen hút thuốc lá nên nhiều cán bộ vẫn chưa bỏ được, hay tái nghiện".
Luật PCTHCTL đã có hiệu lực hơn 10 năm qua. Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định hướng dẫn thi hành luật, trong đó quy định rõ địa điểm cấm hút thuốc lá, việc xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm…Tuy nhiên trên thực tế, việc xử phạt đối với hành vi hút thuốc ở địa điểm cấm hút thuốc lá còn nhiều bất cập, dẫn đến hiệu quả giáo dục, răn đe thấp, tình trạng hút thuốc lá nơi công cộng như bến xe, thậm chí trong khuôn viên bệnh viện, trường học, nơi làm việc… vẫn diễn ra phổ biến.
Khó khăn đầu tiên là lực lượng thực thi công vụ còn mỏng. Theo quy định tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP thì thanh tra y tế, quản lý thị trường, chiến sĩ công an nhân dân đang thi hành công vụ và chủ tịch UBND cấp xã, phường có thẩm quyền xử phạt hành chính đối với hành vi hút thuốc lá tại địa điểm cấm, với mức xử phạt từ 100.000 đến 300.000 đồng.
Thực tế cho thấy, lực lượng có thẩm quyền xử phạt như nói trên không thể thường xuyên kiểm tra, phát hiện, xử lý các hành vi hút thuốc lá nơi công cộng, không có trang thiết bị, kinh phí phục vụ tuần tra, hoạt động, không giao quyền xử phạt cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào thực hiện tại cộng đồng. Quy định người vi phạm phải đến kho bạc để nộp phạt càng khiến việc xử phạt khó thực hiện.
Phong tục của người Việt, thái độ nể nang khi bắt gặp hành vi hút thuốc nơi công cộng. Khi được hỏi anh/chị có nhắc nhở khi thấy hành vi hút thuốc lá tại nơi công cộng không thì hầu hết câu trả lời thu được là “không”. Lí giải cho điều này, đại diện Hội, đoàn thể thuộc UBND thành phố Bắc Kạn chia sẻ tại các nhà hàng, khách sạn, nơi kinh doanh dịch vụ, việc áp dụng Luật cũng vô cùng khó khăn. Trong Luật có quy định xử phạt nhưng thực tế tại nhà hàng thì việc xử phạt đối với khách rất khó”. Vì vậy biện pháp tốt nhất là cần tăng cường truyền thông để xóa bỏ tư duy lạc hậu, hình thành thói quen nhắc nhở hành vi hút thuốc sai quy định, vì sức khỏe của cá nhân và cộng đồng.
Nguyên nhân thứ nữa là do khả năng tiếp cận với các sản phẩm thuốc lá rất dễ dàng, thuốc lá được bày bán khắp nơi, giá rẻ. Việc vi phạm quy định cấm quảng cáo thuốc lá tại các điểm bán cũng đang gây những khó khăn cho công tác phòng, chống tác hại thuốc lá. Tại các đại lý kinh doanh lớn đến các cửa hàng nhỏ, quán nước vỉa hè từ thành phố tới khu vực nông thôn, thuốc lá vẫn được bán công khai. Theo chia sẻ của nhiều hộ kinh doanh, quy định cấm bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi khó thực thi bởi nhiều chủ cửa hàng không biết quy định đó hoặc biết nhưng khó phân biệt đối tượng mua đã đủ tuổi hay chưa.
Nâng cao nhận thức vừa là giải pháp, vừa là mục đích, để hướng tới các đối tượng, từ những người dân không sử dụng thuốc lá, những người trực tiếp sử dụng đến những người có thẩm quyền trong PCTHTL. Điều đáng lo ngại là tình trạng hút thuốc lá vẫn diễn ra hằng ngày, nhất là những nơi công cộng. Đối tượng hút thuốc lá chủ yếu là nam giới, trong đó có cả học sinh, sinh viên. Không chỉ đối với người dân mà tại nhiều cơ quan, đơn vị vẫn còn một số lãnh đạo vi phạm các quy định, hút thuốc tại cơ quan, công sở, gây khó khăn cho việc triển khai Luật tại chính cơ quan, đơn vị, các hành vi tuyên truyền, phổ biến cho cấp dưới chỉ mang tính chất đối phó. Vì vậy để những quy định của Luật được thực hiện nghiêm, trong thời gian tới các cấp, các ngành cần tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, giám sát, áp dụng các biện pháp quản lý, xử phạt nghiêm minh để làm trong sạch môi trường sống, vì một môi trường không khói thuốc lá./.